Dệt may là ngành công nghiệp chủ lực của Nam Định, không chỉ tồn tại từ lâu đời mà còn có được vị thế vững chắc trên thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài. Nắm bắt được lợi thế này, trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư mới vào ngành dệt may. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 120 doanh nghiệp dệt may, trong đó đã có khoảng 30 doanh nghiệp dệt may đã nằm trong top doanh nghiệp trọng điểm của tỉnh. Điểm nổi bật chung của các doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường dệt may là sự chủ động đầu tư hệ thống máy móc thiết bị mới, hiện đại và bảo đảm cung cấp ra thị trường các sản phẩm chất lượng cao. Tiêu biểu như: tại Cty CP May Nam An, số 1 đường Giải Phóng (TP Nam Định), từ đầu năm 2012 đến nay đã đầu tư xây dựng nhà máy Veston nữ cao cấp với hệ thống máy móc bảo đảm đồng bộ, hiện đại; được Tổng Cty CP May Nhà Bè hỗ trợ công nghệ và hệ thống kiểm soát quá trình sản xuất các sản phẩm.
Khách hàng chọn mua sản phẩm hàng dệt may nội địa của Cty TNHH Dịch vụ và thương mại Nhâm Hồ (TP Nam Định). |
Cty CP Nam Tiệp, CCN An Xá (TP Nam Định) tuy mới thành lập năm 2006 nhưng ngay từ khi đi vào hoạt động, Cty đã tập trung thực hiện phương châm bảo đảm chất lượng sản phẩm. Vì vậy, Cty đã đầu tư dây chuyền đồng bộ khép kín với các trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến và tuyển chọn đội ngũ công nhân phù hợp. Đặc biệt hướng tới thị trường xuất khẩu, với các mẫu sản phẩm do chính đơn vị thiết kế nên Cty đã tuyển chọn đội ngũ thiết kế được đào tạo cơ bản từ các trường đại học và các trung tâm thời trang có tên tuổi, bảo đảm luôn có hàng trăm mẫu hàng mới cung cấp cho khách hàng lựa chọn. Cty còn không ngừng hoàn thiện cơ sở hạ tầng đầu tư đồng bộ thiết bị máy móc hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm quần áo thời trang. Hiện sản phẩm của Cty không chỉ có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước mà còn tạo được uy tín đối với thị trường nước ngoài và ngày càng được bạn hàng ký kết gia tăng số lượng. Đáp ứng nhu cầu về nguồn hàng xuất khẩu, Cty đã mở thêm 1 xưởng may tại tỉnh Ninh Bình… Về phía các doanh nghiệp có truyền thống, lâu đời cũng rất chủ động nâng cấp quy mô, năng lực sản xuất, kinh doanh. Từ đầu năm đến nay, mặc dù thị trường dệt may toàn quốc gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp dệt may lớn trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục tạo được nhiều bước tiến mới, khẳng định thương hiệu, vị thế của ngành dệt may Nam Định. Tiêu biểu như: Cty CP Dệt may Nam Định trung bình mỗi tháng sản xuất trên 1,5 triệu mét vải; Cty May 5 đạt doanh số 4,1 tỷ đồng/tháng, tăng 10% so với năm 2011. Với mức độ sản xuất, tăng trưởng như hiện tại, Tổng Cty CP Dệt may Nam Định dự kiến sẽ chia cổ tức 15% trong năm 2012. Tại Cty CP May Nam Định (Nagaco), đã tăng cường quản lý, đảm bảo chất lượng các sản phẩm. Nhờ đó, các bạn hàng truyền thống từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu vẫn tiếp tục hợp tác, ký thêm đơn hàng mới. Bên cạnh đó, một số đối tác của Hàn Quốc, Mỹ đã đề nghị cùng hợp tác với Cty để đầu tư thêm dự án mới. Dự kiến năm 2012, doanh thu của Cty ước đạt 145 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với năm 2011. Tổng Cty CP Dệt may Nam Định (Natexco), đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, huy động được nhiều nguồn vốn, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững ổn định thị trường. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, các Cty con của Tổng Cty vẫn đạt hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may lớn, có uy tín và vị thế trên địa bàn tỉnh còn quan tâm, chủ động đầu tư phát triển các khâu phụ trợ nhằm phát triển nghề may theo hướng chủ động mọi quy trình sản xuất. Theo đó, những năm gần đây, các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực về kinh tế đã chú trọng phát triển các khâu: sản xuất nguyên phụ liệu, kéo sợi, nhuộm, in, cắt may... Trong đó, khâu sản xuất nguyên phụ liệu được các doanh nghiệp lớn chú trọng đầu tư và đạt kết quả cao hơn cả. Tiêu biểu như: Cty CP Dệt may Sơn Nam, ngay từ năm 2005 đã tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng hai nhà máy sợi OE công suất 6.000 tấn/năm tại KCN Hoà Xá; năm 2010, Cty tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy sợi số 3 theo công nghệ Đức, Italia, quy mô 2 vạn cọc, tương ứng với sản lượng gần 4.000 tấn sợi một năm chuyên dùng cho dệt các loại vải bò, kaki... Cty CP Thúy Đạt, KCN Hòa Xá (TP Nam Định) đã chủ động đầu tư xây dựng các nhà máy liên hoàn với tổng giá trị đầu tư hàng chục triệu USD, khép kín từ nguyên liệu đầu vào là xơ bông, đến thành phẩm là sợi, vải, quần áo. Cty đã triển khai trồng 3.500ha bông theo dự án vùng nguyên liệu vải sợi tại tỉnh Xiêng Khoảng (nước CHDCND Lào) và đầu tư một nhà máy kéo sợi công suất gần 4.000 tấn sợi/năm… Nhờ đó, ngay trong những giai đoạn toàn ngành gặp nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu, Cty không chỉ chủ động được nguồn nguyên liệu ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và ngày càng mở rộng xuất khẩu tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan mà còn trở thành đơn vị lớn cung ứng nguyên liệu đạt chất lượng cao cho các đơn vị cùng ngành trong nước. Ngoài việc hướng đến thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp dệt may cũng đã chú trọng tạo lập và phát triển thương hiệu tại thị trường nội địa. Nhiều cơ sở dệt may trên địa bàn tỉnh như cơ sở may Châu Anh (TP Nam Định), các doanh nghiệp sản xuất quần áo thời trang và chăn, ga, gối, đệm xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc)… đã tạo dựng được chỗ đứng vững chắc tại thị trường nội địa với những sản phẩm chất lượng, và tiêu biểu là có mức giá phù hợp với túi tiền của đại đa số người dân địa phương. Sự nỗ lực đầu tư, phát triển thương hiệu và vị thế của ngành từ phía các doanh nghiệp đã giúp cho ngành dệt may tỉnh Nam Định luôn vững vàng và không ngừng phát triển ngay cả trong những giai đoạn khủng hoảng kinh tế hay khi ngành dệt may trên thế giới gặp nhiều biến động. Trong 9 tháng đầu năm 2012, ngành CN dệt may toàn tỉnh đạt 3.894,7 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, nổi bật trong toàn ngành là Cty CP May Sông Hồng. Hiện nay, Cty đã đạt được vị thế là doanh nghiệp dệt may hàng đầu của tỉnh, nằm trong tốp 10 doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiêu biểu, Cty không chỉ nhận được nhiều đơn hàng dài hạn của các tập đoàn và thương hiệu nổi tiếng thế giới như Columbia Sportswear, Gap, New York & Company, Mango… mà còn có nhiều cơ hội mở rộng thị trường của một số mặt hàng nội địa. Từ đầu năm 2012 đến nay, Cty CP May Sông Hồng đã di dời nhà xưởng từ nội thành Nam Định ra KCN Mỹ Trung, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) và đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống nhà xưởng, thiết bị máy móc theo hướng hiện đại với tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng. Cty tiếp tục xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO và hệ thống trách nhiệm xã hội theo tiêu chuẩn SA-8000 và WRAP, hệ thống an ninh nhà máy theo tiêu chuẩn của C-TPAT Mỹ. Chủ động hướng đến mục tiêu đạt thẻ xanh quốc tế về môi trường xanh - sạch trong sản xuất để hội nhập bền vững, Cty đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt và xử lý nước thải sản xuất tại Nhà máy May Sông Hồng 4, Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường). Hiện nay, Cty đang đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại khu sản xuất xã Hải Phương (Hải Hậu), sau đó tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải ở tất cả các khu vực sản xuất với mục tiêu tạo môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp. Ngoài ra, Cty còn triển khai chiến lược hội nhập toàn diện với chương trình mở rộng thị trường nội địa bằng các mặt hàng bông tấm chất lượng cao và đa dạng hoá các sản phẩm chăn, ga, gối, đệm./.
Bài và ảnh: Nguyễn Thuỳ Linh
(Sở GTVT Nam Định)