Với lợi thế gần biển và được bao quanh bởi sông Ninh Cơ và sông Đáy, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) có tiềm năng, thế mạnh để phát triển nghề khai thác, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản. Mỗi năm, ngư dân trong xã đánh bắt, nuôi trồng được hàng nghìn tấn tôm, cá… là nguồn nguyên liệu dồi dào cho nghề chế biến thuỷ sản phát triển.
Cơ sở sản xuất của anh Lại Văn Quang, làng Ngọc Lâm, xã Nghĩa Hải mỗi năm sản xuất 10 nghìn lít nước mắm, 300 tấn mắm tôm. |
Để phát triển kinh tế thuỷ sản, ngoài hơn 200 phương tiện đánh bắt hải sản có công suất từ 18-90CV, Đảng uỷ, UBND xã đã chỉ đạo nhân rộng mô hình chuyển đổi vùng trũng sang nuôi thủy sản, tập trung vào các giống có giá trị kinh tế cao như: tôm sú, cua biển, ngao, cá bống bớp và các loại cá nước ngọt truyền thống… UBND xã đã quy hoạch các vùng trũng thành khu nuôi thủy sản, đồng thời đứng ra tín chấp để các hộ vay vốn phát triển sản xuất. Hội Nông dân xã làm nòng cốt phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích ý nghĩa, hiệu quả của việc phát triển nuôi thuỷ sản; tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật nuôi, chăm sóc các giống thủy sản cho nông dân. Phong trào nuôi thủy sản ở Nghĩa Hải đã phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện, diện tích nuôi thủy sản của xã lên tới 300ha mặn lợ và 30ha nước ngọt. Các con nuôi vùng mặn lợ là tôm, cua biển, cá song, cá bống bớp, chủ yếu để phục vụ chế biến xuất khẩu. Vùng nước ngọt nuôi các loại cá truyền thống cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Anh Trần Văn Hoà ở thôn Nam Hải có gần 5ha nuôi tôm sú và cua. Anh Nguyễn Văn Thiệu có gần 5ha nuôi cá bống bớp, cua, cá song, tạo việc làm cho 10 lao động…
Nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản phát triển nên ở xã Nghĩa Hải đã hình thành nhiều cơ sở chế biến thủy sản, đặc biệt là nghề chế biến nước mắm, mắm tôm tập trung ở làng Ngọc Lâm. Hầu hết các hộ dân trong làng đều chế biến mắm tôm. Chị Vũ Thị Loan cho biết, nguyên liệu làm mắm tôm là moi, mỗi năm gia đình chị chế biến hơn 100 tấn mắm tôm. Đầu tư vào nghề này khá tốn kém. Vốn mua nguyên liệu, xây bể chứa mắm, dụng cụ... tính sơ sơ mỗi gia đình cũng phải có nguồn vốn từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Gia đình anh Lại Văn Quang sản xuất nước mắm, mắm tôm từ nhiều năm nay. Mỗi năm, gia đình anh sản xuất 10 nghìn lít nước mắm, 300 tấn mắm tôm; tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động và 20 lao động làm thời vụ. Anh Quang cho biết, có thêm các cơ sở chế biến thuỷ sản thì giá trị sau khai thác được nâng lên. Trước đây, các tàu khai thác được hải sản phải sang các tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hoá bán sản phẩm nên dễ bị ép cấp, ép giá. Hiện nay các chủ tàu có thể bán ngay tại xã nên giảm được chi phí vận chuyển, tăng thêm nguồn thu. Để bảo đảm cho nghề chế biến thủy sản phát triển bền vững, xã Nghĩa Hải đã quy hoạch khu đất bãi ven sông tạo điều kiện cho các hộ mở rộng sản xuất, bảo vệ môi trường làng nghề. Năm 2010, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản tỉnh đã kiểm tra, thẩm định và cấp giấy chứng nhận sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho 10 cơ sở sản xuất mắm tôm ở làng Ngọc Lâm. Hiện nay mắm tôm ở làng Ngọc Lâm đã chiếm lĩnh được thị trường ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước; nhiều sản phẩm đã có mặt ở các siêu thị của các thành phố lớn. Hiện nay, trên địa bàn xã, hộ các ông: Nguyễn Ngọc Doanh, Lại Văn Quân, Trần Văn Phú, Phạm Văn Hiệp, Nguyễn Văn Vĩnh… mỗi năm sản xuất gần 100 tấn mắm tôm, hàng nghìn lít nước mắm, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương và các xã lân cận.
Phát triển nghề nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, xã Nghĩa Hải đã và đang tạo ra nguồn thu lớn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Năm 2012, tổng thu nhập từ nghề thủy sản của xã Nghĩa Hải đạt 300 tỷ đồng, nâng mức thu nhập bình quân lên trên 19 triệu đồng/người/năm./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh