Nam Trực phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề

09:01, 04/01/2013

Năm 2012, mặc dù có nhiều khó khăn do lạm phát, suy thoái kinh tế nhưng sản xuất CN-TTCN của huyện Nam Trực vẫn phát triển ổn định. Giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện ước đạt 1.425 tỷ đồng, tăng 23,4% so với năm 2011, bằng 101,8% kế hoạch năm. Trong đó, giá trị sản xuất ngành cơ khí đạt 870 tỷ đồng, tăng 23,1% so với năm 2011; dệt may đạt 268 tỷ đồng, tăng 23,2%; sản xuất VLXD đạt 147 tỷ đồng, tăng 25,1%...

Hoàn thiện sản phẩm tại làng nghề cơ khí Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực).
Hoàn thiện sản phẩm tại làng nghề cơ khí Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực).

Các doanh nghiệp trong các CCN Vân Chàng, Đồng Côi vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định và hiệu quả, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động. Cty TNHH Kim khí Anh Tú (CCN Đồng Côi) đầu tư xây dựng nhà máy luyện cán thép với tổng kinh phí 150 tỷ đồng, tạo nguồn nguyên liệu ổn định, giá cả hợp lý cung ứng cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Cty có tổng diện tích 7.632m2 trong đó có trên 3.000m2 nhà xưởng với dây chuyền đồng bộ gồm: lò nung 2 mặt có năng suất 50 tấn/h; máy cán thép và các thiết bị phụ trợ; 3 xe cẩu công suất nâng 10-20 tấn/chiếc… Mỗi năm, Cty tiêu thụ khoảng 23 nghìn tấn nguyên liệu, sản xuất 18 nghìn tấn phôi thép tiêu chuẩn phục vụ ngành xây dựng. Hiện, Cty tạo việc làm cho hơn 100 lao động với thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng, lợi nhuận ước đạt trên 200 tỷ đồng/năm. Cty CP Cơ khí và Xây lắp Tiến Đạt (CCN Vân Chàng) chuyên sản xuất linh kiện cho ngành công nghiệp điện, cầu đường mỗi tháng sản xuất 10-11 tấn sản phẩm chất lượng cao, tạo việc làm cho 20 lao động, thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Làng nghề cơ khí Bình Yên (Nam Thanh) thu hút trên 270 hộ tham gia với sản phẩm chính là các loại đồ dùng gia dụng làm bằng nhôm như: chậu, nồi xoong, ấm đun nước, chõ xôi,… Trong đó, có 110 hộ tham gia tạo hình sản phẩm, các hộ còn lại làm các công đoạn như: gia công nguyên liệu, đóng gói, hoàn thiện và phân phối sản phẩm. Nhiều hộ trong làng nghề đã đầu tư hàng trăm triệu đến vài tỷ đồng mua thiết bị, máy móc đồng bộ để nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm; tiêu biểu như hộ các ông: Nguyễn Văn Sỹ, Đoàn Văn Vĩnh, ở xóm 2, thôn Bình Yên. Để góp phần xử lý ô nhiễm môi trường, năm 2012, Cty TNHH một thành viên Cơ khí Thanh Sơn, làng nghề Bình Yên đã nghiên cứu và chế tạo thành công lò nhiệt luyện kim loại nhôm bằng điện, có công suất 45kWh, dễ điều chỉnh, độ an toàn cao, có các bộ phận nâng nhiệt, giữ nhiệt theo yêu cầu sản xuất, khi ngắt điện lò vẫn duy trì được nhiệt độ trong nhiều giờ. Thực tế, nếu ủ 1 tấn nhôm theo phương pháp thủ công mất khoảng 400 nghìn đồng; còn ủ bằng lò điện mất khoảng 130 nghìn đồng, chất lượng sản phẩm được nâng lên, dễ gia công, ít sản phẩm bị hỏng. Giá thành một lò ủ nhôm bằng điện chỉ khoảng 100 triệu đồng nên nhiều hộ trong làng nghề đã dùng lò ủ nhôm bằng điện thay thế lò ủ dùng than, củi truyền thống. Ngoài các sản phẩm tiêu thụ tại làng nghề, năm 2012, Cty đã sản xuất và tiêu thụ được trên 70 sản phẩm lò ủ nhôm bằng điện cung ứng cho các nơi như: CCN Vân Chàng, Đồng Côi (Nam Trực); CCN Tống Xá (Ý Yên) và làng nghề Đại Bái (Bắc Ninh). Với hướng đầu tư chuyên sâu, có trọng điểm, làng nghề Bình Yên đã hiện đại hóa 90% quy trình sản xuất thay thế lao động thủ công ở các khâu cắt nguyên liệu, gò và đánh bóng sản phẩm… tạo nên sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp, hạn chế ô nhiễm môi trường và hạ giá thành sản phẩm. Ước tính mỗi tháng, làng nghề sản xuất và cung ứng cho thị trường từ 60-70 tấn sản phẩm. Trong năm qua, làng nghề đúc đồng Đồng Quỹ (Nam Tiến) tiếp tục phát triển. Một số hộ đã đầu tư hàng trăm triệu đồng sắm sửa máy móc, trang thiết bị hiện đại mở lò đúc đồng như các ông Đỗ Đình Nam, Đỗ Đình Tam, Đỗ Văn Viết, Đỗ Văn Tiên… Sản phẩm của làng nghề rất đa dạng, gồm các loại đồ thờ như hạc, rùa, cuốn thư, đỉnh, lư hương, hoành phi, câu đối, tượng, khánh, chuông… được chạm trổ công phu, tinh xảo, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài ra, người thợ Đồng Quỹ còn làm hàng thô (sản phẩm đúc thô) xuất đi các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng… Hiện nay, thôn Đồng Quỹ có trên 10 hộ tham gia làm nghề đúc đồng, mỗi hộ tiêu thụ trên 3 tạ đồng nguyên liệu/tháng, thu hút từ 6-10 lao động/hộ với thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, nghề đúc đồng còn tạo việc làm, thu nhập cho trên 300 lao động thu gom nguyên liệu, cung ứng cho các lò đúc.

Ngoài việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển ổn định, năm 2012, huyện Nam Trực đã mở trên 10 lớp dạy nghề cho trên 400 lao động nông thôn với các nghề chủ yếu là: may công nghiệp, dệt, cơ khí... Huyện đã hoàn thành thủ tục thành lập Trung tâm Quản lý các CCN trên địa bàn huyện. Năm 2013, huyện Nam Trực phấn đấu giá trị sản xuất CN-TTCN đạt trên 1.710 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt trên 20%/năm./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com