Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương

07:01, 10/01/2013

Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về phát triển kinh tế CN-TTCN đặt mục tiêu: Đến năm 2015, có 80% số xã có giá trị sản xuất CN-TTCN chiếm từ 10% trở lên; trong đó phấn đấu 100% số xã trong chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2011-2015 có nghề, làng nghề, có giá trị sản xuất CN-TTCN từ 15% trở lên; 100% làng nghề TTCN hiện có đạt tiêu chí làng nghề của Bộ NN và PTNT. Giải quyết thêm việc làm cho khoảng 50 nghìn lao động, đưa tổng số lao động sản xuất CN-TTCN ở khu vực nông thôn lên 160 nghìn người... Để thực hiện mục tiêu này, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những vấn đề cần được quan tâm. Ngoài các chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, UBND tỉnh đã dành kinh phí từ ngân sách và giao Sở Công thương phối hợp với UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, dạy nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn. UBND tỉnh đã quyết định nâng mức hỗ trợ đào tạo nghề lên 70 triệu đồng/lớp (mỗi lớp 25-35 học viên), mức hỗ trợ cho một dự án phát triển nghề tối đa là 250 triệu đồng. Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, Sở Công thương đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cùng với Phòng Công thương các huyện và các cơ sở đào tạo chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các trung tâm dạy nghề các huyện tổ chức rà soát nhu cầu và tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, các xã tham gia dạy nghề ngắn hạn, ưu tiên cho các địa phương chưa có nghề hoặc phát triển nghề kém. Trong năm 2012, UBND tỉnh đã phê duyệt 89 dự án, chương trình khuyến công với tổng kinh phí là 6.350,203 triệu đồng. Trong đó có 71 chương trình dạy nghề cho trên 2.500 lao động nông thôn với tổng kinh phí hỗ trợ 4,487 tỷ đồng, với các nghề: may công nghiệp, thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, thêu ren, đan móc sợi, cơ khí...

Lớp đào tạo nghề mộc mỹ nghệ cho lao động nông thôn tại Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu.
Lớp đào tạo nghề mộc mỹ nghệ cho lao động nông thôn tại Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu.

Từ tháng 6-2012 đến nay, gia đình các chị Nguyễn Thị Tho, xóm 9; Nguyễn Thị Hường, xóm 6 và hàng trăm lao động của xã Hải Cường (Hải Hậu) có nguồn thu nhập ổn định từ 800-1,2 triệu đồng/người/tháng từ nghề đan móc sợi hàng thủ công phục vụ xuất khẩu. Chị Hường cho biết: Tháng 3 vừa qua, chị được dự lớp đào tạo nghề đan móc sợi tại Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu. Không chỉ được học nghề, chị còn được miễn toàn bộ học phí và được hỗ trợ một phần chi phí đi lại. Sau hơn hai tháng học theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, chị đã cơ bản biết nghề, có thể làm các sản phẩm theo mẫu. Sau khi hoàn thành khóa học, chị được Trung tâm giới thiệu mối hàng và nhận mẫu, nguyên liệu về nhà làm. Tuy ngày công làm nghề móc sợi không cao nhưng nhờ chăm chỉ làm đều, mỗi tháng chị có thêm nguồn thu nhập trên dưới 1 triệu đồng để trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày. Tại các xã: Hải Sơn, Hải Phong, Hải Hưng… mỗi xã cũng có từ 80-100 lao động nông thôn được đào tạo các nghề phù hợp như: móc sợi, thêu ren, may công nghiệp, hàn… Đồng chí Đỗ Thị Chiên, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu cho biết: Từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, năm 2012, Trung tâm đã tổ chức được 9 lớp đào tạo nghề cho 310 lao động nông thôn. Trong đó có 3 lớp học nghề móc sợi tại các xã Hải Phong, Hải Cường; 2 lớp học nghề thêu ren xuất khẩu tại các xã Hải Cường, Hải Sơn; 2 lớp may công nghiệp tại các xã Hải Anh, Hải Đông; 2 lớp học nghề hàn điện tại các xã Hải Vân, Hải Chính. Để nâng cao kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm phối hợp với các đoàn thể: Hội CCB, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên… tiến hành khảo sát, tìm hiểu nhu cầu học nghề của người lao động, sau đó cử giáo viên đến từng thôn, xóm khuyến khích, động viên nông dân học nghề, cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm để bà con yên tâm sản xuất. Ngành nghề đưa về các địa phương được lựa chọn, bảo đảm các yếu tố như sử dụng nhiều lao động, dễ học, phù hợp với nhiều đối tượng lao động và tận dụng được thời gian nông nhàn. Tại mỗi địa phương, Trung tâm đều lựa chọn một, hai người có tay nghề cao, tâm huyết, trách nhiệm với nghề, làm hạt nhân để tập hợp, thu hút học viên và phát triển nghề. Nếu người lao động không có nhu cầu làm việc tại các doanh nghiệp, trung tâm tạo điều kiện để họ được làm việc tại chỗ nhằm tạo việc làm cho người lao động sau đào tạo. Với những lao động tự mở cơ sở sản xuất, trung tâm liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh… nhận bao tiêu sản phẩm. Cũng như Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu, Trung tâm Dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng đã phối hợp với các doanh nghiệp ở Kim Sơn (Ninh Bình) và doanh nghiệp Ánh Túy (Nghĩa Lợi) nhận bao tiêu sản phẩm của các nghề đan cói, làm hàng thủ công mỹ nghệ từ bẹ chuối, bèo tây cho lao động nông thôn. Đối với nghề móc sợi, mỗi xã đều có từ 1-2 hộ đứng ra thu gom, bao tiêu sản phẩm cho bà con. Riêng đối với nghề may, lao động sau đào tạo có thể làm ngay tại xưởng sản xuất của Trung tâm hoặc được giới thiệu với các Cty may tại CCN Nghĩa Sơn. Với lợi thế có các làng nghề cơ khí truyền thống như: Bình Yên, Vân Chàng, Đồng Côi, trong năm 2012, Phòng Công thương huyện Nam Trực đã phối hợp với các doanh nghiệp trong các làng nghề tổ chức đào tạo nghề cho trên 400 lao động với các nghề chủ yếu là: cơ khí, may công nghiệp…

Trong năm 2013 và những năm tiếp theo, để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, UBND tỉnh giao Sở Công thương và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về việc học nghề để tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu có ít nhất 85% lao động sau học nghề có việc làm và thu nhập ổn định. Đẩy mạnh sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền các cấp, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và người học nghề từ khâu xác định nhu cầu đào tạo, tổ chức đào tạo, đến giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm. Huy động sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, nông dân sản xuất giỏi trong việc xác định nhu cầu, tổ chức dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất, bao tiêu sản phẩm hàng hoá./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com