Từ chiều ngày 28-10, bão số 8 (bão Sơn Tinh) đã đổ bộ vào tỉnh ta làm thiệt hại nhiều nhà cửa, cây cối, ruộng vườn. Hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, đổ tường bao, hàng chục ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn. Nhiều trường học, bệnh viện, nhà xưởng của doanh nghiệp bị hư hại nặng. Hơn 5.810ha lúa mùa (trong đó có hơn 3.330ha lúa đặc sản), hơn 12.800ha cây màu vụ đông bị đổ, dập nát và ngập trong nước; toàn bộ diện tích nuôi ngao vạng và thủy sản mặn lợ bị thiệt hại ước hàng trăm tỷ đồng.
Theo tổng hợp nhanh của Sở NN và PTNT, sau bão số 8 huyện Giao Thủy là địa phương bị thiệt hại nặng nhất. Toàn huyện có khoảng 1.000ha lúa mùa chưa gặt, 1.500ha cây vụ đông bị ngập sâu trong nước có nguy cơ bị mất trắng; 1.500ha vây nuôi vạng bị thiệt hại; trên 1.000 chòi canh sập hoàn toàn; 150ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị ngập toàn bộ; 100ha đầm nuôi ngao giống bị thiệt hại; 1.700ha đầm nuôi quảng canh khu vực Cồn Lu, Cồn Ngạn; 800ha đầm nuôi nước ngọt mất trắng… Ở các xã Giao Xuân, Giao Lạc, Giao Hải, hàng nghìn tấn ngao vạng của các hộ dân bị bão hất tung ra biển. Ở huyện Hải Hậu diện tích lúa mùa dài ngày ngập trắng 1.500ha, 3.500ha diện tích cây vụ đông trong đó diện tích trên chân ruộng 2 lúa là 1.100ha bị ngập nặng; 277ha thuỷ sản bị thiệt hại... Sau bão số 8, trên 1.900ha lúa chưa gặt ở huyện Nghĩa Hưng bị đổ, vò nát thân, rụng hạt. Diện tích cây vụ đông bị thiệt hại 1.349,13ha; trong đó cây vụ đông trên đất 2 lúa là 377,13ha, đất màu vườn bãi 972ha. Huyện Ý Yên, bão số 8 đã gây thiệt hại 1.147ha lúa mùa muộn chưa gặt, gây thiệt hại hoàn toàn gần 1.553ha rau vụ đông. Huyện Trực Ninh bị sập đổ 13 nhà; hơn 13.204 nhà và công trình phụ trợ của nhân dân bị tốc mái; hơn 920ha lúa mùa muộn chủ yếu là giống nếp đặc sản bị ngập úng hoàn toàn. Riêng diện tích cây màu vụ đông bị thiệt hại là 950ha trong đó ngập úng hoàn toàn 347ha dưa chuột, bí xanh, đậu tương, 603ha cây màu bị gãy dập chủ yếu là ngô, khoai lang, rau màu các loại. Huyện Xuân Trường có 43 căn nhà bị sập, 9.461 căn nhà bị tốc mái. Diện tích hoa màu bị thiệt hại là 779ha, trong đó diện tích cây vụ đông chủ yếu là bí xanh, đậu tương bị ngập úng là 148,05ha. Diện tích lúa mùa trung chưa kịp gặt bị ngập úng là 171,4ha; diện tích lúa mùa muộn là 454ha. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản ngập trắng bờ là 703ha, 533 con gia súc và 70.595 con gia cầm chết do rét… Các huyện: Nam Trực, Vụ Bản, Mỹ Lộc cũng bị nhiều thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 8 gây ra.
Nông dân xóm 3, xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng) tận thu lúa BT7 sau bão số 8. |
Ngay sau khi bão đi qua, các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân trong tỉnh đã chủ động khắc phục hậu quả thiên tai. Trên các cánh đồng lúa đặc sản của huyện Nghĩa Hưng, các hộ nông dân đang tranh thủ cùng nhau nhanh tay gặt tận thu những diện tích lúa mùa còn lại. Còn ở huyện Nam Trực, một trong những trọng điểm trồng rau màu của tỉnh, nông dân các xã Nam Giang, Nam Hùng, Nam Hồng, Nam Dương, Nam Hoa… quanh khu vực “đường Vàng” cũng đang khẩn trương bơm tiêu rút nước, xới lại luống khoai, rau màu. Bà Nguyễn Thị Khuyên, xóm 13, xã Nam Hùng cho biết, để kịp thời cứu diện tích khoai tây vừa mới xuống giống, ngoài việc tập trung bơm tiêu chống úng, bà đang tranh thủ xới xáo đất, vun lại rãnh, luống để giữ độ ẩm vừa đủ cho cây khoai tây phát triển. Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng), anh Đoàn Văn Hợi cũng cho biết, để hỗ trợ nông dân sau bão, HTX sẽ ứng trước 7-8 triệu đồng để mua giống kịp thời cung ứng cho bà con nông dân khôi phục cây trồng vụ đông.
Trước đó, để nhanh chóng rút nước tiêu úng, ngay từ sáng 29-10, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo các Cty TNHH một thành viên KTCTTL huy động các loại máy bơm to, máy bơm nhỏ nhanh chóng tập trung bơm tiêu, chống úng, đồng thời xây dựng phương án hỗ trợ nông dân trong sản xuất vụ đông, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các trang trại chăn nuôi đang tích cực phun phòng trừ dịch bệnh, vệ sinh môi trường tránh phát sinh dịch bệnh. Các địa phương vận động nông dân tranh thủ tận thu lúa mùa, trồng dặm cây vụ đông, mở rộng diện tích cây trồng vụ đông để bù đắp một phần thiệt hại do bão gây ra, đồng thời tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phương pháp phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, khử trùng tiêu độc, chú ý nguồn nước ở những nơi bị thiệt hại nặng. Ngành Điện lực cũng nhanh chóng khắc phục hậu quả thiệt hại sau bão, trong đó ưu tiên cho các bệnh viện, trường học, nhà máy nước, trạm bơm, các cơ quan của Đảng, chính quyền và các khu, cụm công nghiệp và làng nghề. Đối với các tuyến đường dây bị thiệt hại nặng ở các huyện phía nam tỉnh, nhất là các đường điện nông thôn sẽ nhanh chóng khắc phục xử lý sớm để đóng điện ngay trong một vài ngày tới. Từ 19 giờ ngày 29-10, Đài PT-TH tỉnh đã nhanh chóng phối hợp với Viễn thông Nam Định để phát sóng trên sóng của Cty Truyền hình cáp Nam Định. Các Cty viễn thông đã tập trung sửa chữa, dựng lại cột BTS. Trong đó, mạng di động Viettel đã cơ bản hoạt động trở lại ở 5 huyện: Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Ngày 31-10, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo, điều động hơn 50 cán bộ, chiến sỹ xuống xã Giao An (Giao Thủy) giúp dân tận thu lúa mùa. Cán bộ, chiến sỹ các đồn biên phòng địa phận các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng giúp dân dọn dẹp, sửa chữa những ngôi nhà bị sập, tốc mái trên địa bàn khu vực đồn đứng chân. Ở các vùng nuôi trồng thủy sản, nông dân tranh thủ “gạn nước”, dọn dẹp vệ sinh trong ao đầm, đắp lại bờ bao./.
Bài và ảnh: Thanh Tuấn