Phát triển nghề chế biến sứa ăn liền

09:01, 08/01/2013

Những năm gần đây, nghề khai thác và chế biến sứa ở tỉnh ta phát triển mạnh ở các huyện ven biển Hải Hậu, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng. Theo thống kê của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (Sở NN và PTNT), mỗi năm, toàn tỉnh khai thác được trên 100 nghìn tấn sứa và hàng nghìn tấn sứa ăn liền của các doanh nghiệp trong tỉnh đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Chế biến sứa ăn liền ở Cty CP Chế biến hải sản Nam Định.
Chế biến sứa ăn liền ở Cty CP Chế biến hải sản Nam Định.

Đầu những năm 1990, nhân dân các xã ven biển của tỉnh mới biết chế biến sứa thành sứa ép để xuất bán sang thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, việc chế biến, tiêu thụ sứa không ổn định, giá cả bấp bênh do bị ép cấp, ép bán. Từ năm 2000, một vài cơ sở chế biến sứa ở Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) đã cùng với chuyên gia Trung Quốc (đảm nhiệm kỹ thuật) thực hiện sơ chế sứa sau đó chuyển sang Trung Quốc để chế biến thành sản phẩm hoàn thiện. Nghề khai thác, sơ chế sứa ở tỉnh ta phát triển tự phát, phụ thuộc vào thời vụ, năng suất, giá trị kinh tế thấp. Những năm gần đây, thấy người Trung Quốc thu mua sứa về muối, chế biến thành các món ăn: nộm sứa, gỏi sứa... thơm, ngon, giòn đưa về nước tiêu thụ, nhiều người ven biển đã đi sâu tìm hiểu cách chế biến sứa. Anh Trần Văn Sỹ, chủ doanh nghiệp chế biến hải sản Sỹ Vân, xã Hải Lý (Hải Hậu) sau gần 10 năm chế biến sứa mặn, năm 2010, anh mới chuyển sang chế biến sứa ăn liền. Anh Sỹ cho biết, để chế biến sứa ăn liền, sứa nguyên liệu ướp muối phải tươi, không có tạp chất, không nhũn nát và được xử lý hết nhớt. Sứa được ngâm kỹ trong nước hợp vệ sinh rồi đảo qua nước sôi, sau đó cho đường dấm thêm tỏi, ớt, nước đun sôi để nguội rồi đóng vào túi. Các nhà hàng dùng sứa ăn liền thêm rau thơm, lạc rang... đơm lên đĩa là thành món đặc sản. Vào mùa thu hoạch sứa, ngoài thuyền, mủng… các hộ còn đóng bè, mảng để ra biển đánh bắt, thu gom. Các bè, mảng ở Thị trấn Thịnh Long, các xã Hải Lý, Hải Triều (Hải Hậu)… có ngày đánh bắt 2-3 chuyến sứa, thu nhập 300-500 nghìn đồng/người/ngày. Cty CP Thủy sản Thiên Phú, xã Hải Triều (Hải Hậu) đã xây dựng thành công thương hiệu cho sản phẩm sứa ăn liền của Cty. Từ nguồn sứa nguyên liệu có sẵn tại địa phương, thay vì xuất bán thô dưới dạng ép khô xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc, ướp muối xuất sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan như trước đây, Cty đã chế biến sản phẩm sứa ăn liền tiêu thụ nội địa, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, tăng thu nhập cho Cty. Với chất lượng được kiểm định, giữ được hương vị đặc trưng, độ giòn dai của sứa biển nên sản phẩm đã nhanh chóng được thị trường ưa chuộng. Cty đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị, thuê gần 50 lao động có tay nghề, có sức khỏe phù hợp với những quy định vệ sinh chuẩn trong chế biến thực phẩm và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm. Năm 2010, sản phẩm sứa ăn liền của Cty đã được công bố tiêu chuẩn chất lượng và có mặt tại các siêu thị, nhà hàng đặc sản biển trong toàn quốc. Năm 2012, Cty đã chế biến và xuất bán hơn 30 tấn sứa ăn liền. Đồng chí Trần Xuân Lại, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Sở NN và PTNT) cho biết: “Sản phẩm sứa ăn liền hợp vệ sinh, bảo đảm an toàn thực phẩm với chất lượng thơm ngon, không có chất béo, rất tốt cho những người ăn kiêng, lành mát bổ cho người cao huyết áp, bị bệnh tiêu hóa. Hiện, sản phẩm sứa ăn liền được bán rất chạy ở các nhà hàng, khách sạn”. Qua kiểm tra của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản, nhiều cơ sở chế biến sứa trong tỉnh đã được cấp giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Những sản phẩm sứa ăn liền đã trở thành thương hiệu như: Sứa ăn liền Ninh Cơ của Cty CP Chế biến hải sản Nam Định, Cty TNHH Vạn Hoa, cơ sở chế biến hải sản Tân Long Phát ở Thị trấn Thịnh Long, cơ sở sản xuất và chế biến sứa ăn liền Lâm Tươi ở xã Giao Thiện (Giao Thủy)…

Khai thác và chế biến sứa đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhân dân các xã ven biển. Để bảo đảm tính bền vững của nghề khai thác và chế biến sứa cần có một cơ chế quản lý chặt chẽ từ khâu khai thác đến thu mua, chế biến. Đặc biệt công tác quản lý môi trường cần được các ngành chức năng tăng cường nhằm đảm bảo khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học nguồn lợi thuỷ sản trên vùng biển./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com