Ghi nhận từ chiến dịch thủy lợi nội đồng đông xuân 2012-2013

05:12, 29/12/2012

Những ngày này, khắp các cánh đồng, từ các xã phía bắc tỉnh như: Mỹ Thuận, Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) đến các xã phía tây tỉnh, như: Yên Phong, Yên Quang, Yên Bằng (Ý Yên) và các xã chân sóng thuộc các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng… đều sôi động trong chiến dịch thuỷ lợi nội đồng. Xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) huy động tới 18 máy đào đắp, xã Yên Khánh (Ý Yên) huy động 8 máy đào đắp làm cả 3 ca trong ngày. Xã Giao An (Giao Thuỷ) huy động 400-500 lao động mỗi ngày để đắp đường nội đồng. Nhiều địa phương đã sớm hoàn thành kế hoạch đào đắp thủy lợi nội đồng. Đến ngày 17-12-2012, nhiều HTX của 2 huyện Nam Trực và Trực Ninh khối lượng đào đắp, nạo vét thủy lợi nội đồng đã đạt cao. Nhiều HTX đã vượt gấp gần 4 lần so với kế hoạch như Tân Trào đạt 460%, Hồng Thái đạt 432% (Nam Trực)… Trực Hải 267%, Trực Mỹ 267%, Trực Đạo 230% (Trực Ninh)… Đồng chí Phạm Minh Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh cho biết: "Kết thúc chiến dịch thủy lợi nội đồng đông - xuân 2012-2013, huyện sẽ vượt 150% kế hoạch đề ra". Còn gần 1 tháng nữa mới hết chiến dịch làm thủy lợi nội đồng đông - xuân 2012-2013 nhưng huyện Trực Ninh đã thực hiện đào đắp, nạo vét đạt 129% kế hoạch. Nhiều địa phương đã vượt cao so với kế hoạch như huyện Xuân Trường vượt 72%, huyện Mỹ Lộc vượt 13%... Ngoài khối lượng đào đắp, nạo vét 5.181.613m3 thủy lợi nội đồng, đến ngày 17-12-2012 toàn tỉnh đã sửa chữa được 21 cống dưới đê; 39 cống điều tiết và cống cấp II được làm mới, sửa chữa 83 cống điều tiết và cống cấp II; làm mới 1.090 và sửa chữa 979 cống, đập cấp III; kiên cố hóa 36 kênh các cấp với tổng chiều dài 25.579m… Đặc biệt chiến dịch thủy lợi nội đồng năm nay được kết hợp với làm giao thông nông thôn và giao thông nội đồng. Đến ngày 17-12-2012, toàn tỉnh đã thực hiện được 2.739 tuyến đường với tổng chiều dài gần 1.132km; tổng khối lượng đào đắp 2.340.934m3. Trong 2.739 tuyến đường được đắp mới hoặc nới rộng, có 7 tuyến đường bề mặt rộng trên 7m, tổng chiều dài 7.425m; 116 tuyến đường có bề mặt rộng 5m đến dưới 7m, tổng chiều dài 85.340m và 2.616 tuyến đường có bề mặt rộng 3m đến dưới 5m; tổng chiều dài 1.038.871m. Đây là bước đột phá trong chiến dịch thủy lợi nội đồng kết hợp với chỉnh trang đồng ruộng theo hướng quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh để sản xuất nông sản hàng hoá. Theo dự kiến của Chi cục Thủy lợi và các huyện, đến ngày 10-1-2013, tổng khối lượng đào đắp thủy lợi nội đồng toàn tỉnh sẽ đạt 150% trở lên. Sở dĩ khối lượng làm thủy lợi nội đồng đông - xuân 2012-2013 đạt cao là do hầu hết các xã, thị trấn có đất sản xuất nông nghiệp đều tiến hành dồn điền đổi thửa. Nông dân các địa phương đều tự nguyện góp đất, góp công, góp kinh phí để làm đường giao thông nội đồng. Cách huy động vốn để đào đắp thủy lợi nội đồng được các địa phương ứng dụng linh hoạt. Hầu hết các xã thuê máy đào đắp đều thống nhất với chủ phương tiện trả sau 2-3 năm (4-6 vụ lúa thu hoạch). Để giảm bớt đóng góp cho các hộ nông dân, nhiều xã ở huyện Ý Yên đã tạo nguồn từ tiết kiệm chi, huy động các nguồn vốn khác để giảm thu theo đầu sào nên có xã chỉ thu 10-20 nghìn đồng/sào/vụ. Nhiều địa phương ở huyện Giao Thủy đã động viên các hộ có điều kiện kinh tế trả trước (ngay trong năm 2012) không phải chịu lãi suất để làm thủy lợi, giao thông nội đồng, chỉnh trang đồng ruộng.

Xã Đồng Sơn (Nam Trực) trong chiến dịch nạo vét kênh mương kết hợp với làm giao thông nội đồng.
Xã Đồng Sơn (Nam Trực) trong chiến dịch nạo vét kênh mương kết hợp với làm giao thông nội đồng.

Tuy nhiên, đến nay một số địa phương trong tỉnh chiến dịch làm thủy lợi nội đồng đông - xuân 2012-2013 vẫn triển khai chậm. Đến ngày 9-12-2012, huyện Trực Ninh vẫn còn 3 HTX, huyện Nam Trực còn 9 HTX, huyện Vụ Bản còn 4 HTX… chưa ra quân làm thuỷ lợi nội đồng. Các HTX như Nam Dương, Lạc Hồng (Nam Trực); Minh Tân, Tam Thanh (Vụ Bản) mới đạt 1% kế hoạch, Phương Tân (Trực Ninh), Cộng Hòa (Vụ Bản) đạt 3% kế hoạch… Việc thi công các kênh cấp III ở nhiều địa phương đạt tỷ lệ thấp. Đến ngày 18-12-2012, toàn tỉnh mới nạo vét được 33% về số lượng kênh và 65% khối lượng phải nạo vét. Trong khi đó thời gian sản xuất vụ xuân đã kề cận. Do không cày ải được, đa số diện tích cấy lúa của tỉnh phải chuyển sang làm dầm và lấy nước vào sớm hơn 5-7 ngày so với các vụ xuân trước. Bởi vậy các địa phương cần tập trung nhân lực, phương tiện, máy móc…, hoàn thành nạo vét kênh cấp III trước khi lấy nước vào ruộng để làm dầm./.

Bài và ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com