Tăng cường chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

10:01, 07/01/2013

Cơn bão số 8, ngày 28-10-2012 đã gây thiệt hại cho tỉnh ta 2.521,2 tỷ đồng, trong đó làm thiệt hại hơn 8.740ha lúa mùa, hơn 12.800ha cây màu vụ đông; toàn bộ diện tích nuôi ngao vạng và thủy sản mặn lợ bị thiệt hại, hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, hàng chục ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, nhiều trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất bị hư hại nặng. Tại các huyện ven biển nhiều hộ nuôi thuỷ, hải sản tập trung có diện tích lớn với các con nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao bị mất trắng…

Biến đổi khí hậu đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, từ nhiều năm qua, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) (đối tác thực hiện tại Việt Nam của cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển) đã hỗ trợ tỉnh triển khai hiệu quả nhiều mô hình cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu theo phương thức phát triển sinh kế bền vững như: hỗ trợ chính quyền và cộng đồng địa phương tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy là vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng xây dựng được 4 tuyến du lịch đủ sức hấp dẫn du khách gồm tuyến du thuyền cửa sông, tuyến xem chim, tuyến điền dã và tuyến du khảo đồng quê tới 5 xã vùng đệm Giao Hải, Giao Xuân, Giao An, Giao Thiện và Giao Lạc; hỗ trợ xã Giao Xuân xây dựng mô hình du lịch sinh thái cộng đồng; thành lập tổ hợp tác nuôi ngao bền vững; hỗ trợ xây dựng thành công thương hiệu ngao “Giao Thủy”… Thông qua các mô hình, các tổ chức, cá nhân tham gia đều được hưởng lợi trực tiếp khi mô hình thành công; bên cạnh đó, số lượng người hiểu rõ các giá trị của tài nguyên thiên nhiên trong môi trường, vai trò, trách nhiệm phải bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đã từng bước tăng lên. Ngoài ra, việc đầu tư kinh phí, công sức để thực hiện các hành vi ứng phó với biến đổi khí hậu còn góp sức để cả cộng đồng hưởng chung các lợi ích khi giảm dần các tác động có hại, kìm nén được sự biến đổi tiêu cực của khí hậu.

Thị trấn Thịnh Long tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thị trấn Thịnh Long tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, ngoài các chương trình có sự hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật thì trên thực tế người dân ít có sự chủ động tự nguyện bỏ vốn đầu tư mặc dù họ là những người được trực tiếp hưởng lợi sau đầu tư. Cụ thể là chương trình ngăn chặn, giảm thiểu tác động trực tiếp, lâu dài của biến đổi khí hậu do UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức kinh phí đạt 550 tỷ đồng từ đầu năm 2012, đến nay chưa thực sự nhận được sự vào cuộc triển khai của các ngành chức năng cũng như các địa phương. Hiện nay, mới chỉ có ngành NN và PTNT đã tập trung triển khai thực hiện các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu như: Khôi phục và phát triển hệ thống rừng phòng hộ ven biển; trồng rừng ngập mặn bảo vệ đê biển tạo môi trường cảnh quan sinh thái; củng cố, nâng cấp 23.600m kênh; xây dựng các công trình trên kênh; củng cố, nâng cấp hoàn thiện đê, kè công trình dưới đê biển tuyến I của tỉnh; nâng cấp đê, công trình trên đê biển tuyến II trên toàn tỉnh; củng cố, nâng cấp hệ thống đê, kè sông, xây dựng công trình trên đê trong toàn tỉnh; thực hiện các giải pháp công trình, phi công trình để đảm bảo hệ thống sông trong địa bàn tỉnh thoát lũ theo quy định; nạo vét, củng cố nâng cấp kênh, xây dựng công trình trên kênh chính, kênh cấp 2, xây mới trạm bơm Rõng, xây dựng cống Ngô Xá, hoàn thiện mặt cắt, gia cố mặt đê, làm kè chống sạt lở, xây dựng công trình trên đê… Còn một số ngành, thậm chí cả ngành TN và MT, đơn vị chủ quản thực hiện nhiệm vụ BVMT cũng chưa tích cực tập trung thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo kế hoạch triển khai các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu, công tác xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho cán bộ các cấp và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh đến năm 2013 mới được Sở TN và MT tổ chức thực hiện. Từ thực trạng trên, để đạt hiệu quả cao trong chương trình ngăn chặn, giảm thiểu tác động trực tiếp, lâu dài của biến đổi khí hậu, các cấp, các ngành, các địa phương và mỗi người dân phải chủ động thực hiện các biện pháp BVMT, giảm tối đa tác động xấu gây ảnh hưởng đến môi trường./.

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com