Hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững

07:12, 22/12/2012

Những năm qua ở các huyện: Hải Hậu, Ý Yên, Giao Thủy… nhiều hộ nông dân đã mở rộng đầu tư, phát triển chăn nuôi tập trung theo quy mô gia trại, trang trại, từng bước phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi cũng chứa đựng nhiều rủi ro như: dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng, dịch tai xanh ở lợn... gây thiệt hại cho bà con nông dân. Trong 10 tháng năm 2012, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 57 hộ chăn nuôi thuộc 21 xã của các huyện: Ý Yên, Trực Ninh, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Vụ Bản và Nam Trực với số lượng gia cầm tiêu hủy hơn 30 nghìn con. Dịch lở mồm long móng xảy ra tại 31 hộ chăn nuôi ở 15 xã thuộc 7 huyện với tổng số lợn mắc bệnh là 224 con.

Trang trại nuôi lợn của anh Nguyễn Minh Thang xóm 4, xã Xuân Đài (Xuân Trường).
Trang trại nuôi lợn của anh Nguyễn Minh Thang xóm 4, xã Xuân Đài (Xuân Trường).

Dịch tai xanh ở lợn xảy ra tại 152 hộ chăn nuôi ở 5 xã thuộc 2 huyện Ý Yên và Trực Ninh với tổng số lợn ốm là 781 con, số lợn chết bị tiêu hủy là 280 con. Nguyên nhân khiến dịch bệnh phát sinh trên đàn gia súc, gia cầm do thời tiết diễn biến bất thường là môi trường thuận lợi khiến dịch bệnh phát sinh và lây lan ra diện rộng. Trên địa bàn tỉnh, đa số hộ dân và các gia trại chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng trại chật hẹp, chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh an toàn dịch bệnh; đàn gia súc, gia cầm không được tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh; tại các khu chuồng trại đã phát sinh dịch bệnh, không được khử trùng tiêu độc triệt để; khi xảy ra dịch bệnh, nhiều hộ không khai báo với cơ sở thú y. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất, cung ứng con giống trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu chăn nuôi của nông dân, nên đa số nông dân trong tỉnh phải mua con giống ngoài thị trường, nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo; công tác vận chuyển cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ… Do đó, để phát triển chăn nuôi bền vững, sản xuất tập trung phải đẩy mạnh quy hoạch các vùng chăn nuôi, tận dụng tiềm năng, lợi thế của đàn vật nuôi. Định hướng cho nông dân từng bước chuyển đổi hình thức chăn nuôi, xây dựng các mô hình chăn nuôi tiên tiến, các trang trại chăn nuôi theo hướng tập trung, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường. Bên cạnh các cơ sở chăn nuôi tập trung, Sở NN và PTNT cần hướng dẫn và quản lý các hộ nuôi quy mô nhỏ lẻ, kiểm soát chặt chẽ khâu sản xuất, tiếp nhận con giống; lựa chọn những con giống tốt, khoẻ mạnh, có nguồn gốc tại các cơ sở sản xuất uy tín. Đối với những địa phương đã từng xảy ra dịch bệnh, phải áp dụng các biện pháp tiêu độc khử trùng, không để mầm bệnh lưu trú, ngăn chặn mầm bệnh từ các địa phương khác. Tổ chức tốt công tác kiểm dịch động vật, nắm bắt các luồng lưu thông gia súc, gia cầm trên địa bàn, kiểm soát gia súc khi đưa vào giết mổ. Công tác phòng bệnh phải được duy trì thường xuyên thông qua các biện pháp như bảo đảm vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi; tiêm định kỳ một số loại vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm như: cúm gia cầm, lở mồm long móng, bệnh tai xanh… Thống kê cho thấy, từ năm 2008 đến nay, nhiều trang trại, gia trại ở huyện Hải Hậu chưa xảy ra dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nhờ có hệ thống chuồng trại được quy hoạch thành vùng, xa khu dân cư, có tường cao bao quanh, thu gom rác thải, vệ sinh chuồng trại hằng ngày, xử lý chất thải (ủ phân, xây hầm biogas, ao lắng, lọc, ao sinh học...), tránh cho gia súc bị mắc các bệnh truyền nhiễm... Bên cạnh đó, người chăn nuôi còn áp dụng các quy trình chăn nuôi, biện pháp thú y nghiêm ngặt, tuân thủ tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đồng thời huy động sự tham gia của đội ngũ thú y cơ sở.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, ngoài trách nhiệm của người chăn nuôi, của ngành Thú y, các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về dịch bệnh, có ý thức phòng bệnh cả khi đã hết dịch. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác thú y ở cơ sở cần được tập huấn nghiệp vụ, làm tốt công tác hỗ trợ người chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh góp phần đưa ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com