Tăng cường biện pháp chống doanh nghiệp viễn thông lừa đảo khách hàng

05:12, 29/12/2012

Thời gian gần đây, nhiều người sử dụng điện thoại di động liên tục nhận được các tin nhắn có nội dung hướng dẫn tải game... để cài đặt vào máy điện thoại; tin nhắn có nội dung trao giải, trúng thưởng; tin nhắn mạo danh các doanh nghiệp viễn thông di động với mục đích lừa đảo người dùng gọi vào các tổng đài 1900xxxx. Khi người sử dụng cả tin, làm theo hướng dẫn của tin nhắn rác, sẽ nhận được tin nhắn hướng dẫn gọi các số 1900xxxx dưới danh nghĩa chăm sóc khách hàng, giải đáp thắc mắc khiến người dùng không cảnh giác, dễ bị mắc lừa nhiều lần và mất nhiều tiền. Bên cạnh hình thức bị “móc túi” bằng tin nhắn, nhiều người sử dụng điện thoại di động nhận được những cuộc gọi nhỡ từ số máy có đầu số +881 hoặc +882. Theo  thói quen, người nhận được cuộc gọi sẽ gọi vào số gọi nhỡ, dù chỉ mới đổ chuông hoặc ngay khi không có người nghe máy thì người dùng cũng bị tính phí cuộc gọi với giá rất cao. Theo ngành TT và TT, đây là hình thức lừa đảo “cuộc gọi nhỡ” và những đầu số +881 và +882 không thuộc một mã vùng cụ thể nào mà là những đầu số của điện thoại vệ tinh quốc tế. Chi phí để thực hiện một cuộc gọi điện thoại vào điện thoại vệ tinh có mức giá dao động từ 3 USD đến 14 USD/phút và bắt đầu tính phí ngay từ khi chuông đổ và chưa được kết nối. Đặc biệt, hiện nay, có nhiều khách hàng khi gọi ngược lại vào các cuộc gọi nhỡ từ các đầu số điện thoại thông thường trong nước, không phải đầu số vệ tinh như 090xxx, 04xxx, 08xxx cũng bị mất rất nhiều tiền.

Khách hàng đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước tại Chi nhánh Viettel Nam Định.
Khách hàng đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước tại Chi nhánh Viettel Nam Định.

Trước tình trạng ngày càng nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông bức xúc vì bị quấy nhiễu và mất tiền ngoài ý muốn, Bộ TT và  TT đã tập trung thanh tra, kiểm tra đánh giá thực trạng của các đơn vị vi phạm. Hiện có khoảng 400 Cty cung cấp dịch vụ tin nhắn giải trí (CP) trên mạng di động và cung cấp các nội dung như nhạc chuông, hình ảnh, hình nền, trò chơi, kết quả xổ số... Mỗi CP lại trực tiếp hoặc ký với hàng chục Cty vệ tinh chuyên làm nội dung nhưng không có đầu số (SubCP) để cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Đối với đầu số 1900xxxx, các CP đã được doanh nghiệp cấp hàng nghìn đầu số. Cụ thể là VNPT cấp tới 1.020 đầu số, Viettel cấp 120 đầu số, FPT cấp 141 đầu số, HTC cấp 98 đầu số, SPT cấp 32 đầu số. Đối với đầu 4 số, Viettel đã cấp 277 đầu số, MobiFone cấp 226 đầu số, VinaFone cấp 243 đầu số. Các CP, SubCP đã trực tiếp hoặc thuê người sử dụng Modem GSM/CDMA hoặc USB 3G, có lắp SIM điện thoại và được kết nối với máy tính để kích hoạt cuộc gọi nhỡ và phát tán tin nhắn từ các thuê bao di động trả trước với tốc độ lên đến 10 nghìn lượt cuộc gọi hoặc tin nhắn/giờ. Đa số CP cho phép SubCP thuê lại hệ thống, đầu số để cung cấp dịch vụ nội dung mà không đưa ra các quy định cũng như không có quy trình để kiểm tra nội dung thông tin gửi đi, dẫn đến tình trạng tự do cung cấp thông tin, kể cả thông tin nhảm nhí, lừa đảo. Lượng tin nhắn quảng cáo hợp pháp được gửi đi từ các doanh nghiệp cung cấp nội dung thời gian qua chỉ chiếm gần 3%, còn lại phần lớn các tin nhắn rác được gửi đi từ chính các doanh nghiệp di động để quảng cáo, lừa đảo “móc túi” người dùng điện thoại di động. Các tổ chức, cá nhân sử dụng hình thức tin nhắn rác là do trong thời điểm khuyến mại, cước tin nhắn giảm xuống 40 đồng/tin nhắn, nên mức phí quảng cáo thấp nhất nhưng thông tin đến tận tay người sử dụng. Các nhà khai thác mạng điện thoại di động và khai thác vệ tinh viễn thông cũng như nhiều Cty khác thu được hàng triệu USD trên toàn cầu từ hình thức lừa đảo này vì vậy các hãng viễn thông thường làm ngơ. Trong quá trình thanh tra, ngành chức năng đã tiến hành xử phạt và đình chỉ cung cấp dịch vụ đối với các doanh nghiệp nhận diện trực tiếp được sai phạm. Tuy nhiên, đa số tin nhắn rác phát tán chủ yếu từ SIM thuê bao di động trả trước nên ngành chức năng không thể truy tìm, xác minh và giải quyết dứt điểm hành vi phát tán tin nhắn rác của các tổ chức, cá nhân.

Để chấn chỉnh hiệu quả các sai phạm, Bộ TT và TT đã yêu cầu các doanh nghiệp, CP rà soát và loại khỏi hệ thống, cơ sở dữ liệu các trò chơi không rõ nguồn gốc, có yếu tố lừa đảo, đồng thời tăng cường hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và thực hiện nghiêm túc các quy định của ngành đã ban hành như: Nghị định số 77/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 90 về chống thư rác; Thông tư 04/2012/TT-BTTTT quy định về quản lý thuê bao di động trả trước; Chỉ thị 04/CT-BTTTT về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo trong dịp tết, lễ hội... Bộ TT và TT sẽ xây dựng cơ chế quản lý, không để các doanh nghiệp viễn thông cấp đầu số cho các CP như hiện nay và có cơ chế đảm bảo việc kết nối thuận tiện giữa doanh nghiệp nội dung và nhà mạng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội dung phát triển. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm việc phát tán tin nhắn rác cũng như việc đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước, góp phần ngăn chặn tình trạng sử dụng SIM điện thoại để phát tán tin nhắn rác. Tại tỉnh ta, Sở TT và TT tập trung thực hiện công tác quản lý thuê bao di động trả trước, đồng thời, tăng cường tuyên truyền về thực trạng vi phạm, lừa đảo, “móc túi” người sử dụng điện thoại di động của các doanh nghiệp viễn thông, CP, SubCP trên các phương tiện thông tin đại chúng; khuyến cáo người dùng cần phải tỉnh táo tuyệt đối không gọi hoặc nhắn tin lại, để không trở thành nạn nhân của hình thức lừa đảo này./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com