Tăng cường năng lực giám sát tài chính doanh nghiệp Nhà nước

08:11, 02/11/2012

Bài toán phát triển các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đang thu hút sự quan tâm của mọi thành phần trong xã hội, không chỉ làm "nóng" Hội nghị Trung ương 6 vừa qua mà cũng đang được các đại biểu Quốc hội khóa XIII trao đổi, luận bàn, đề xuất giải pháp đổi mới phát triển trong thời gian tới.

Bắt đầu từ cơ chế

Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở nước ta được hình thành trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung, dưới hình thức là các Tổng Cty, các liên hiệp xí nghiệp và các DNNN độc lập (năm 1980, con số DNNN lên đến hơn 12.000 doanh nghiệp). Không thể phủ nhận DNNN thời gian qua đã có nhiều thay đổi, sắp xếp lại tinh gọn hơn, đảm nhận tốt hơn vai trò nòng cốt, chủ lực của nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh và giải quyết công ăn việc làm cho một số lượng lớn người lao động, góp phần ổn định kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp to lớn, khu vực DNNN đã và đang bộc lộ một số bất cập như hiệu quả và sức cạnh tranh thấp; năng lực và quản trị doanh nghiệp yếu kém, đặc biệt là thực trạng tài chính có nhiều vấn đề ở một số DNNN, gây thất thoát và lãng phí vốn nhà nước. Thực tế này đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết cho việc tăng cường năng lực giám sát tài chính của DNNN.

Theo phân công, phân cấp của Chính phủ, Thủ tướng trực tiếp thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với các tập đoàn, Tổng Cty nhà nước đặc biệt quan trọng. Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DNNN do bộ, UBND cấp tỉnh quyết định thành lập; còn Bộ Tài chính thực hiện một số quyền, nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu DNNN; Hội đồng quản trị là đại diện chủ sở hữu trực tiếp vốn nhà nước tại DNNN có hội đồng quản trị. DNNN được quyền chủ động sử dụng vốn Nhà nước giao, các loại vốn khác, các quỹ do DNNN quản lý vào hoạt động kinh doanh; chịu trách nhiệm về bảo toàn, phát triển vốn, hiệu quả sử dụng vốn.

Trên thực tế, việc phân công, phân cấp thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế Nhà nước còn những điểm chưa hợp lý, chưa rõ ràng, còn phân tán vai trò và trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND trong quản lý, giám sát việc sử dụng vốn, tài sản tại các tập đoàn kinh tế. Nhiều cơ quan nhà nước còn gặp khó khăn trong việc nắm bắt một cách đầy đủ, kịp thời và chính xác thông tin về vốn, tài sản Nhà nước và tình hình hoạt động tại các tập đoàn kinh tế. Một số sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước chỉ phát hiện sau thanh tra, kiểm tra tại các tập đoàn kinh tế hoặc có khiếu nại, tố cáo.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra giám sát từ bên trong và bên ngoài đối với các dự án đầu tư, hợp đồng mua bán, vay, cho vay và hợp đồng khác có giá trị dưới 50% tổng giá trị tài sản phân cấp cho Hội đồng quản trị (nay là Hội đồng thành viên) của các tập đoàn kinh tế nhà nước được quyết định còn rất hạn chế. Mặc dù, các dự án và hợp đồng này đã được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất - phù hợp với Luật Doanh nghiệp - nhưng đây là giá trị lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng vốn đầu tư từ NSNN, lại chưa được kiểm tra giám sát chặt chẽ và hiệu quả.

Cán bộ CNV Cty Điện lực Nam Định vận hành hệ thống điện tại trạm 110kV Mỹ Lộc. Ảnh: Xuân Thu
Cán bộ CNV Cty Điện lực Nam Định vận hành hệ thống điện tại trạm 110kV Mỹ Lộc. Ảnh: Xuân Thu

Ngoài ra, chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu (kể cả việc giám sát thực hiện) với chức năng quản lý hành chính Nhà nước (quản lý, giám sát doanh nghiệp với tư cách là một chức năng của quản lý Nhà nước) theo quy định của Luật Doanh nghiệp, vẫn chưa được tách biệt một cách triệt để. Cơ quan quản lý hành chính Nhà nước vẫn đồng thời là cơ quan thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, dẫn đến tình trạng chồng chéo, thiếu minh bạch về vai trò, chức năng của cơ quan Nhà nước.

Cần những thay đổi

Để nâng cao quản lý giám sát tài chính Nhà nước tại DNNN, trong thời gian tới, trên cơ sở Đề án tái cấu trúc DNNN, mà trọng tâm là tập đoàn, Tổng Cty nhà nước (Quyết định 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành mới các văn bản luật, cơ chế, chính sách có liên quan, cần tạo lập một cơ chế quản lý giám sát tài chính đối với DNNN phù hợp với thông lệ cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Cụ thể, cần xây dựng và ban hành Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trong các doanh nghiệp. Trong đó, làm rõ chủ thể giám sát DNNN, giải quyết mối quan hệ giám sát tài chính DNNN của chủ sở hữu, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và người quản lý, điều hành doanh nghiệp. Xác định rõ chức năng, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan quản lý hành chính nhà nước và đại diện chủ sở hữu đối với các DNNN.

Đồng thời, phải xác định rõ nội dung giám sát của chủ sở hữu đối với tài chính DNNN, như thực hiện mục tiêu kế hoạch đầu tư, tài chính; danh mục đầu tư, các ngành nghề kinh doanh chính và các ngành nghề có liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính; đầu tư vào lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn rủi ro; thực hiện nhiệm vụ công ích; bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; kết quả hoạt động tài chính, hiệu quả kinh doanh; giá thành, chi phí sản xuất; tình hình vay và trả nợ; sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh… Phải quy định rõ trách nhiệm của các đối tượng được giám sát, tức là trách nhiệm của hội đồng quản trị, ban giám đốc DNNN trong việc cung cấp thông tin, chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất, bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, kịp thời, cũng như cơ chế xử lý vi phạm. Bên cạnh đó là sự cần thiết đổi mới phương thức kiểm tra, giám sát đối với DNNN; phát triển thị trường chứng khoán, tăng cường các hình thức huy động vốn của DNNN qua thị trường này để minh bạch hóa hoạt động của các DNNN (đối với DNNN đặc thù, hoạt động trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng thì thực hiện minh bạch thông tin theo quy định riêng). Minh bạch hóa thông tin và hoạt động của DNNN chính là cơ chế giám sát chủ yếu đối với DNNN, qua đó giảm bớt các biện pháp can thiệp hành chính, tạo điều kiện cho các bên liên quan tiếp cận đầy đủ thông tin phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh và giám sát doanh nghiệp.

Tiêu chí giám sát như thế nào?

Tính đến cuối năm 2011, cả nước còn hơn 1.300 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trong đó có hơn 700 doanh nghiệp do địa phương quản lý (chiếm 53,6% tổng số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, bao gồm 236 doanh nghiệp công ích, 465 doanh nghiệp kinh doanh); 355 doanh nghiệp thuộc các bộ, ngành (chiếm 27,1%, gồm 193 doanh nghiệp an ninh - quốc phòng, hoạt động công ích, 162 doanh nghiệp kinh doanh; và 253 doanh nghiệp thuộc tập đoàn, Tổng Cty (chiếm 9,3%, gồm 23 doanh nghiệp công ích, 230 doanh nghiệp kinh doanh). Mặc dù vậy, hiệu quả hoạt động của DNNN chưa cao so với nguồn lực hiện đang nắm giữ, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế. Các DNNN hoạt động trong các lĩnh vực như: Khai mỏ, vận tải, thủy sản, thông tin liên lạc có hiệu quả hoạt động cao; trong khi các doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất (sắt, thép, xi măng,...), cung ứng các sản phẩm thiết yếu (điện, nước, phục vụ công cộng, khoa học công nghệ,...), xây dựng và công nghiệp chế biến... có chỉ tiêu hoạt động tương đối thấp. Thậm chí, một số DNNN rơi vào tình trạng thua lỗ, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của nhiều DNNN ở mức hơn 3 lần so với mức bình quân 2,1 lần của một doanh nghiệp nói chung…

Có thể chỉ ra một số quy định về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN còn bất cập, chưa tạo cơ chế hiệu quả để kịp thời phát hiện, cảnh báo cho chủ sở hữu doanh nghiệp về những nguy cơ, dấu hiệu rủi ro về tài chính. Ví dụ như Quyết định số 224/2006/QĐ-TTg tuy đã bao quát các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, song lại không có các chỉ tiêu cụ thể để kịp thời phát hiện, cảnh báo rủi ro tài chính; Quyết định số 169/2007/QĐ-TTg đưa ra các chỉ tiêu cụ thể, chặt chẽ nhưng chỉ áp dụng đối với các DNNN đã rơi vào tình hình thua lỗ, kém hiệu quả. Các chỉ tiêu trong biểu mẫu báo cáo của doanh nghiệp để làm cơ sở cho chủ sở hữu và cơ quan quản lý nhà nước thực hiện đánh giá giám sát doanh nghiệp chưa nêu đầy đủ được các nội dung cần giám sát (ví dụ tình hình sử dụng vốn đầu tư, hiệu quả đầu tư, tình hình mở rộng ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, tình hình huy động vốn...), trong đó các chỉ tiêu tài chính thiếu đầy đủ, đồng bộ. Hệ thống chỉ tiêu hiện nay đang áp dụng để đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN không cụ thể, chi tiết, chưa cho phép đánh giá toàn diện hoạt động của doanh nghiệp. Các tiêu chí đánh giá hoạt động doanh nghiệp mới tập trung vào chỉ tiêu cơ bản là doanh thu (hoặc sản lượng); lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước; khả năng thanh toán nợ ngắn hạn (đến hạn) và tình hình chấp hành các quy định pháp luật. Chính từ đây, kết quả đánh giá hoạt động của DNNN còn mang tính hình thức, chưa có tác dụng nhiều đối với việc xem xét và quyết định các vấn đề đối với DNNN như tăng (thoái) vốn đầu tư nhà nước, quản trị doanh nghiệp… Các chế tài liên quan đến xử lý các sai phạm về quản lý giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN chưa cao.

Để nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý của chủ sở hữu nhà nước và bảo đảm DNNN hoạt động hiệu quả, bên cạnh quy chế mới cũng cần có các hướng dẫn cụ thể hơn về nội dung giám sát tài chính, quy trình giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Cần ban hành quy định làm rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được giao thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu. Phải hình thành cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước, trong đó Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền giám sát, đánh giá Chính phủ; đồng thời Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện quyền kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan được giao thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước. Cùng với đó, cần tăng cường vai trò của các trung tâm giao dịch chứng khoán trong việc giám sát và thúc đẩy quản trị Cty của DNNN. Thêm nữa là việc hoàn thiện chế độ kế toán áp dụng đối với tập đoàn, Tổng Cty nhà nước; thiết lập hệ thống thông tin giám sát và quản lý doanh nghiệp gồm thông tin về hoạt động kinh doanh, thông tin về đầu tư, về các rủi ro và biến động bất thường. Ngoài ra, cần có quy chế kiểm toán nội bộ trong các tập đoàn, Tổng Cty  nhà nước…

Đề ra những tiêu chí cụ thể, chặt chẽ, minh bạch... chính là cách để DNNN được kiểm soát, giám sát chặt chẽ, kịp thời điều chỉnh đúng quỹ đạo, phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả thực sự./.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com