Những năm qua huyện Trực Ninh đã chú trọng quy hoạch và phát triển các vùng nuôi thủy sản tập trung với các loại cá truyền thống như mè, trôi, trắm, chép… kết hợp với nuôi gia súc, gia cầm… Đến nay, hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đều đã hình thành các vùng nuôi thủy sản tập trung với tổng diện tích trên 1.051ha, sản lượng hằng năm đạt 3.500 tấn, giá trị thu nhập đạt trên 75,5 tỷ đồng/năm. Nhiều vùng nuôi thuỷ sản ở Thị trấn Cổ Lễ và các xã: Trực Chính, Trực Cường, Trực Nội, Trực Mỹ… giá trị thu nhập đạt từ 100-200 triệu đồng/ha/năm.
Năm 2008, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu nuôi thủy sản tập trung rộng 35ha tại cánh đồng Cái Chảy, xã Trực Khang đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư 5,2 tỷ đồng. Triển khai thực hiện dự án, huyện đã chỉ đạo xã triển khai đào đắp hệ thống mương lấy, tiêu nước với tổng chiều dài trên 3,5km, 4 cửa cống bê tông đúc lấy nước từ sông Thống Nhất và tách biệt với hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp; hoàn thiện hệ thống giao thông nội vùng trong đó có 1 đường bê tông dài 1km, rộng 3m. Đến nay, cơ sở hạ tầng vùng nuôi thủy sản tập trung của xã đã hoàn thành và sản xuất ổn định, thu hút 10 hộ tham gia với thu nhập từ 120-150 triệu đồng/ha/năm. Nhiều hộ có kinh nghiệm, đầu tư chiều sâu đã đạt thu nhập từ 150 triệu đồng/ha/năm trở lên như hộ các ông: Hà Văn Xuất, Nguyễn Văn Đức, Đặng Xuân Viện, Hà Đức Trọng… Hộ ông Hà Văn Xuất có 2,1ha gồm 8 ao nuôi cá truyền thống rộng 3,5 mẫu kết hợp với nuôi 100 con lợn/lứa, mỗi năm xuất bán được trên 10 tấn cá, gần 30 tấn thịt lợn hơi, tổng doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng, thu nhập thực tế từ 200-250 triệu đồng/năm. Hộ ông Hà Đức Trọng có tổng diện tích 1,1ha với 1,5 mẫu mặt nước mỗi năm thu hoạch trên 4,5 tấn cá và trên 20 tấn thịt lợn hơi, thu nhập đạt 150 triệu đồng/năm. Từ thành công của vùng nuôi thủy sản tập trung tại xã Trực Khang, huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi trồng thuỷ sản rộng 114ha thuộc Thị trấn Cổ Lễ và các xã Trực Chính, Phương Định, Liêm Hải. Ngoài các vùng dự án được hỗ trợ kinh phí, huyện chủ trương phát triển các vùng nuôi thủy sản tập trung tại những vùng đất cấy lúa kém hiệu quả, xa khu dân cư, đất nhiễm mặn, đất bãi ven sông…
Thu hoạch thủy sản tại gia trại của ông Hà Văn Trọng, xóm 3, xã Trực Khang. |
Để nhân rộng mô hình và tạo điều kiện cho các hộ dân nắm vững kỹ thuật nuôi, hằng năm, huyện chỉ đạo Phòng NN và PTNT, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chọn con giống, cải tạo ao đầm; hướng dẫn nông dân chọn thời điểm thả cá giống phù hợp để đảm bảo thành công. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ các xã, thị trấn đã đứng ra tín chấp cho hội viên vay vốn đầu tư phát triển sản xuất; chủ động phối hợp với Trạm Khuyến nông tổ chức chuyển giao kỹ thuật mới, xây dựng các mô hình điểm. Đến nay nhiều vùng nuôi thủy sản tập trung của các xã, thị trấn cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2,5-3 lần so với cấy lúa như vùng nuôi của các xã: Trực Cường, Trực Đạo, Trực Nội… Xã Trực Mỹ đã quy hoạch vùng nuôi thủy sản tập trung với tổng diện tích gần 40ha. Các hộ được tạo điều kiện đấu thầu thuê đất lâu dài để xây dựng trang trại, gia trại tổng hợp. Nhiều hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm như hộ các ông: Mai Minh Đoan đội 9; Vũ Văn Tân đội 12; Vũ Văn Lê, xóm Đội… Vùng nuôi thủy sản xã Trực Chính ở ngoài bãi sông Hồng đã hình thành hàng chục trang trại, gia trại nuôi thủy sản kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các hộ đều đầu tư quy hoạch ao nuôi, hệ thống chuồng trại bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường, nguồn nước sạch nên không để dịch bệnh xảy ra. Xã Trực Chính có 4 gia trại nuôi thủy sản kết hợp chăn nuôi của các ông: Mai Văn Nghiêm, Đỗ Văn An, Mai Văn Chiến, Nguyễn Tuấn Long, có tổng doanh thu từ 1,1-1,5 tỷ đồng/năm, thực tế thu nhập trên 200 triệu đồng/năm… Ngoài vùng nuôi thủy sản tại vùng bãi ven sông, xã đã chuyển đổi hơn 20ha thùng đào, thùng đấu ven đê thành vùng nuôi thủy sản tập trung, đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống đường giao thông, điện và hệ thống thủy lợi… với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng. Các hộ tập trung nuôi các loại cá truyền thống bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 1,5 đến 1,8 lần so với cấy lúa. Vùng đất bãi ven sông Hồng của Thị trấn Cổ Lễ cũng đã hình thành cả trăm gia trại nuôi thủy sản và chăn nuôi tập trung; hình thành gần 50 hộ chuyên sản xuất, ương, cung ứng cá giống và 30-40 hộ chuyên tiêu thụ sản phẩm cá thịt.
Để các vùng nuôi thủy sản phát triển bền vững, huyện Trực Ninh chỉ đạo các xã, thị trấn công khai quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp và khuyến khích các hộ tự dồn đổi ruộng cho nhau hoặc cho thuê ruộng dài hạn trong vùng quy hoạch, tạo thuận lợi cho việc tưới, tiêu nước để hình thành các vùng nuôi thuỷ sản tập trung, mỗi vùng rộng từ 5-10ha, diện tích ao nuôi tối thiểu 1.000m2 trở lên; phấn đấu đến năm 2015 nâng diện tích các vùng nuôi thủy sản toàn huyện lên 1.200ha./.
Bài và ảnh: Thành Trung