Hải Hậu với mục tiêu mỗi xã, thị trấn có ít nhất một làng nghề

10:01, 22/01/2013

Nhằm thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xây dựng nông thôn mới, sau đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010-2015, Huyện uỷ Hải Hậu đã ban hành nghị quyết về xây dựng và phát triển làng nghề. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến năm 2015 mỗi xã, thị trấn trong huyện có ít nhất một làng nghề, mỗi làng nghề có một loại sản phẩm đặc trưng, phát triển ngành nghề theo thế mạnh của địa phương.

Dệt lưới cước và cán kéo sợi PE tại cơ sở của anh Nguyễn Minh Tân, khu 11, làng nghề Minh Châu, Thị trấn Thịnh Long.
Dệt lưới cước và cán kéo sợi PE tại cơ sở của anh Nguyễn Minh Tân, khu 11, làng nghề Minh Châu, Thị trấn Thịnh Long.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, huyện Hải Hậu đã hướng dẫn các xã, thị trấn rà soát, lựa chọn địa điểm, ngành nghề, vùng nguyên liệu, thị trường…; xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương theo hướng quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đồng thời phối hợp với Trung tâm Khuyến công Quốc gia Khu vực I (Bộ Công thương), Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương), hỗ trợ dạy nghề, truyền nghề cho người lao động. Phòng TN và MT huyện hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong làng nghề thủ tục thuê, chuyển nhượng mặt bằng, các biện pháp bảo vệ môi trường. Phòng Tài chính và các Ngân hàng NN và PTNT, CSXH trên địa bàn tham mưu với UBND huyện cơ chế hỗ trợ các xã, thị trấn về xây dựng làng nghề, phát triển nghề mới theo quy định của Nhà nước, tạo điều kiện cho các cơ sở, hộ sản xuất trong các làng nghề được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Làng nghề được xét công nhận phải đảm bảo các tiêu chí: có tối thiểu 30% tổng số hộ trên địa bàn tham gia các hoạt động ngành nghề nông thôn; có thu nhập chiếm ít nhất 50% giá trị sản lượng sản xuất và tổng thu nhập của làng trong năm; hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm tính đến thời điểm đề nghị công nhận… Từ định hướng đó, các xã, thị trấn trong huyện đã xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển ngành nghề; tổ chức họp dân thông qua kế hoạch và tham khảo ý kiến của dân về thời gian thực hiện, tiến độ và các tiêu chí của làng nghề, thông qua quy chế hoạt động của làng nghề… Huyện chỉ đạo Phòng Công thương lựa chọn 19 làng nghề đáp ứng được các tiêu chí để hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục xét công nhận làng nghề điểm trong năm 2011. Năm 2012, huyện đã phát triển thêm 8 làng nghề mới, nâng tổng số làng nghề mới trong huyện lên 27 làng nghề với các nghề chủ yếu là: dệt chiếu, kéo sợi PE, mộc gia dụng, sinh vật cảnh… Thực hiện chủ trương phát triển làng nghề của huyện, trên cơ sở tiến hành khảo sát thực trạng ngành nghề và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xã Hải Phương đã xác định kế hoạch xây dựng 2 làng nghề gồm: làng nghề vê đay dệt chiếu Giáp Nam (gồm 3 xóm 7, 8, 9) và làng nghề sinh vật cảnh ở xóm 3. Làng nghề dệt chiếu Giáp Nam hình thành từ những năm 1960, hiện có trên 300 hộ trực tiếp tham gia làm nghề, tạo việc làm, thu nhập cho trên 500 lao động. Làng nghề sinh vật cảnh ở xóm 3 có tổng số 170 hộ, trong đó, có 120 hộ tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh cây cảnh tạo ra giá trị kinh tế lớn. Hai làng nghề trên đảm bảo các tiêu chí làng nghề và cũng là điểm nhấn đột phá trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương nên xã đã hoàn thiện thủ tục đề nghị UBND huyện ra quyết định công nhận trong năm 2011. Làng nghề Minh Châu (Thị trấn Thịnh Long) có sản phẩm chủ yếu là các loại lưới cước dệt từ sợi PE phục vụ đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản. Làng nghề có 187 hộ và trên 800 lao động tham gia, trong đó, có gần 380 lao động trực tiếp với mức thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng. Làng nghề được thành lập là cơ sở để các hộ dân có điều kiện đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ nhau trong các khâu cung ứng nguyên liệu, phát triển thị trường.

Qua 2 năm thực hiện nghị quyết của huyện uỷ về xây dựng và phát triển các làng nghề, đến nay, huyện Hải Hậu đã phát triển thêm được 27 làng nghề mới, tạo việc làm cho trên 4.500 lao động trực tiếp và hàng chục nghìn lao động thời vụ. Việc hình thành và phát triển các làng nghề mới đã góp phần nâng tổng giá trị sản xuất CN-TTCN làng nghề của huyện năm 2012, đạt 5.243 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 18%. Trong thời gian tới, huyện Hải Hậu tiếp tục duy trì, hoàn thiện quy chế hoạt động của các làng nghề đã được công nhận; tạo điều kiện về cơ chế chính sách để các làng nghề, doanh nghiệp, hộ sản xuất mở rộng sản xuất, kinh doanh góp phần thúc đẩy làng nghề phát triển./.

Bài và ảnh: Thành Trung
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com