Ngày 21-12-2012, NHNN quyết định hạ lãi suất huy động xuống 1%/năm so với trước. Như vậy, trong năm 2012, lãi suất huy động liên tục được hạ 5 lần, kéo theo lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh xuống. Bên cạnh đó, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đều tăng trưởng mạnh về huy động vốn, có đủ nguồn để cho các doanh nghiệp vay vốn. Tuy nhiên, hiện nay mặc dù nhiều doanh nghiệp thiếu vốn nhưng số lượng doanh nghiệp vay vốn chưa nhiều, việc tăng trưởng dư nợ và doanh số cho vay của ngân hàng vẫn chậm...
Đến hết năm 2012, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt 19.298 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 6,5%. So với các năm trước thì năm 2012, tăng trưởng dư nợ tín dụng của tỉnh ta ở mức thấp (năm 2009 tăng 31,7%, năm 2010 tăng 24,8% và năm 2011 tăng 18,7%). Các ngân hàng lớn trên địa bàn cũng đều có mức tăng trưởng thấp hơn các năm trước. Đồng chí Trần Văn Thiện, Giám đốc Ngân hàng Thương mại CP Công thương, Chi nhánh tỉnh Nam Định cho biết: Tăng trưởng tín dụng cả năm đơn vị chỉ đạt 5%, bằng 88% kế hoạch đề ra. Trong khi đó, năm 2012 có mức tăng trưởng mạnh về huy động vốn. Theo thống kê của NHNN tỉnh tổng vốn huy động trên địa bàn tỉnh thời điểm cuối năm 2012 đạt 16.990 tỷ đồng, tăng 26,6% (3.575 tỷ đồng) so với đầu năm. Ngân hàng Thương mại CP Công thương Chi nhánh Nam Định đạt vốn huy động lên tới 2.430 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Ngân hàng NN và PTNT tỉnh đạt vốn huy động là 4.983 tỷ đồng, tăng 45% so với đầu năm… Bên cạnh đó, các ngân hàng đều khẳng định Hội sở chính luôn sẵn sàng tiếp vốn để đáp ứng nhu cầu vay tại địa bàn.
Giao dịch tại Ngân hàng Thương mại CP Ngoại thương (Vietcombank) Chi nhánh Nam Định. |
Trong điều kiện nguồn vốn vay không thiếu nhưng dư nợ của các doanh nghiệp tăng thấp, trái với thực tế “khát vốn” hiện nay của các doanh nghiệp. Thống kê cho thấy, dư nợ đối với khối doanh nghiệp hiện nay đạt 8.105 tỷ đồng với 1.385 doanh nghiệp, bằng 44,2% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Dư nợ của các doanh nghiệp thậm chí còn giảm 198 tỷ đồng so với đầu năm. Ngân hàng NN và PTNT tỉnh có tốc độ tăng trưởng mạnh với 12% nhưng trong tổng số dư nợ 5.705 tỷ đồng thì số vốn dư nợ cho doanh nghiệp vay đạt 1.082 tỷ đồng, với 860 doanh nghiệp. Đây là con số đáng suy nghĩ trong bối cảnh hiện nay. Phân tích cụ thể nguyên nhân giải thể của trên 500 doanh nghiệp trong năm 2012 cho thấy nguyên nhân chủ yếu đều do cạn vốn, không có vốn để tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh. Dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm nay cũng không có tăng trưởng đột biến về vốn phục vụ sản xuất kinh doanh như mọi năm. Bên cạnh đó, nhu cầu vốn của doanh nghiệp để trả các khoản nợ cũng gia tăng. Hiện có 128 doanh nghiệp có khó khăn về trả nợ ngân hàng. Tổng nợ thuế trên địa bàn tỉnh của doanh nghiệp lên tới hơn 300 tỷ đồng. Nợ BHXH của doanh nghiệp hiện nay trên 70 tỷ đồng…
Một số doanh nhân cho biết, dù lãi suất cho vay liên tục hạ và đã xuống mức lãi suất từ 13-15%/năm, trong điều kiện giá nguyên, vật liệu đầu vào đều tăng thì doanh nghiệp cũng không thể có lãi. Theo ông Lê Văn Nam, Giám đốc Cty TNHH Nam Anh (CCN An Xá, TP Nam Định) thì doanh nghiệp chỉ có lãi nếu lãi suất ngân hàng ở mức 7%/năm, tối đa đến 8%/năm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đều cho rằng “điều kiện” để được vay vốn của ngân hàng hiện nay rất khó khăn. Đại diện một doanh nghiệp đang nộp hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng CP thương mại Kỹ thương (Techcombank), chi nhánh Nam Định cho biết: “Các ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp phải có năng lực sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có tài sản thế chấp, nếu không thì cho vay quá thấp, không đủ vốn để doanh nghiệp đầu tư. Doanh nghiệp diện được hưởng cho vay lãi suất thấp thì càng khó tiếp cận vốn"… Vấn đề khó khăn nhất trong vay vốn hiện nay là các ngân hàng dù sẵn sàng vốn nhưng đều chủ trương cho vay ngắn hạn khiến doanh nghiệp khó có thể sử dụng được nguồn vốn vay hiệu quả, thậm chí lâm vào tình trạng không thể trả được vì không kịp thu hồi vốn. Ông Trần Văn Hùng, kế toán Cty TNHH P.H (TP Nam Định) bức xúc: “Tôi nộp hồ sơ, cán bộ ngân hàng nói điều kiện được vay của Cty tôi chỉ có 3 tháng. Vì quá bức thiết nên phải vay, nhưng hết 3 tháng Cty chúng tôi chưa có nguồn để trả”… Thống kê của NHNN tỉnh cho thấy, năm 2012, tỷ trọng cho vay ngắn hạn của các ngân hàng rất cao, lên tới 11.915 tỷ đồng, đạt 61,7% tổng dư nợ và tăng 13,6% so với đầu năm.
Như vậy, dù ngân hàng đã sẵn sàng vốn cung ứng cho doanh nghiệp nhưng việc tiếp vốn và phát huy hiệu quả vốn vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. NHNN tỉnh cần can thiệp về thời hạn vay vốn vì hầu hết doanh nghiệp trong tỉnh đều là doanh nghiệp sản xuất, cần thời gian dài để triển khai đầu tư sản xuất. Lãnh đạo các ngân hàng đều thừa nhận, điều kiện cho vay hiện nay rất khắt khe nhưng đây là do Hội sở chính quyết định, các Chi nhánh Nam Định chỉ thừa hành. Về lãi suất chung, hiện nay tuy còn cao, nhưng các ngân hàng trên địa bàn đều đã hạ thấp tối đa chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay. Điều các ngân hàng mong muốn nhất là các doanh nghiệp phải tự chủ về vốn, chỉ coi nguồn vốn ngân hàng là một kênh phụ chứ không phải dựa hoàn toàn vào vốn ngân hàng như hiện nay. Chỉ như thế ngân hàng mới giảm điều kiện vay vốn, yên tâm cho doanh nghiệp vay mà không lo về thất thoát, rủi ro tín dụng.
Việc tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh đang là vấn đề cần làm ngay. UBND tỉnh và các ngành chức năng cần rà soát thực trạng của doanh nghiệp hiện nay. Thực tế trong năm qua cho thấy, thực trạng tiềm lực về vốn của các doanh nghiệp trong tỉnh rất yếu, chỉ trông chờ vào tín dụng. Và với lãi suất như hiện nay, những doanh nghiệp này khi không trụ được sẽ gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế của tỉnh, gây ảnh hưởng đến xã hội./.
Bài và ảnh: Hoàng Long