Giáp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 là thời điểm các loại thực phẩm được tiêu thụ với khối lượng lớn. Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 11 nghìn cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, trong đó có 649 bếp ăn tập thể (chưa tính số lượng lớn hàng bán rong trên đường phố). Đồng chí Lê Lợi, Chi cục phó Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết, hiện nay tình trạng sử dụng chất phụ gia trong chế biến thực phẩm đã trở thành phổ biến nhưng việc kiểm soát sử dụng chất phụ gia có yếu tố độc hại trong sản xuất thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh là rất khó khăn, bởi hiện tỉnh ta chưa có một cơ sở chính thức sản xuất phụ gia thực phẩm. Các chất phụ gia thực phẩm trên thị trường đều nhập từ các tỉnh khác nên rất khó truy tìm nguyên nguồn gốc, xuất xứ. Hiện nay, phụ gia thực phẩm được phân làm 2 loại là phụ gia được phép sử dụng và phụ gia không được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Đối với các chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng, nếu sử dụng để chế biến thực phẩm thì do Sở Y tế cấp phép; còn sử dụng bảo quản, bảo vệ thực phẩm thì do Sở NN và PTNT cấp phép… Hơn nữa, dù là phụ gia thực phẩm nằm trong danh mục cho phép sử dụng nhưng nếu các cơ sở sản xuất thực phẩm lạm dụng cũng sẽ gây mất ATVSTP, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Năm 2012, Chi cục ATVSTP tỉnh đã chủ động phối hợp với Thanh tra các Sở: Y tế, NN và PTNT, Công thương... tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã tiến hành xử phạt hành chính 14 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 25 triệu đồng, bao gồm xử phạt 1 cơ sở kinh doanh rượu có hàm lượng furfurol vượt quá giới hạn cho phép; 2 cơ sở sản xuất bánh phở có chứa foocmon; 7 cơ sở sản xuất bánh kẹo, nước uống đóng chai do không đạt yêu cầu vệ sinh thực phẩm…
Các cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng ATVSTP tại chợ Mỹ Tho (TP Nam Định). |
Để đảm bảo ATVSTP cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP đã xây dựng, triển khai kế hoạch tuyên truyền, tập trung vào các đối tượng là người nội trợ, người tiêu dùng thực phẩm, đối tượng sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; chính quyền các cấp, các nhà quản lý vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Đối với chất phụ gia thực phẩm, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn người tiêu dùng không sử dụng chất phụ gia thực phẩm độc hại; cách chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn; nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của người kinh doanh về chất phụ gia thực phẩm đảm bảo an toàn. Đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, tập trung tuyên truyền về Luật An toàn thực phẩm, các Nghị định số 38, Nghị định số 91/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về VSATTP, trong đó nêu rõ quy định mức tiền phạt tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính về ATTP là 100 triệu đồng; danh mục các chất phụ gia được sử dụng theo quy định của Bộ Y tế; các quy định về vệ sinh cơ sở, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sử dụng chất phụ gia thực phẩm cho phép. Sở Y tế tăng cường phối hợp với Uỷ ban MTTQ, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, tuyên truyền nội dung Luật An toàn thực phẩm, các hình thức bảo đảm ATVSTP cho hiệu trưởng, cán bộ y tế học đường, người phụ trách bếp ăn tập thể tại các nhà trường và các bếp ăn tập thể của các Cty, KCN. Từ ngày 10-1 đến 10-2-2013, Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh sẽ tổ chức các đoàn tiến hành thanh tra, kiểm tra các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết, trong đó chú trọng những cơ sở có dấu hiệu vi phạm về bảo đảm VSATTP trên địa bàn tỉnh. Tập trung sử dụng máy test thử nhanh M3 do Viện Kiểm định Quốc gia trang bị để phát hiện bằng định tính chất hàn the, folmaldehyde, ôi thiu, giấm, phẩm màu công nghiệp có trong thực phẩm. Những mẫu thực phẩm nghi ngờ sẽ được gửi mẫu xét nghiệm, niêm phong, lập biên bản hành chính, xử lý theo quy định./.
Bài và ảnh: Đức Toàn