Khơi thông những ách tắc trong vấn đề vay vốn giữa ngân hàng với các doanh nghiệp

07:12, 22/12/2012

Thời gian qua, cùng với việc liên tục hạ lãi suất, các ngân hàng đều tăng trưởng mạnh kênh huy động vốn, có đủ nguồn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về vốn vay. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp vẫn thiếu vốn và chưa có nhiều doanh nghiệp vay vốn để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng dư nợ và doanh số cho vay của ngân hàng vẫn chậm... Ước đến hết năm 2012, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt 19.624 tỷ đồng, tăng 8,5% so với đầu năm. Theo đánh giá của NHNN, năm 2012, tăng trưởng dư nợ tín dụng tại tỉnh ta ở mức độ thấp (năm 2009 tăng 31,7%, năm 2010 tăng 24,8% và năm 2011 tăng 18,7%). Đặc biệt dư nợ của các doanh nghiệp tăng thấp, dư nợ đối với khối doanh nghiệp hiện nay đạt 8.407 tỷ đồng với 1.395 doanh nghiệp có dư nợ, bằng 44,5% tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động tại tỉnh. Dư nợ doanh nghiệp chỉ tăng 104 tỷ đồng so với đầu năm. Đây là con số đáng suy nghĩ trong bối cảnh hiện nay nhất là đối với doanh nghiệp vì từ cuối năm 2011 và ngay trong các tháng đầu năm 2012, thông qua các cuộc làm việc, các diễn đàn, doanh nghiệp của tỉnh đều phản ánh nhu cầu cần vốn.

Khi làm việc với tỉnh, các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng có tỷ trọng vốn cho vay doanh nghiệp lớn như Ngân hàng thương mại CP Công thương, Ngân hàng thương mại CP Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng NN và PTNT… đều khẳng định luôn sẵn sàng đáp ứng đủ nhu cầu về nguồn vốn để tiếp sức cho doanh nghiệp. Theo thống kê của NHNN tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm nhưng nguồn vốn huy động lại gia tăng. Đến hết năm 2012, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh ước đạt 15.412 tỷ đồng, tăng 2.009 tỷ đồng, bằng 115% so với đầu năm. Không chỉ sẵn vốn huy động, các ngân hàng đều khẳng định sẽ được hội sở chính bổ sung vốn cho vay nếu chi nhánh Nam Định có nhu cầu, nhất là cho vay hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh...

Giao dịch tại Ngân hàng NN và PTNT chi nhánh huyện Nghĩa Hưng.
Giao dịch tại Ngân hàng NN và PTNT chi nhánh huyện Nghĩa Hưng.

Lý giải về việc doanh nghiệp thiếu vốn, một số chủ doanh nghiệp cho rằng việc đáp ứng các “điều kiện” để được vay vốn của ngân hàng hiện nay rất khó khăn. Ông N. V. D, Giám đốc Cty CP T.D (TP Nam Định) cho biết: “Các ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp phải có năng lực, khả năng sản xuất, kinh doanh hiệu quả là tiêu chí hàng đầu, kể cả có tài sản thế chấp, nếu không thì vốn cho vay quá thấp, không đủ để doanh nghiệp đầu tư. Nhưng trong thời điểm hiện nay, rất ít doanh nghiệp chứng minh được điều đó!”. Ông T.D.S, Giám đốc Cty TNHH P.T (Khu CN Hòa Xá) phản ánh: “Ngân hàng có sẵn vốn cho vay, nhưng vay được hay không còn quá nhiều vấn đề. Nhất là doanh nghiệp diện được hưởng cho vay lãi suất thấp thì càng khó tiếp cận vốn vay; hầu hết đều chỉ có khách hàng truyền thống tiếp tục được vay”…

Trả lời những thắc mắc trên, lãnh đạo các ngân hàng đều thừa nhận điều kiện cho vay hiện nay rất khắt khe và lý giải điều kiện cho vay là do hội sở chính ban hành, Chi nhánh Nam Định chỉ thừa hành theo cấp trên. Một vài ngân hàng còn nêu lý do nhiều doanh nghiệp trong tỉnh khó khăn về khả năng trả nợ, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng (hết năm 2012 là 2,1%, tăng so với cuối năm 2011 là 0,8%) nên ngân hàng phải xiết chặt quy định cho vay để bảo đảm an toàn tín dụng. Lãnh đạo một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh cho biết, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, kinh doanh phải bảo đảm an toàn vốn nhưng các doanh nghiệp trong tỉnh lại quá lệ thuộc vào vốn tín dụng nên hiệu quả sản xuất thấp, rủi ro cao. Đồng chí Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Ngân hàng thương mại CP Công thương tỉnh cho biết: “Ngân hàng vẫn có những khách hàng được vay vốn bằng tín chấp với hạn mức vay hàng trăm tỷ đồng như Cty CP Dệt may Sơn Nam, Cty CP Dệt may Thúy Đạt... Vấn đề là doanh nghiệp phải kinh doanh có hiệu quả và có khả năng trả nợ” (?).

Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển đang là vấn đề cần làm ngay. Vì vậy, các ngân hàng cần kiến nghị với hội sở chính nới lỏng về điều kiện cho vay để mở rộng số lượng, nguồn vốn đến doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện cho vay của ngân hàng, các ngành chức năng cần phối hợp với các doanh nghiệp trong việc xử lý hàng tồn kho, tìm thị trường, đầu ra cho sản phẩm… Về quản lý hoạt động cho vay và vay vốn, NHNN tỉnh cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đảm bảo mức lãi suất huy động vốn và cho vay, đặc biệt trong việc thực hiện cam kết của các ngân hàng về đảm bảo cung ứng vốn cho doanh nghiệp cũng như các thành phần kinh tế, hạn chế thái độ không hợp tác của các ngân hàng trong việc tiếp sức cho nền kinh tế của tỉnh phát triển./.

Bài và ảnh: Hoàng Long
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com