Kinh tế thế giới năm 2012 vận hành theo chiều hướng trì trệ, kém khả quan hơn nhiều so với kỳ vọng, dự báo và những khó khăn tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong quá trình hội nhập sâu rộng và có độ mở lớn như nền kinh tế nước ta... Mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận, tuy nhiên nhìn trên tổng thể, nền kinh tế nước ta năm 2012 chưa thật sự khởi sắc như mong đợi. Điều đó đang và sẽ đặt ra những thách thức lớn trong lựa chọn chính sách và điều hành phát triển kinh tế năm 2013.
Những điểm nhấn của nền kinh tế
Năm 2012, bám sát những khó khăn của nền kinh tế, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, Chính phủ đã có những điều hành quan trọng, đúng hướng, phù hợp và thu được những kết quả ban đầu, đó là khống chế lạm phát, giảm nhập siêu, tăng dự trữ ngoại hối, cải thiện cán cân tổng thể... Năm qua, Việt Nam đã có một số tín hiệu khả quan nhất định về kiềm chế lạm phát (CPI tăng 6,81% so với mức tăng 18,13% của năm 2011; tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,03%). Những dấu hiệu cải thiện về hàng tồn kho, tính thanh khoản ngân hàng (NH), dự trữ ngoại hối và số các doanh nghiệp (DN) trở lại hoạt động nhờ tác động tích cực của việc thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP cũng được ghi nhận (trong đó có giảm lãi suất cho vay tín dụng NH hơn 80% các khoản vay xuống dưới 15%)... Điều đó cho thấy, những biện pháp hỗ trợ của Nhà nước khá kịp thời, đúng hướng và đã có những đóng góp nhất định trong tháo gỡ khó khăn cho DN. Theo dự báo, sẽ đạt tổng cộng 10/15 chỉ tiêu kế hoạch đặt ra cho năm 2012.
Nhìn lại bức tranh kinh tế năm 2012 có một số dấu hiệu bất ổn, mà nổi bật là ở khu vực DN trong nước, với con số đáng lo ngại về DN dừng hoạt động, thua lỗ, phá sản, nợ đọng, nợ xấu, không nộp thuế và thu hẹp sản xuất - kinh doanh do lãi suất vốn vay cao, hàng tồn kho lớn, thị trường xuất khẩu khó khăn, trong khi sức mua và thị phần thu hẹp. Thậm chí, ngay cả một số động thái mà nếu đạt được ở mọi năm trước sẽ được coi là thành tích ấn tượng thì năm nay cũng tạo e ngại, nhất là mức tăng dư nợ tín dụng thấp đột ngột và mức lạm phát thấp trong nửa đầu năm, cũng như sự chuyển hướng từ nhập siêu nhiều thập kỷ nay thành xuất siêu... Bởi điều đó được coi như hệ quả của suy giảm sức mua thị trường và sức hấp thụ vốn, giảm hợp đồng xuất khẩu mới của DN.
Sản xuất ở Cty CP Dệt may Sơn Nam (TP Nam Định). Ảnh: Hoàng Long |
Với những khó khăn tạo ra cho DN và hệ quả tiêu cực của lãi suất NH cho vay cao càng nặng nề hơn trong bối cảnh các DN đang đối diện với sự cạnh tranh và làn sóng mua - bán, sáp nhập DN có tính chất chèn ép, thiếu minh bạch. Nếu như giảm dần tốc độ tăng trưởng kinh tế như là kết quả một phần bởi sự chủ động của Chính phủ trong nhận thức và thực hiện chính sách tài chính - tiền tệ thắt chặt để ưu tiên kiềm chế lạm phát thì hạ lãi suất với tư cách là giải pháp hàng đầu tháo gỡ khó khăn cho DN dường nhưng vẫn đang bị thực hiện có tính hình thức, thậm chí "đánh trống bỏ dùi"...
Trên phương diện tổng thể, kinh tế Việt Nam năm 2012 chưa thật sự khởi sắc được như mong đợi. Tốc độ tăng trưởng GDP còn thấp, nguyên nhân do những động lực tăng trưởng truyền thống bao gồm: vốn, tiêu dùng và sản xuất khu vực công nghiệp - xây dựng sa sút các nhân tố hỗ trợ tăng trưởng còn chưa đủ mạnh. Theo mức tăng bình quân năm 2012, CPI tăng 6,81% so với năm 2011. Mặc dù vậy, CPI thay đổi với biên độ dao động khá lớn và mức độ đảo chiều cao "nhạy cảm". Trước mắt, đời sống người dân cũng như của DN còn nhiều khó khăn trong lúc tín hiệu hồi phục nền kinh tế vẫn chưa rõ ràng.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước năm 2012, dẫu nền kinh tế Việt Nam không đạt được mức tăng trưởng cao về số lượng, nhưng nếu tiếp tục duy trì được ổn định vĩ mô chắc chắn chất lượng tăng trưởng sẽ được cải thiện, tạo nền tảng tăng trưởng tốt hơn trong những năm tiếp theo.
Năm 2013, sẽ còn khó khăn
Năm 2013, dự báo kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro; thương mại toàn cầu phục hồi chậm, tăng trưởng kinh tế không cao hơn nhiều so với năm 2012. Ở trong nước, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn. Năm 2013 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm nhưng nhiều chỉ tiêu sau hai năm thực hiện vẫn còn thấp so với mức đề ra cho cả thời kỳ 2011-2015.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo, tình hình kinh tế Việt Nam năm 2013, nhất là trong nửa đầu năm sẽ còn khó khăn hơn cả năm 2012 do sức ép và khó khăn về nợ xấu, thanh khoản của các NH thương mại, việc hạ lãi suất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho DN; làm ấm thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản; duy trì tốc độ tăng trưởng, kiềm chế vững chắc lạm phát, thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách, tăng thu hút FDI, giảm thất nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội... Việt Nam cũng đối diện với bài toán cần có đủ các kịch bản và hệ thống giải pháp hữu hiệu thúc đẩy tái cấu trúc để duy trì tăng trưởng kinh tế theo yêu cầu bền vững; giảm can thiệp hành chính, chống biểu hiện tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm.
Cán bộ, CNV Cty Điện lực Nam Định vận hành hệ thống điện tại trạm 110kV Mỹ Lộc. Ảnh: Xuân Thu |
Trong năm 2013, dự báo sẽ tiếp tục có sự gia tăng các hoạt động M&A cùng với làn sóng phá sản DN và tái cấu trúc các DNNN, cũng như toàn bộ nền kinh tế. Do đó, cân đối giữa nguồn vốn huy động và vốn sử dụng tại các NH cần hài hòa hơn. Thực tế cũng đang đòi hỏi cần phát triển thị trường vốn để tạo điều kiện cho DN huy động nguồn lực xã hội, trong đó có việc tạo điều kiện cho DN phát hành trái phiếu, cổ phiếu huy động vốn trên thị trường vốn. Đối với thị trường chứng khoán, mở rộng giới hạn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đối với khu vực DN; đẩy mạnh việc bán cổ phần của Nhà nước tại các DN không thiết yếu; thực hiện nhanh việc cổ phần hóa các DN nhà nước kể cả các DN lớn nhằm tăng tính thanh khoản trên thị trường; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng cho đầu tư và tiêu dùng tập trung tín dụng đối với các ngành cần ưu tiên như nông nghiệp, chế biến, sản xuất xuất khẩu... để không gây hiệu ứng lạm phát cao trở lại. Đặc biệt, cần có những chính sách thích hợp khôi phục lại lòng tin của các tổ chức tín dụng, khai thông nguồn vốn và điều tiết thị trường liên NH, từ đó đẩy nhanh tốc độ lưu chuyển vốn trong hệ thống NH và thúc đẩy thanh lọc cần thiết đối với các NH, DN.
Mục tiêu của nền kinh tế Việt Nam năm 2013 vẫn là tiếp tục duy trì và giữ vững thành tích ổn định kinh tế vĩ mô năm 2012, coi đó là cơ sở đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Do đó, năm 2013, Chính phủ vẫn kiên trì thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, ưu tiên ổn định vĩ mô, lạm phát được kiềm chế mức thấp hợp lý. Việc giải quyết được nợ xấu NH (mà chủ yếu là khơi thông thị trường bất động sản) và thực hiện tái cấu trúc DN nhà nước là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2013. Tuy nhiên giải quyết được dứt điểm nợ xấu trong năm 2013 hoặc tái cấu trúc DN trong ngắn hạn là khá khó khăn.
Một trong những cơ hội lớn nhất cho năm 2013 và tiếp theo chính là vị thế và triển vọng phát triển kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khu vực vốn có vai trò quan trọng với Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh mở rộng hợp tác, liên kết khu vực trên tầm cao mới và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực; đồng thời góp phần củng cố các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế đa tầng nấc, từ tiểu vùng đến khu vực Đông - Nam Á, diễn đàn APEC và cả châu Á - Thái Bình Dương... Về phần mình, các DN trong nước cần chủ động tái cấu trúc và tăng cường quản trị thông minh, khai thác cơ hội giảm chi phí cần thiết, mở rộng mặt bằng kinh doanh, nắm bắt và xử lý sớm thông tin, phản ứng nhanh nhạy và tiếp cận với các nguồn vốn, nguồn cung cấp thiết bị, máy móc giá rẻ, tham gia ngày càng chặt chẽ, hiệu quả vào quá trình tái cấu trúc; phân công lao động và hiệp tác kinh tế chung, các chuỗi cung ứng và giá trị gia tăng trên thị trường trong nước và quốc tế./.
Theo nhandan.com.vn