Tăng cường quản lý thị trường những tháng cuối năm

08:12, 20/12/2012

Theo Sở Công thương, trong 10 tháng năm 2012, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tăng 3,15%; tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội theo giá thực tế ước đạt 14.500 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2011. Chỉ số giá tiêu dùng tăng ở cả 11 nhóm hàng; trong đó tăng mạnh nhất là nhóm hàng may mặc, giầy dép tăng 6,03%; tiếp theo là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,85%... Chỉ số giá tiêu dùng tăng đã tác động lớn đến đời sống của người dân và là cơ hội cho một số đối tượng đầu cơ, tăng giá để trục lợi. Vì vậy, công tác quản lý giá các mặt hàng, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong những tháng cuối năm được xác định là biện pháp quan trọng để bình ổn thị trường, đảm bảo an sinh xã hội.

Nhân viên Siêu thị BigC niêm yết giá các mặt hàng tiêu dùng.
Nhân viên Siêu thị BigC niêm yết giá các mặt hàng tiêu dùng.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tài chính về các biện pháp quản lý giá và bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Tỵ, Sở Tài chính và các ngành chức năng đã tham mưu với UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn tỉnh. Sở Tài chính phối hợp với các ngành: Công an, Thuế, Công thương, Hải quan, Thanh tra… tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề gây bất ổn thị trường; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như: nước sạch sinh hoạt, cước vận tải, sữa, thuốc chữa bệnh cho người, phí trông giữ xe đạp, ô tô, xe máy và các loại hàng hóa là nguyên vật liệu đầu vào như: xăng, dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi… Tăng cường các biện pháp chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, nhất là đối với các mặt hàng xăng, dầu, khoáng sản, thuốc lá, rượu, bia, đường; kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm tươi sống nhập khẩu; kiên quyết xử lý những đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng tăng giá, phí tùy tiện, trái pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sở Công thương đã chỉ đạo 11 đội quản lý thị trường thường xuyên bám sát diễn biến thị trường, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá ở các khâu sản xuất, lưu thông, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết, nhất là những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá. Trong 11 tháng năm 2012, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã tiến hành kiểm tra 2.946 lượt, phát hiện 1.514 vụ vi phạm, trong đó đã phát hiện, xử lý gần 200 vụ vi phạm về niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết; thu giữ hàng hoá vi phạm như: mỳ chính (424,8kg), nước mắm Nam Ngư (304 chai), kẹo, mứt các loại 700kg, bột giặt OMO giả (160kg), dầu nhớt (4 thùng)… Trong các thời điểm biến động về giá xăng, dầu, một số cửa hàng, đại lý bán lẻ đã tự ý nâng giá bán, bán hạn chế hoặc đóng cửa, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã tiến hành kiểm tra 100% các cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn, xử lý hàng chục đơn vị vi phạm... Cùng với lực lượng chức năng, Cty Quản lý chợ Nam Định cũng đã chỉ đạo ban quản lý các chợ trên địa bàn thành phố, nhất là các chợ lớn như chợ Rồng, chợ Mỹ Tho, chợ Hoàng Ngân thông báo, kiểm tra, đôn đốc các quầy, đại lý bán hàng thực hiện niêm yết giá bán và bán hàng đúng giá niêm yết. Thời gian qua, Cty Quản lý chợ Nam Định đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý các vi phạm về giá, chất lượng hàng hoá ở tất cả các chợ... Bên cạnh vai trò của các cơ quan chức năng trong việc quản lý giá, sự ổn định của thị trường tỉnh ta còn có sự đóng góp tích cực của các đầu mối thương mại lớn. Siêu thị BigC Nam Định đã triển khai 5 tiêu chí bình ổn giá, bảo vệ người tiêu dùng thông qua việc: Thương lượng điều chỉnh mức giá thấp nhất có thể; thương lượng thời hạn áp dụng giá mới; tăng cường dự trữ hàng giá thấp; từ chối điều chỉnh giá của các nhà cung cấp và huỷ bỏ những mặt hàng điều chỉnh giá cao, không có lý do chính đáng, đồng thời tìm những mặt hàng thay thế hoặc các nhà cung cấp mới có giá cạnh tranh hơn... Bên cạnh đó, siêu thị đã triển khai hàng loạt các chính sách bình ổn giá nhằm hướng đến đối tượng người tiêu dùng có thu nhập thấp. Để đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết Quý Tỵ 2013, Siêu thị BigC Nam Định đã có kế hoạch tăng khoảng 15% lượng hàng hóa so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung vào các nhóm hàng gồm bánh kẹo đóng hộp, bánh mứt truyền thống; lương thực, thực phẩm (gạo, thịt, trứng, sữa, rau củ quả, thức ăn sẵn) và hàng hóa phi thực phẩm… Cùng với Siêu thị BigC Nam Định, Trung tâm Thương mại MiCom Plaza và hệ thống siêu thị tại các huyện cũng có kế hoạch chủ động nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường đi đôi với việc chủ động nguồn hàng nên trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng đầu cơ găm hàng hoặc tăng giá bất hợp lý. Dịp cuối năm là thời điểm các loại hàng giả, hàng nhái xuất hiện. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, đồng thời có các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp, góp phần bình ổn thị trường, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com