Trên địa bàn tỉnh ta hiện có nhà máy bê tông Tân Phú tại KCN Hòa Xá (TP Nam Định) là nhà cung cấp sản phẩm bê tông thương phẩm và bê tông cấu kiện lớn nhất cho thị trường. Qua nhiều năm cung ứng, sản phẩm bê tông thương phẩm của nhà máy đã được khách hàng tin dùng để phục vụ cho các công trình xây dựng của các dự án trên địa bàn tỉnh.
Anh Hoàng Quốc Hùng, Trưởng Phòng Kinh doanh của nhà máy cho biết, năm 2012, doanh thu của nhà máy ước đạt 30 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 40 lao động với thu nhập bình quân từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, nhà máy đang vận hành 2 dây chuyền sản xuất bê tông thương phẩm với công suất 120m3/h và 1 dây chuyền sản xuất bê tông cấu kiện ống đúc sẵn trên diện tích 2ha. Thời gian tới, nhà máy tiếp tục đầu tư thêm 1 dây chuyền sản xuất bê tông thương phẩm mới với tổng kinh phí khoảng 2 tỷ đồng. Dây chuyền sản xuất bê tông của nhà máy là dây chuyền hiện đại với cối trộn cưỡng bức 2 trục ngang theo công nghệ của Italia. Với công nghệ này, bê tông được trộn cưỡng bức trong buồng trộn dung tích hơn 20.000 lít và hệ thống cân điện tử của Mỹ được vận hành hoàn toàn tự động. Với sự đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại, nhà máy cung ứng cho thị trường đa dạng các loại bê tông với mác từ 100 đến 400 bảo đảm chất lượng cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu cho mọi công trình. Bình quân mỗi tháng, nhà máy cung ứng cho thị trường hơn 3.000m3 bê tông thương phẩm. Bên cạnh đó, nhà máy còn đầu tư 5 xe bơm bê tông chuyên dụng, trong đó có 1 xe bơm bê tông di động với cẩu trục dài hơn 40m, bán kính xoay 360 độ, 4 xe bơm tĩnh; 8 xe vận tải bê tông chuyên dụng và hệ thống cẩu trục tháp trị giá hơn 1 tỷ đồng đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Sử dụng xe điện vận chuyển gạch thô giúp Cty CP Đại An ở Yên Nhân (Ý Yên) tiết kiệm được hơn 10% chi phí sản xuất về nhân công và nguyên liệu. |
Cty TNHH một thành viên Phan Quân (Trực Ninh) chuyên sản xuất gạch không nung. Tháng 4-2012, Cty đã đầu tư 1,5 tỷ đồng để xây dựng dây chuyền sản xuất gạch không nung, công suất 8,5 triệu viên/năm trên diện tích 1.600m2. Anh Phan Trung Kiên, Giám đốc Cty cho biết: “Dây chuyền này sẽ giúp Cty sản xuất được các sản phẩm gạch không nung bảo đảm chất lượng, tiết kiệm được chi phí, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường”. Nguyên liệu để sản xuất gạch không nung chủ yếu là tro bay, đá mạt, phế thải của các KCN trên địa bàn tỉnh, với 1m3 nguyên liệu có thể sản xuất được 750 viên gạch không nung. Giá thành đầu vào của gạch không nung rẻ hơn 25-30% so với sản xuất gạch thông thường, trong khi đó cường độ chịu lực cao gấp 2 lần so với gạch truyền thống. Hiện tại, Cty đang tiến hành đăng ký chất lượng tiêu chuẩn sản phẩm tại Trung tâm tư vấn giám sát và thí nghiệm công trình. Ngoài ra Cty còn liên kết với Cty DMC Group, Cty CP Thương mại Huệ Quang, huyện Từ Liêm (Hà Nội) để chủ động đầu ra cho sản phẩm. Cty CP Gạch ngói Đại An, xã Yên Nhân (Ý Yên) đang vận hành dây chuyền sản xuất gạch tuynel với công suất 20 triệu viên/năm do Cty TNHH Cơ khí Phong Anh lắp đặt trên diện tích 6,7ha, tạo việc làm cho hơn 110 lao động với thu nhập bình quân từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ứng dụng các phương pháp tiết kiệm như lắp tụ bù tiết kiệm điện cho băng chuyền, động cơ quạt gió điện cơ Hà Nội, sử dụng khí thải lò nung cho vào lò sấy giảm thiểu khí thải ra môi trường, đầu năm 2012, Cty đã đầu tư hơn 300 triệu đồng để mua 30 chiếc xe điện lò gạch do Gara ôtô Phương Anh (Hưng Yên) chế tạo với ưu điểm dễ dàng điều khiển trên mọi địa hình, khả năng hoạt động liên tục trong nhiều giờ, tiết kiệm chi phí xăng dầu. Cty CP Tấm lợp Bạch Đằng (TP Nam Định) là một trong những đơn vị đi đầu trong việc thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ tại các dây chuyền sản xuất tấm lợp fibrô ximăng. Những năm qua, Cty đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng đổi mới công nghệ. Đến nay, dây chuyền sản xuất tấm lợp amiăng xi măng của Cty đã được trang bị hệ thống tự động hoá cao bằng các thiết bị hiện đại của Nga, Đức, Bỉ và một số nước Tây Âu khác. Hiện, từ khâu đầu vào sản xuất dây chuyền nghiền khô và nghiền ướt sợi amiăng đến khâu trộn xi măng rời trong các silô và hỗn hợp nguyên liệu, cho đến khi ra sản phẩm đều được điều khiển bằng hệ thống tự động. Trong quá trình sản xuất tấm lợp, Cty đã trang bị hệ thống camera tự động. Mọi quy trình sản xuất đều được giám sát và điều hành tại phòng điều khiển trung tâm. Với hai dây chuyền sản xuất tấm lợp, công suất khoảng 5 triệu m2/năm, hằng năm doanh thu của Cty đạt trên 70 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 300 cán bộ, CNV.
Tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị hiện đại giúp các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh từng bước thực hiện mục tiêu chuyên môn hóa, tự động hóa, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu lao động tại các vị trí có nguy cơ ô nhiễm cao, giảm thiểu chi phí, tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường./.
Bài và ảnh: Đức Toàn