Thôn Phù Sa Thượng, xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng) hiện có khoảng 500 hộ, với 2.000 khẩu. Ngoài làm nông nghiệp, nghề làm nón lá thu hút hơn 50% số hộ trong thôn tham gia, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
Người làm nghề nón lá ở thôn Phù Sa Thượng mua nguyên liệu ở chợ Đào Khê xã Nghĩa Châu về làm. Nguyên liệu gồm tre, nứa, lá, mo, cước và len. Người làm nghề muốn có sản phẩm đẹp thì khâu chọn nguyên liệu phải kỹ, phải chọn lá non, trắng. Vành nón được làm từ nứa ít mấu, có độ cứng cao, vót nhỏ, nhẵn uốn sao cho tròn, đẹp. Nón lá có từ 14-16 cỡ vành khác nhau, nhỏ nhất là vành chóp nón, to và dài nhất là vành cái ở lớp ngoài cùng. Khi chọn nguyên liệu xong, công đoạn đầu tiên là rẽ lá cho to ra, sau đó là đánh bóng, duỗi thẳng lá. Người làm nghề quen tay quen việc nên việc điều chỉnh ngọn lửa ở nhiệt độ vừa phải, đảm bảo lá khi miết không bị sống, nhăn hay quá chín. Muốn sản phẩm nón đẹp thì công đoạn khâu phải rất cầu kỳ, mũi kim phải đều, khít. Khi sản phẩm hoàn thành, người thợ quây nón ra xung quanh rồi hơ qua hơi diêm sinh làm cho màu nón trở nên trắng muốt và không bị mốc.
Sản phẩm nón lá của thôn Phù Sa Thượng, tại chợ Mỹ Tho (TP Nam Định). |
Nón bán chạy nhất vào mùa hè, còn mùa mưa thì bán chậm hơn nhưng người dân ở đây làm quanh năm không khi nào hết việc, cứ rời tay cày tay cuốc là họ lại ngồi quây quần bên nhau vừa trò chuyện, vừa chằm nón. Hàng đẹp đa phần được các chị, các bác trung tuổi lành nghề, tinh mắt chọn làm vì bán chạy và công cao hơn, mỗi chiếc bán ra khoảng 25 nghìn đồng, trừ chi phí cho thu nhập từ 10-15 nghìn đồng/chiếc. Mỗi ngày một người thợ có thể làm được 3-5 chiếc nón, thu nhập bình quân 30-50 nghìn đồng. Thôn Phù Sa Thượng có lợi thế về đường giao thông, thuận lợi cho việc giao dịch buôn bán nón lá với chợ Đào Khê. Ở chợ Đào Khê có gần 100 hộ chuyên thu mua và cung ứng nguyên liệu làm nón. Nhiều hộ trong thôn được thương lái đến đặt hàng và thu mua tại chỗ, số hộ còn lại mang bán ở chợ Đào Khê. Hàng nón đẹp thường được thương lái thu mua mang đi bán ở nhiều tỉnh, thành trong nước và xuất khẩu sang các nước Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan… Nhiều gia đình chỉ làm nón mà đã nuôi con học đại học. Chị Đặng Thị Huyền, đội 16 đã gắn bó với nghề hơn 30 năm, cho biết: “Tôi tự hào với nghề truyền thống của làng và mong rằng, làng nghề được quan tâm nhiều hơn để cuộc sống những người làm nón như chúng tôi bớt khó khăn”. Những hộ làm nón nổi tiếng đẹp trong thôn là các bà: Nguyễn Thị Nhật, Nguyễn Thị Tươi (đội 16); Đoàn Thị Đôi (đội 15)…
Hiện nay, nhiều mốt thời trang hiện đại xuất hiện; có cả trăm loại nón, mũ khác nhau, đa dạng về màu sắc, kiểu dáng nhưng hình ảnh chiếc nón lá thôn Phù Sa Thượng vẫn gần gũi với mọi người, đặc biệt là với các thiếu nữ nông thôn. Căn cứ vào tiêu chí của Bộ NN và PTNT, vừa qua Hội đồng xét duyệt nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống của tỉnh xét duyệt và đề nghị UBND tỉnh ra quyết định và cấp giấy công nhận làng nghề nón lá thôn Phù Sa Thượng. Đây sẽ là động lực để nhân dân thôn Phù Sa Thượng tiếp tục xây dựng, phát triển nghề truyền thống của địa phương./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh