Năm nay, tuy mặn chưa xâm nhập đến Mom Rô như năm 2010 nhưng đã lên đến cống Hạ Miêu 2, xã Xuân Thành (Xuân Trường) cách cửa sông trên dưới 40km. Tại huyện Giao Thủy, độ mặn đo được tại Ngô Đồng lên tới 26%0, tại cống Tài (cách cửa sông 30km) là 20%0. Mực nước ngoài sông thấp và mặn xâm nhập sâu nên đến nay các diện tích tưới tiêu tự chảy chưa lấy được nước để thau chua rửa mặn, thông dòng kênh mương. Đặc biệt năm nay do bão số 8 làm ngập úng sâu lại hầu như không có nắng hanh, mưa rả rích theo các đợt gió mùa nên đất ướt, các địa phương không cày nỏ được, nhiều diện tích chân vàn, vàn trũng phải chuyển sang làm dầm để cấy lúa. Từ các ngày đầu tháng 12-2012 đến nay, các huyện phía nam tỉnh tích cực cày lật đất, nhưng các huyện phía bắc tỉnh hầu như chưa cày lật đất.
Cũng do mưa nhiều và phải trồng đi trồng lại diện tích cây vụ đông nên tiến độ thu hoạch cây vụ đông chậm. Mặt khác năm nay các huyện, thành phố đồng loạt tổ chức thực hiện dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, làm đường ra đồng, cải tạo hệ thống bờ vùng, bờ thửa, kênh mương… Trong chiến dịch làm thủy lợi nội đồng vụ đông xuân 2012-2013, đến ngày 8-1-2013, toàn tỉnh đã đào đắp được 7.694.060m3, đạt 144,34% so với kế hoạch và vượt rất cao so với cùng kỳ; trong đó các Cty TNHH một thành viên KTCTTL đào đắp vượt kế hoạch 24,9%; các huyện, thành phố đào đắp vượt kế hoạch 50,91%. Tuy nhiên khối lượng đào đắp chủ yếu do làm đường giao thông nội đồng, khối lượng nạo vét kênh cấp III của các địa phương đạt thấp, mới chỉ thực hiện được trên 50% kế hoạch, rất khó khăn khi đưa nước vào ruộng kể cả khi kênh mương cấp I, II có nước. Bên cạnh đó, tình trạng bèo rác, đăng, đó… làm cản dòng chảy trên kênh, mương còn diễn ra ở không ít địa phương.
Kiên cố kênh cấp I Trà Thượng đoạn qua xã Xuân Kiên (Xuân Trường). |
Để bảo đảm lấy đủ nước, chất lượng nước tốt, đúng thời gian theo kế hoạch, Sở NN và PTNT đã tham mưu với UBND tỉnh có các văn bản chỉ đạo, cơ chế khuyến khích, cách tổ chức thực hiện… Sở NN và PTNT đã chủ động phối hợp với các ngành: Điện lực, Công thương, TN và MT, các huyện, thành phố chuẩn bị đủ điện phục vụ cho bơm tát chống hạn; chỉ đạo các Phòng NN và PTNT các huyện, thành phố tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, đẩy nhanh tiến độ dồn điền đổi thửa, làm thủy lợi nội đồng, cày lật đất sớm; chỉ đạo các Cty TNHH một thành viên KTCTTL có kế hoạch lấy nước sớm, lấy đủ nước ngay từ khi tổ chức làm đất cho gieo cấy vụ xuân 2013. UBND, Phòng NN và PTNT các huyện, thành phố; UBND các xã, thị trấn chỉ đạo, kiểm tra để các xã, thôn đang thực hiện dồn điền đổi thửa khẩn trương giao ruộng ngoài thực địa cho các hộ và hoàn thành nạo vét tất cả các kênh cấp III theo kế hoạch xong trước ngày 25-1-2013. Vừa tổ chức nạo vét kênh cấp III, vừa huy động tối đa lực lượng, phương tiện, máy móc khẩn trương cày lật đất, hạn chế tối đa diện tích làm dầm. Những ngày cuối tháng 12-2012 và đầu tháng 1-2013, các huyện: Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy, Nghĩa Hưng… đã huy động các phương tiện tập trung cày lật đất, đến nay nhiều huyện đã cơ bản cày lật đất xong, nhưng các huyện phía bắc tỉnh ít đơn vị ra quân cày lật đất, chủ yếu do chờ nước về để làm "xổi", cày bừa ngay, khó có thời gian ngâm dầm tạo ngả ngấu. Trước mắt, đối với các Cty TNHH một thành viên KTCTTL phải tập trung hoàn thành kế hoạch làm thủy lợi nội đồng, nhất là các công trình đầu mối, các phai, cống, đập; sửa chữa các trạm, máy bơm để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi yêu cầu. Các Cty tiếp tục cùng với các huyện, thành phố, xã, thị trấn rà soát, kiểm tra, giải tỏa các vi phạm về đê điều, ngăn chặn và kiên quyết không để phát sinh các vi phạm mới đảm bảo các kênh mương thông thoáng, sạch sẽ. Các Cty TNHH một thành viên KTCTTL tổ chức cho các tổ, trạm bơm bố trí lực lượng tại các cống lấy nước dưới đê túc trực thường xuyên, khi có điều kiện là tổ chức lấy nước vào kênh mương ngay. Với vùng tưới tiêu nước bằng động lực, tổ chức bơm nước sớm cho các chân vàn, vàn thấp chưa tổ chức cày ải được để ngâm kỹ và làm đất sớm. Với các chân ruộng cao phải cày lật đất trước khi lấy nước và có kế hoạch khoanh, giữ nước, không để lãng phí nước. Vùng tưới tiêu tự chảy, khi nước ngoài sông lớn và độ mặn cho phép (dưới 1 phần nghìn) thì mở cống đưa nước vào mương dự trữ và thông tuyến kênh mương. Nếu thuận lợi có thể thay tháo, rửa chua, mặn, tập trung lấy 2 đợt chính từ ngày 22 đến 30-1 (con nước rằm tháng Chạp), lấy nước tối đa để làm đất và thau chua, rửa mặn; từ ngày 5 đến ngày 11-2, lấy nước bổ sung làm đất và phục vụ cấy. Tất cả các Cty TNHH một thành viên KTCTTL vùng thủy triều và 6 huyện phía nam tỉnh bám sát kế hoạch lấy nước theo 4 đợt theo sự chỉ đạo của Sở NN và PTNT. Với Cty TNHH một thành viên KTCTTL vùng tưới tiêu nước bằng động lực bám sát lịch thủy triều và căn cứ vào lịch xả nước của các hồ thủy điện để khai thác tối đa nguồn nước. Tập trung bơm nước 2 đợt chính từ ngày 15-1 đến ngày 4-2-2013 theo lịch đã thống nhất. Các Cty nhập nước vào kênh tiêu để các trạm bơm điện nhỏ hoạt động bơm tưới trong 2 đợt: đợt 1, từ ngày 10 đến 16-1-2013; đợt 2, từ ngày 4 đến 9-2-2013. Trong khi tổ chức lấy nước, tuân thủ đúng nguyên tắc cao, xa lấy trước; trũng, gần lấy sau; khoanh vùng giữ nước, không để lãng phí nước. Với các vùng gieo sạ tập trung, các Cty TNHH một thành viên KTCTTL tưới tiêu nước theo yêu cầu của kỹ thuật thâm canh, tập trung tạo đủ nguồn để bơm tát và các địa phương cần dùng nước tiết kiệm.
Dù là vùng tưới bằng động lực hay tưới tiêu bằng thủy triều, các Cty TNHH một thành viên KTCTTL và các địa phương phấn đấu cơ bản lấy đủ nước ngay từ đợt xả nước hồ thủy điện làm thứ nhất (từ 25 đến 29-1-2013), các đợt 2 và 3 lấy nước thỏa mãn nhu cầu của làm đất, cấy lúa, dự trữ nước để tưới dưỡng, cũng như cho chăm sóc lúa vụ xuân năm 2013. Kiên quyết không để bất kỳ diện tích gieo trồng nào thiếu nước trong vụ xuân năm 2013./.
Bùi Sỹ Sơn
Phó Giám đốc Sở NN và PTNT