Sản xuất nông nghiệp gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm

08:12, 27/12/2012

An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong sản xuất nông nghiệp hiện nay đang là vấn được toàn xã hội quan tâm. Thông thường, khi nói đến an toàn thực phẩm, người tiêu dùng thường quan tâm đến khâu cuối là khi sản phẩm có mặt trên thị trường, ở trên bàn ăn mà ít quan tâm đến khâu sản xuất ban đầu. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân gây mất ATVSTP trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm như: sử dụng các loại hóa chất như thuốc BVTV, phân bón hóa học không đảm bảo quy định; môi trường bị ô nhiễm như nguồn nước, đất đai hay vùng khai thác đánh bắt, nuôi trồng bị nhiễm các hóa chất độc hại sẵn có; một số khu chế biến nông sản như các lò giết mổ gia súc, gia cầm, các khu bán gia súc, gia cầm tại chợ... không qua sự quản lý và kiểm duyệt của các cơ quan chức năng, không đảm bảo các quy trình an toàn thực phẩm làm ô nhiễm môi trường gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Từ đầu năm 2012 đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (QLCLNLSVTS) đã lấy 16 mẫu rau, củ, quả để kiểm soát dư lượng thuốc BVTV, vi sinh, kim loại nặng, dư lượng nitrat; 36 mẫu thịt lợn, thịt gà, thịt bò kiểm soát vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc tăng trọng, thuốc kháng sinh đã bị cấm và kim loại nặng. Qua phân tích, đã phát hiện một số mẫu rau xanh còn dư lượng thuốc BVTV; hai mẫu thịt lợn nhiễm vi sinh. Đối với sản phẩm thủy sản, Chi cục kiểm tra 80 mẫu trên sản phẩm tôm sú, tôm chân trắng, cá bống bớp, cua nuôi thả tại 3 huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng. Qua phân tích, phát hiện mẫu tôm chân trắng tại huyện Nghĩa Hưng có dư lượng thuốc kháng sinh. Bên cạnh đó, Chi cục tiến hành giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, thủy sản tại 442 cơ sở vật tư nông nghiệp, sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản; trong đó tập trung kiểm tra điều kiện vệ sinh an toàn tàu khai thác cá, điều kiện đảm bảo sản xuất của các trại giống thủy sản và các cơ sở thu mua, chế biến, bảo quản sản phẩm thủy sản. Qua kiểm tra, đã phát hiện một số tồn tại như: thiếu các trang thiết bị bảo đảm an toàn hàng hải, không đủ điều kiện về mặt bằng, cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo an toàn thực phẩm và các thiết bị bảo hộ đối với người lao động…

Sản xuất rau màu cần hướng đến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. (Ảnh chụp tại thôn Bái Dương, xã Nam Dương, huyện Nam Trực).
Sản xuất rau màu cần hướng đến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. (Ảnh chụp tại thôn Bái Dương, xã Nam Dương, huyện Nam Trực).

Những năm qua, Chi cục QLCLNLSVTS đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc ngành, phòng chuyên môn cấp huyện tập huấn cho người dân công tác bảo đảm ATVSTP; làm tốt công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm trước khi lưu thông trên thị trường. Trong 2 năm 2010 và 2011, Chi cục phối hợp với Phòng Cây trồng (Sở NN và PTNT) xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn trên diện tích 3ha tại HTX Hồng Phong, xã Giao Phong (Giao Thuỷ). Tham gia mô hình, HTX đã chọn các giống rau: su hào, cải bắp, súp lơ và tiến hành tập huấn VSATTP, quy trình kỹ thuật sản xuất; cách ghi chép, lưu trữ hồ sơ… cho các hộ dân. Từ hiệu quả của mô hình trồng rau an toàn ở HTX Hồng Phong, năm 2012, Chi cục tiếp tục xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn với quy mô 3,5ha ở xã Xuân Ninh (Xuân Trường). Hiện các địa phương trong tỉnh đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo tưới tiêu nước theo quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn. Nhiều xã như Giao Yến, Giao Phong (Giao Thủy), Nam Dương (Nam Trực), Yên Tân, Yên Lộc (Ý Yên), Minh Thuận, Thành Lợi (Vụ Bản)… đã quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn đến từng thôn, xóm. Về chăn nuôi, Chi cục phối hợp với Phòng Chăn nuôi xây dựng mô hình chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP ở Yên Lợi (Ý Yên); mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học đảm bảo vệ sinh môi trường ở các huyện Xuân Trường, Vụ Bản… Vùng nuôi tôm thẻ chân trắng thuộc HTX nuôi trồng thủy sản Giao Phong được Nhà nước đầu tư thành vùng nuôi tôm công nghiệp với diện tích 106ha với gần 100 hộ nuôi. Hầu hết các hộ nuôi đã được tập huấn kỹ thuật nuôi tôm chân trắng và ứng dụng quy tắc thực hành nuôi tốt cho nuôi tôm thâm canh. Đã có 14 cơ sở nuôi được cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn GAP/CoC. Bên cạnh đó, Chi cục xây dựng 2 mô hình nuôi ba ba theo quy trình GAP ở huyện Nghĩa Hưng… Tuy nhiên, việc mở rộng những mô hình trồng trọt, chăn nuôi sạch còn gặp một số khó khăn do tâm lý của nông dân ngại đầu tư và phải tuân thủ quy trình khắt khe trong quá trình sản xuất như: phân tích mẫu đất, mẫu nước, chọn địa điểm canh tác xa khu dân cư, xa nguồn nước thải và xa các khu, CCN; phải kiểm định sản phẩm trước khi đưa ra thị trường trong khi giá cả sản phẩm không chênh lệch nhiều so với phương pháp truyền thống.

Để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp gắn với ATVSTP, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện quy hoạch vùng nuôi, trồng tập trung; các chợ, điểm giết mổ gia súc, gia cầm… bảo đảm VSATTP. Tăng cường đầu tư, hỗ trợ các mô hình nuôi, trồng tập trung áp dụng quy trình VietGAP. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh chấp hành ATVSTP: không sử dụng các loại kháng sinh, chất tăng trọng, các hóa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, trồng trọt cũng như trong bảo quản chế biến sản phẩm. Không lạm dụng thuốc BVTV, tuân thủ các quy định chăm bón. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra về VSATTP đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông, lâm sản và thủy sản trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi, thu hoạch, sơ chế, bảo quản và chế biến. Các tổ chức, đoàn thể vận động các hội viên đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với việc đảm bảo chất lượng VSATTP; mở rộng mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ hữu cơ trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, góp phần nâng cao chất lượng thực phẩm và vệ sinh môi trường.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng cùng với sự tích cực của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, vấn đề sản xuất ATVSTP của tỉnh ta vẫn đang từng bước được thực hiện, hướng đến nền sản xuất sạch và bền vững./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com