Trong 11 tháng năm 2012, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện Hải Hậu ước đạt hơn 462 tỷ 486 triệu đồng, đạt 87,3% kế hoạch năm và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, giá trị sản xuất của các hộ cá thể, tổ sản xuất là 214 tỷ đồng, các doanh nghiệp là 106,6 tỷ đồng...
Hiện tại, công nghiệp cơ khí đóng tàu của huyện đã có bước chuyển biến mạnh mẽ. Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành đóng tàu thuỷ của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), từ tháng 9-2011, Cty TNHH một thành viên Đóng tàu Thịnh Long đã nhanh chóng khôi phục sản xuất. 10 tháng năm 2012, giá trị sản xuất của Cty đạt 261 tỷ đồng, hết năm 2012 ước đạt 381 tỷ đồng. Trong tháng 12-2012, Cty sẽ bàn giao cho khách hàng 4 tàu cá với trọng tải 4.300 tấn/tàu theo đúng hợp đồng. Ngoài ra, Cty đã ký hợp đồng đóng mới 10 tàu đánh cá. Để đáp ứng yêu cầu phát triển vươn tầm quốc tế, Cty đã phối hợp với Trường Đào tạo nghề Vinashin đào tạo cho hơn 160 thợ hàn đạt chứng chỉ ISO đăng kiểm quốc tế. Hiện tại, Cty đang tạo việc làm cho gần 400 lao động trong đó có 270 lao động có tay nghề cao với mức thu nhập trung bình đạt 4,2 triệu đồng/người/tháng. Với lợi thế về phát triển kinh tế biển, ngành Công nghiệp khai thác và chế biến thủy hải sản của huyện cũng được tập trung đầu tư các dây chuyền máy móc sản xuất hiện đại nhằm nâng cao giá trị hàng hóa.
Cty TNHH một thành viên Đóng tàu Thịnh Long, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) đang hoàn thiện tàu đánh cá trọng tải 4.300 tấn, dài 86m, cao 12m để bàn giao cho khách hàng vào trung tuần tháng 12-2012. |
Tại các xã ven biển như Hải Lý, Hải Triều, Hải Hoà, Thị trấn Thịnh Long, một số doanh nghiệp tư nhân đã lắp đặt dây chuyền chế biến tôm, cá xuất khẩu. Cty TNHH Thịnh Long (Thị trấn Thịnh Long) đã hoàn thiện dây chuyền sản xuất bột cá nhạt, tạo việc làm cho hơn 60 lao động, với mức thu nhập trung bình từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng. Cty CP chế biến hải sản Nam Định, Cty TNHH Thịnh Long, Cty TNHH Vạn Hoa (Thị trấn Thịnh Long), với giá trị sản xuất 9 tháng năm 2012 ước đạt 118 tỷ đồng. Nghề chế biến nước mắm phát triển mạnh tại các xã Hải Đông, Hải Lý, Hải Chính với sản lượng hơn 2,3 triệu lít nước mắm mỗi năm. Là địa phương nổi tiếng trong cả nước với thương hiệu “gạo tám xoan Hải Hậu”, nghề xay xát, chế biến gạo cũng phát triển. Ông Nguyễn Giao Tế, Phó Giám đốc Cty CP Song Phương cho biết, dự kiến năm 2012, doanh thu của Cty đạt từ 40-50 tỷ đồng. Cty đã tạo việc làm cho 22 lao động với thu nhập trung bình từ 4 triệu đồng/người/tháng. Hiện tại, trên diện tích 3.000m2. Cty đã đầu tư xây dựng 3 kho thóc và 1 phân xưởng xay xát lúa gạo sạch với dây chuyền sản xuất khép kín từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm, công suất 20-25 tấn/h, với tổng mức đầu tư hơn 900 triệu đồng. Để đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho công nhân, Cty cũng đã đầu tư thêm hơn 300 triệu đồng lắp đặt 2 máy hút bụi cố định và di dộng, 1 bộ máy sàng lọc sạn. Năm 2012, Cty phấn đấu nộp ngân sách Nhà nước 1,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích diêm dân bám nghề, huyện tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm cho diêm dân tại các xã Hải Hòa, Hải Chính, Hải Lý và Bạch Long (Giao Thuỷ). Hiện tại, Cty TNHH Thanh Chương chuyên sản xuất muối sạch, muối i-ốt đã xây dựng 4 kho muối với trữ lượng từ 350-500 tấn muối thô/kho tại các xã trên; đưa vào sử dụng 1 dây chuyền sản xuất muối sạch tại xã Bạch Long với công suất đạt 30-45 tấn muối/ngày. Sản phẩm muối của Cty đã được đăng ký nhãn mác thương hiệu và chất lượng, bảo đảm ATVSTP. Nhờ đó, sản phẩm của Cty làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó không có hàng tồn kho. 10 tháng năm 2012, Cty đã xuất bán được 8.700 tấn muối sạch cho các tỉnh miền núi phía Bắc như: Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang... Doanh thu 10 tháng qua của Cty ước đạt 11 tỷ 800 triệu đồng, thu lãi hơn 250 triệu đồng, tạo việc làm cho hơn 60 lao động với thu nhập trung bình từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng.
Hiện tại, trên địa bàn huyện có 4 doanh nghiệp lớn về may mặc gồm Cty CP May Sông Hồng, Cty CP Đầu tư Hải Đường, Cty CP Đại Dương, Cty CP May Đạt Thành tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động địa phương. Bên cạnh đó, 100% các xã, thị trấn của huyện đều có các cơ sở may mặc gia công cho các Cty, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Ngành nghề thủ công mỹ nghệ cũng từng bước được xây dựng theo hướng bền vững. Huyện đang xây dựng đề án công nhận 19 làng nghề truyền thống trong năm 2012. Các làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở Hải Đường, Hải Trung; nghề dệt chiếu ở Hải An, Hải Bắc, Hải Phương; nghề cán sợi dệt lưới PE ở Thị trấn Thịnh Long đều được duy trì và phát triển ổn định. Trung bình mỗi làng nghề giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động nông thôn. Trong năm 2012, Phòng Công thương huyện đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức 5 lớp dạy nghề thêu ren móc sợi; 6 lớp dạy nghề hàn, may thu hút 315 lượt học viên tại các xã, thị trấn tham gia học nghề. Sau khi kết thúc khoá học, các học viên đều có việc làm tại các cơ sở sản xuất hoặc nhận hàng làm gia công tại nhà cho các Cty, doanh nghiệp.
Với các biện pháp đồng bộ, lựa chọn và định hướng đúng trong phát triển ngành nghề tại địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững gắn kết tiêu thụ nông sản cho nông dân, sản xuất CN-TTCN huyện Hải Hậu phát triển mạnh, bền vững, phấn đấu hết năm 2012, giá trị sản xuất ước đạt hơn 529 tỷ đồng./.
Bài và ảnh: Đức Toàn