Hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương. Chị Ngô Thị Thúy, kế toán Cty TNHH Gỗ Hoàng Cầu, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) cho biết: “Trong các nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ ở địa phương, vay QTDND tiện lợi, dễ dàng hơn. Nhờ tiếp cận được với QTDND Trực Ninh nên Cty luôn chủ động về vốn trong sản xuất, kinh doanh”. Đồng chí Dương Thanh Hà, Chủ tịch QTDND Thị trấn Cổ Lễ cho biết, đến nay tổng nguồn vốn của quỹ đạt 32,4 tỷ đồng. Trong đó, riêng huy động trên địa bàn thị trấn đạt 20,4 tỷ đồng. Dư nợ đến giữa tháng 12-2012 đạt trên 30 tỷ đồng với gần 600 món vay. Quỹ đang có 1.992 thành viên cho vay và vay vốn là người trong thị trấn. QTDND được thành lập với mục đích huy động nguồn vốn và cho vay tại chỗ, phục vụ nhanh, thuận tiện nhu cầu vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh ở các địa bàn thành lập quỹ.
Nhân viên QTDND Thiên Trường kiểm tra hồ sơ vay vốn của khách hàng. |
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 390/QĐ-TTg triển khai đề án thí điểm thành lập QTDND, tỉnh ta được chọn là 1 trong 14 tỉnh, thành phố triển khai thí điểm. Thực hiện Chỉ thị 57-CT/TW ngày 10-10-2000 của Bộ Chính trị về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương chấn chỉnh, củng cố nhằm đảm bảo hệ thống quỹ tín dụng trên địa bàn tỉnh hoạt động an toàn, hiệu quả. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, đánh giá, phân loại 29 quỹ tín dụng đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã củng cố, khắc phục, đưa về hoạt động bình thường đối với 3 quỹ; giải thể 3 quỹ không đủ điều kiện hoạt động và tiến hành thành lập các QTDND mới. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 49 QTDND với 42.705 thành viên. Đến nay tổng số tiền các QTDND huy động thành viên gửi tiết kiệm đạt 687 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế từ các QTDND đạt 944 tỷ đồng, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm 2011. Chất lượng tín dụng đạt yêu cầu với tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,37% tổng dư nợ. 11 tháng năm 2012, các QTDND đã lãi gần 10 tỷ đồng. Tổng số tiền nộp ngân sách từ năm 2000 đến nay trên 7 tỷ đồng. Các QTDND trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, hoạt động an toàn, hiệu quả, tạo thêm một kênh huy động và cung ứng vốn quan trọng, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo, đóng góp hữu hiệu vào chương trình xây dựng NTM. Trong tổng nguồn vốn cho vay của các QTDND, dư nợ cho vay phục vụ xây dựng, phát triển nông thôn đạt trên 800 tỷ đồng, chiếm 9% thị phần tổng vốn tín dụng phục vụ nông thôn của toàn tỉnh. Ngoài vai trò quan trọng trong huy động vốn trong dân, hệ thống QTDND còn góp phần ngăn ngừa tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi tại các địa bàn dân cư trong tỉnh. Trong năm 2012, ở các địa phương có QTDND phát triển đều không xảy ra các vụ vỡ nợ do tín dụng đen. Bên cạnh đó, do đặc thù của QTDND là đội ngũ cán bộ quỹ sống trực tiếp tại địa phương, nắm bắt rõ thành viên nên tỷ lệ rủi ro ở kênh tín dụng này thấp, nợ xấu trong mức cho phép.
Bên cạnh những kết quả bước đầu, hệ thống QTDND trong tỉnh vẫn còn tồn tại một số hạn chế như mức huy động vốn của các QTDND chưa tương xứng với tiềm năng, đặc biệt lãi suất cho vay còn cao. Nguyên nhân do các QTDND còn quá phụ thuộc vốn vào Quỹ tín dụng Trung ương nhưng quỹ này đang điều hòa vốn cho vay với lãi suất cao. Để giải quyết vấn đề này, đề nghị Ngân hàng Nhà nước tỉnh kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh hạ lãi suất từ Quỹ tín dụng Trung ương đối với QTDND. Bên cạnh đó, cần có giám sát, chỉ đạo cụ thể để các QTDND tăng cường năng lực huy động vốn như một giải pháp trong hạ lãi suất. Hiện nay, hệ thống QTDND của tỉnh còn ít so với nhu cầu thực tế. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh đến năm 2015 phấn đấu có QTDND ở 100% xã, phường, thị trấn và là một kênh vốn không chỉ phục vụ cho phát triển sản suất, kinh doanh, góp phần tích cực vào chương trình xây dựng NTM. Trước mắt cần rà soát lại thực tế hoạt động của các QTDND hiện nay, từ đó tìm ra những mô hình, đơn vị hoạt động hiệu quả để nhân rộng ra toàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Hoàng Vũ