Các giải pháp ứng phó với rét đậm, rét hại kéo dài, bảo vệ sản xuất nông nghiệp

05:01, 12/01/2013

(Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT trả lời phỏng vấn Báo Nam Định)

PV: Xin đồng chí cho biết rét đậm, rét hại đang diễn ra và còn kéo dài có ảnh hưởng gì tới gieo cấy vụ xuân năm 2013?

Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan: Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, từ nay đến cuối tháng 1-2013 các tỉnh phía Bắc có khả năng chịu ảnh hưởng của 4-5 đợt rét đậm, rét hại. Nhiều khả năng rét còn kéo dài đến đầu tháng 2-2013, thậm chí đến sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Đây chính là thời điểm toàn tỉnh tập trung gieo mạ và cấy lúa xuân 2013 nên cũng sẽ gây khó khăn nhất định cho gieo cấy. Việc này đã được tỉnh và ngành NN và PTNT lường trước và có giải pháp xử lý cụ thể nên hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới lịch gieo cấy đã được xây dựng. Hàng chục năm nay tỉnh ta đã xác định gieo cấy vụ xuân 100% diện tích bằng trà xuân muộn. Vụ xuân 2013, tổ chức gieo mạ xung quanh tiết lập xuân, tập trung từ ngày 28-1 đến ngày 3-2-2013. Tuyệt đối không địa phương nào gieo mạ trước ngày 25-1 và sau ngày 5-2-2013. Các biện pháp chăm sóc, chống rét, bảo vệ mạ đã thành quy trình đã được tập huấn kỹ thuật hằng năm đến từng thôn, đội sản xuất. Đó là gieo mạ nơi khuất gió, gieo mạ nền cứng phải bảo đảm độ dày bùn đạt 2cm. Gieo theo luống, làm vòm và che phủ ni lon cho mạ khi trời rét. Theo nguyên tắc đêm che, ban ngày khi nhiệt độ trên 150C thì mở 2 đầu. Khi nhiệt độ cao mở nilon để mạ không bị nóng, lướt. Chính kỹ thuật che phủ ni lon cho mạ mà nhiều năm nay không ít các tỉnh bạn mạ bị chết rét nhưng ở tỉnh ta chưa để xảy ra tình trạng này. Tổ chức cấy lúa tập trung ngay sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ khi nhiệt độ ngoài trời trên 150C trở lên. Phấn đấu cấy xong cơ bản vào ngày 20-2-2013 và hoàn thành gieo cấy trước ngày 25-2-2013. Với các diện tích gieo sạ tổ chức gieo tập trung từ ngày 13 đến ngày 18-2-2013 nếu trời ấm. Hiện tại, rét chưa ảnh hưởng tới lịch gieo cấy đã xây dựng. Song để chủ động đối phó với các biến động của thời tiết, Sở NN và PTNT đã yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, khí hậu. Sở NN và PTNT luôn cập nhật thông tin chỉ đạo kịp thời, điều chỉnh kịp thời các giải pháp khi biến động thời tiết xảy ra ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Do bị mất ải, ngành NN và PTNT đã chủ động điều chỉnh quy trình bón phân cho lúa xuân: tăng 15-20% lượng phân lân và 10% lượng phân đạm khi bón lót. Khuyến khích các hộ nông dân bón vôi bột khi làm đất, nhất là đối với các chân ruộng bị nhiễm chua, phèn với lượng bón 15-20kg cho mỗi sào. Khuyến khích các hộ nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là về giống. Mở rộng tối đa diện tích gieo sạ hàng ở vùng chủ động nước, phấn đấu đạt 30% diện tích trở lên. Nhân rộng cánh đồng mẫu lớn, thực hiện mỗi xã ít nhất xây dựng được 1 mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Kiểm tra tôm chân trắng tại xã Hải Đông (Hải Hậu) nuôi qua đông phục vụ Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Ảnh: Tất Thắc
Kiểm tra tôm chân trắng tại xã Hải Đông (Hải Hậu) nuôi qua đông phục vụ Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Ảnh: Tất Thắc

PV: Còn các biện pháp chỉ đạo để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm và các đối tượng thủy sản nuôi là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan: Để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm và các đối tượng thủy sản nuôi trước rét đậm, rét hại kéo dài, Sở NN và PTNT đã có 2 công văn: số 631 ngày 14-11-2012 và số 64 ngày 21-11-2012 hướng dẫn các chủ trang trại, chủ ao đầm thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm và các đối tượng thủy sản. Với đàn gia súc, gia cầm yêu cầu phải gia cố, che chắn kín chuồng trại, giữ nền chuồng khô ráo, sạch sẽ. Đốt lửa hoặc sưởi ấm chuồng nuôi bằng các nguồn sinh nhiệt. Dùng chăn cũ, bao tải, bạt cũ để may và mặc áo cho gia súc. Đối với vật nuôi còn nhỏ, mới sinh nở phải có ô úm riêng, thắp thêm bóng đèn để sưởi ấm, đảm bảo nhiệt độ ô úm 22-280C. Cho gia súc, gia cầm ăn uống đủ khẩu phần, cân đối dinh dưỡng. Bổ sung thêm muối, các chất khoáng và vitamin vào khẩu phần ăn của gia súc, gia cầm. Có thể trộn thêm kháng sinh phòng các bệnh hen suyễn, tụ huyết trùng, tiêu chảy… vào thức ăn cho gia súc, gia cầm. Cho gia súc, gia cầm ăn nhiều bữa trong ngày, uống nước ấm hòa muối với lượng 5 gram/100kg thể trọng. Khi nhiệt độ xuống dưới 100C phải nhốt vật nuôi trong chuồng, không chăn thả tự do, đặc biệt không để trâu bò phải làm việc. Chủ động dự trữ thức ăn tinh, thô như: rơm, cỏ khô cho trâu, bò. Bảo đảm bình quân thức ăn 5-7 kg/con/ngày trong những ngày giá rét. Tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi, đặc biệt là vắc-xin phòng bệnh Newcastle, bệnh viêm phổi truyền nhiễm, Gumboro, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, tai xanh…

Với các đối tượng thủy sản nuôi yêu cầu các chủ trang trại, chủ đầm, ao tập trung thu hoạch nhanh các đối tượng nuôi đã đủ kích cỡ, tránh thiệt hại khi rét đậm, rét hại. Chỉ những cơ sở, trang trại có đủ điều kiện và kinh nghiệm mới nuôi thủy sản qua đông. Chú trọng chống rét cho các đối tượng thủy sản có nguồn gốc nhiệt đới, chịu rét kém như tôm thẻ chân trắng, các loài cá biển: cá song, cá vược, cá chim biển vây vàng…; cá nước ngọt: cá rô phi, cá chim trắng, cá tra, cá basa, tôm càng xanh, cá bống tượng… Đặc biệt chú ý đàn cá bố mẹ và các loại giống lưu nuôi cho vụ nuôi năm 2013. Bảo đảm chế độ ăn cho phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của đối tượng nuôi như: độ đạm tối thiểu trên 30%, bổ sung thêm Vitamin C với lượng 3-5gram/kg thức ăn để tăng sức đề kháng. Khẩu phần cho ăn tùy theo nhiệt độ môi trường nước. Khi nhiệt độ đạt trên 200C, khẩu phần cho ăn bằng 3% trọng lượng cá trong 2 ngày, khi nhiệt độ thấp hơn 150C phải dừng cho ăn. Luôn giữ mực nước trong ao nuôi trên 1,5m. Thả bèo tây 2/3 diện tích mặt ao. Khi nhiệt độ xuống quá thấp phải làm dàn che kín mặt ao bằng bạt nilon, lá dừa… Thả các sọt rơm rạ, trà rào hoặc đào hầm cạnh ao nuôi làm nơi trú ẩn cho tôm, cá. Gây màu nước bằng phân hữu cơ hoặc các chế phẩm sinh học để ao nuôi hấp thụ tối đa nhiệt lượng mặt trời. Trong trường hợp cần thiết phải đưa tôm, cá lên hệ thống bể và chủ động nâng nhiệt độ nước lên ngưỡng thích hợp. Quản lý tốt các yếu tố môi trường nuôi và sức khỏe của các đối tượng nuôi.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Tất Thắc (thực hiện)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com