Năm 2012, trong điều kiện do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, trong nước và chịu sự thiệt hại nặng nề của bão số 8, song dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân trong huyện, kinh tế - xã hội của huyện Giao Thủy vẫn đạt được những thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng GDP là 13%, đạt 100% kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người đạt 17,19 triệu đồng, vượt 2,7% kế hoạch. Sản lượng lương thực đạt 101.298 ngàn tấn; giá trị sản xuất trên 1ha canh tác đạt 99 triệu đồng; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 10.450 tấn. Tổng sản lượng thủy hải sản đạt 31.680 tấn, vượt 0,8% kế hoạch. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 63.500 triệu đồng. Giá trị hàng xuất khẩu: 4,1 triệu USD đạt 100% kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,89%, đạt 104,72% kế hoạch. Tạo việc làm mới cho 4.592 lao động, đạt 102,04% kế hoạch; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo 40%, đạt 100% kế hoạch.
Đồng chí Nguyễn Xuân Nghinh, Bí thư Huyện ủy cho biết: "Để đạt được những thành tựu trên là do có sự đoàn kết thống nhất trong các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự đồng thuận, chung sức, chung lòng của các tầng lớp nhân dân quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp. Các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã thực hiện tốt quy chế hoạt động; đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, đảm bảo lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện các nhiệm vụ đặt ra". Điểm nổi bật trong bức tranh kinh tế của huyện Giao Thủy năm 2012 là cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện đã tập trung lãnh đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm khai thác tiềm năng đất đai, lao động, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Năm 2012, huyện Giao Thuỷ cấp giấy chứng nhận cho 159/351 trang trại đạt tiêu chí theo quy định của Bộ NN và PTNT. Bình quân mỗi trang trại có tổng vốn đầu tư từ 300-450 triệu đồng, giá trị sản xuất 500 triệu đồng/năm trở lên; một số trang trại quy mô lớn, doanh thu mỗi năm đạt từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng. Các địa phương có trang trại chuyên trồng trọt như: Bình Hòa, Giao Hà, Giao Tiến; nhiều địa phương phát triển trang trại chăn nuôi tập trung xa khu dân cư với quy mô 50 con trâu, 100 con lợn và 2.000 con gia cầm trở lên là các xã: Giao Hương, Hoành Sơn, Giao Châu, Bạch Long... Các xã, thị trấn trong huyện tập trung xây dựng các vùng nuôi chuyên canh phù hợp với điều kiện của địa phương; phát triển chăn nuôi đa dạng theo hướng sản xuất hàng hóa, đưa các giống mới vào chăn nuôi tăng năng suất, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; là địa phương có tiềm năng kinh tế biển với 32km bờ biển, 81 nghìn ha bãi bồi ven biển và gần 4.000ha đất ngập triều, thời gian qua, nhiều địa phương trong huyện tập trung phát triển kinh tế biển, có số lượng trang trại chuyên nuôi trồng thủy hải sản phát triển nhanh như các xã: Giao Lạc (52 trang trại), Giao An (11 trang trại), Giao Xuân (29 trang trại), Giao Thiện (33 trang trại)... Nuôi trồng thủy sản mặn lợ của huyện trong những năm qua phát triển mạnh với diện tích là 3.775ha, tập trung vào các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm sú, cua biển, ngao, cá bống bớp. Các trang trại nuôi công nghiệp đạt năng suất 4-5 tấn tôm sú/ha/năm, nuôi bán công nghiệp đạt 2-2,5 tấn/ha. Gần đây, một số chủ trang trại tại các xã Giao Phong, Giao Xuân, Giao Lạc, Giao Thiện đang chuyển dần sang nuôi tôm he chân trắng đạt hiệu quả cao, năng suất bình quân đạt 6-8 tấn/ha/năm, cá biệt có hộ nuôi 3 vụ đạt 12 tấn/ha/năm. Nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt cũng phát triển mạnh. Toàn huyện có gần 1.200ha nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt, trong đó có 345ha chuyển đổi trồng lúa hiệu quả thấp sang nuôi trồng thuỷ sản đã hình thành các trang trại, gia trại phát triển kinh tế tổng hợp VAC tập trung. Năng suất nuôi các trang trại, ao hồ rộng đã đạt 3-5 tấn/ha.
Cánh đồng mẫu lớn 38,2ha giống lúa BC15 tại xã Giao Hà (Giao Thủy). |
Bên cạnh việc phát triển kinh tế trang trại, huyện Giao Thủy đã chỉ đạo các xã, thị trấn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; thực hiện dồn điền, đổi thửa; xây dựng cánh đồng mẫu lớn; quy hoạch vùng sản xuất tập trung, xây dựng hệ thống giao thông nội đồng tạo tiền đề cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn… Các địa phương tiêu biểu trong việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp là: Giao Thịnh, Giao Tiến, Hoành Sơn, Giao Hà, Giao Thanh. Việc ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực, giúp bà con nông dân nâng cao giá trị thu nhập, giảm sức lao động. Toàn huyện hiện có trên 500 máy làm đất, 15 máy gặt đập liên hợp. Hiệu quả việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất ở Giao Thủy đã tạo tiền đề cho các địa phương trong huyện xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn. Tiêu biểu như mô hình cánh đồng mẫu lớn theo quy trình GAP tại các xã Giao Tiến, Giao Thịnh, Giao Hà… với các giống chủ lực là BC15, Bắc thơm số 7… Vụ mùa năm 2012, xã Giao Hà đã tiến hành xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại 4 xóm (9, 10, 11, 12), diện tích 38,2ha với giống lúa BC15; 311 hộ dân tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn đã được hỗ trợ 100% giá thóc giống và được tập huấn chuyển giao KH-KT. Qua đó, trong vụ sản xuất đầu tiên, cánh đồng mẫu lớn của Giao Hà năng suất lúa gần 70 tạ/ha, tăng 15-20%; chi phí thuốc bảo vệ thực vật chỉ bằng 50% so với phương thức sản xuất trước đây. Từ thành công bước đầu của mô hình trên, Giao Hà tiếp tục có kế hoạch nhân rộng, xây dựng thêm 2 cánh đồng mẫu lớn nữa trên địa bàn xã trong vụ xuân 2013.
Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp bền vững, đưa giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao để đưa vào sản xuất trên diện rộng, Đề án chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2011-2015 của huyện đã xác định chỉ tiêu phát triển ngành nông nghiệp của huyện đến năm 2015 là: tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3,45%; sản lượng lương thực bình quân đạt 101 nghìn tấn/năm; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 10.500 tấn. Đối với sản phẩm từ cây lúa, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu giống và cơ cấu mùa vụ, xây dựng vùng sản xuất lúa đặc sản và lúa chất lượng cao đạt quy mô diện tích 4.000ha vào năm 2015. Trong đó, nhóm lúa đặc sản là 600ha tập trung ở các xã Giao Hương, Giao Thiện, Giao Nhân, Giao Hải, Giao Hà, Bình Hòa. Diện tích còn lại sử dụng các giống lúa thuần chất lượng cao như Nam Định 1, Nếp 97, Bắc thơm 7, TBR45… Đồng thời từng bước nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn có giá trị sản xuất trên 100 triệu đồng/ha/năm. Trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, huyện chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng chuyên màu, phát triển mạnh cây lạc, cà chua, dưa chuột, ngô, rau các loại ở các xã Giao Phong, Giao Yến, Giao Thịnh, Thị trấn Quất Lâm; mở rộng diện tích sản xuất vụ đông trên đất hai lúa đạt 1.000ha vào năm 2015, nâng hệ số quay vòng đất lên 2,5 lần/năm. Từng bước phát triển cây vụ đông làm nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu như: cà chua, dưa chuột quả to, dưa hấu, ngô ngọt, cải dầu, đồng thời quy hoạch và phát triển các vùng trồng rau sạch tập trung, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao thu nhập cho người dân, phấn đấu đến năm 2015 diện tích trồng các cây rau đậu đạt 3.000ha, trong đó, có khoảng 20 tấn rau sạch/ngày cung cấp cho thị trường. Trong chăn nuôi, huyện tập trung phát triển đàn lợn nái, lợn siêu lạc; mở rộng một số mô hình con nuôi mới như: nhím, hươu, lợn rừng, dê lai, thỏ lai. Trong quy hoạch phát triển trang trại, huyện phấn đấu xây dựng 15 trang trại chuyên trồng trọt với diện tích 116ha; 45 trang trại chuyên chăn nuôi tập trung xa khu dân cư với diện tích 439ha; 253 trang trại nuôi trồng thủy hải sản với diện tích 1.810ha. Để các vùng quy hoạch phát huy hiệu quả, huyện tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gồm đường giao thông nội đồng, đường điện, trạm bơm, cống điều tiết nước, kiên cố hóa kênh tưới. Nâng cao chất lượng các hoạt động khuyến nông, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh liên kết 4 nhà trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Khuyến khích các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp, tổ hợp sản xuất và hộ nông dân liên kết chặt chẽ với các nhà khoa học, cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan nghiên cứu tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng.
Đề án chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đang được huyện Giao Thủy tiếp tục chỉ đạo, tạo bước đột phá và là tiền đề để huyện vững bước trên đường CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn./.
Bài và ảnh: Khánh Ngọc