Nét mới trong sản xuất vụ đông 2012

06:12, 01/12/2012

Vụ đông năm nay, các địa phương trong tỉnh triển khai trong điều kiện có nhiều khó khăn. Thời vụ chậm 5-7 ngày so với trung bình nhiều năm do ảnh hưởng của khí hậu; diện tích cấy lúa mùa sớm không nhiều (chưa đến 10%) nên khó phát triển trồng cây vụ đông với diện tích lớn. Ngoài huyện Hải Hậu đã thực hiện xong việc dồn điền đổi thửa (DĐĐT), còn lại 9 huyện, thành phố đang tập trung cao độ để cơ bản DĐĐT xong trong năm 2012 nên việc chỉ đạo, mở rộng diện tích sản xuất vụ đông ở một số địa phương còn hạn chế. Đặc biệt, cơn bão số 8 cuối tháng 10-2012 đã gây thiệt hại nặng diện tích 12.794ha cây vụ đông đã trồng của toàn tỉnh. Trong khi đó các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao như đậu tương, dưa chuột, bí xanh, ngô, cà chua… đều đã hết thời vụ gieo trồng.

Nông dân xã Liên Minh (Vụ Bản) chăm sóc cây khoai tây vụ đông.
Nông dân xã Liên Minh (Vụ Bản) chăm sóc cây khoai tây vụ đông.

Ngay sau bão, các địa phương đã ra đồng kiểm tra và khôi phục phát triển cây trồng vụ đông. Nông dân xã Hải Tân (Hải Hậu) đã cắt bỏ phần thân cây cà chua, bí xanh bị bão vò nát, chỉ để lại một đoạn gốc tiếp tục chăm sóc, vun xới cùng với tháo kiệt nước. Nhờ đó, chỉ sau 2-3 ngày, từ gốc đã nảy mầm non tái sinh. Cùng với dùng các chế phẩm vi sinh bón qua lá nên nhiều hộ đã khôi phục lại phần lớn diện tích cây vụ đông như gia đình các anh: Trịnh Văn Giang, đội sản xuất số 6 khôi phục được 7 sào cà chua; Vũ Văn Hảo, đội sản xuất số 7 khôi phục được 7 sào, chỉ thiệt hại 3 sào…; anh Trần Văn Mạnh, đội sản xuất số 7, xã Hải Trung (Hải Hậu) mặc cho mưa to, gió lớn, vừa tôn cao bờ, vừa dùng máy bơm dầu bơm tát giữ được 1 sào khoai tây không bị úng ngập. Các hộ của xã Hải Trung, Hải Bắc, Hải Long (Hải Hậu), Yên Nhân, Yên Đồng (Ý Yên)… đã mò dưới nước lấy những củ khoai tây giống mới trồng, mang về trồng tạm vào cát trong nhà, sau khi nước rút mới đưa ra trồng lại… Với cách làm sáng tạo này, toàn tỉnh đã cứu được 5.693ha cây vụ đông, bằng 44,5% tổng diện tích cây vụ đông đã trồng trước bão. Trong đó có 729ha ngô, 912ha khoai tây, 192ha đậu tương, 135ha bí xanh, 66ha cà chua, 3.663ha các loại rau khác. Các huyện khắc phục được nhiều diện tích cây vụ đông bị ảnh hưởng bởi bão số 8 là Ý Yên 1.944ha, Hải Hậu 1.050ha, Nam Trực 720ha, Vụ Bản 550ha… Cùng với chống úng, khôi phục lại những diện tích có thể giữ lại được, các địa phương động viên nông dân trồng tiếp các loại cây trồng còn thời vụ để bù một phần tổn thất do bão gây ra. Đến ngày 20-11-2012 toàn tỉnh đã trồng thêm được 4.920ha cây vụ đông; trong đó có 964ha khoai tây, 3.956ha rau màu các loại. Các huyện trồng thêm nhiều diện tích cây vụ đông là: Ý Yên 1.050ha, Vụ Bản 850ha, Hải Hậu 800ha, Nam Trực 550ha, Giao Thủy 498ha, Xuân Trường 400ha… Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục động viên các hộ trồng thêm các loại rau ăn củ, rau ăn lá và khoai tây giống, đồng thời luân canh tiếp các loại rau ngắn ngày khi lứa 1, 2 đã thu hoạch như cải củ, cải xanh, cải ngọt, cải cúc, rau thơm, xà lách…

Mặc dù chưa đạt được kế hoạch diện tích đã đề ra, nhưng nét mới trong sản xuất vụ đông năm 2012 là nhiều địa phương đã xây dựng cánh đồng mẫu lớn trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa. Những cánh đồng đậu tương đông rộng 30-50ha của các xã: Xuân Kiên, Xuân Trung, Xuân Ninh (Xuân Trường); Nghĩa Minh, Nghĩa Sơn, Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng)… đã mở ra triển vọng có thể phủ kín những diện tích vụ đông bằng cây đậu tương vừa cải tạo đất, vừa tăng thu nhập cho nông dân. Muốn có cánh đồng đậu tương đông, trước hết phải có nhiều diện tích gieo cấy trà lúa mùa sớm để thu hoạch trong tháng 9. Thực tế hàng chục năm nay cho thấy, trà mùa sớm luôn cho năng suất cao nhất. Đặc biệt sau nhiều năm thí điểm trồng khoai tây đông với phương thức làm đất tối thiểu cho hiệu quả cao, an toàn và trồng được trên bất kỳ loại đất nào kể cả đất thịt nặng đã được UBND tỉnh khuyến khích mở rộng. UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ 15 triệu đồng cho mỗi huyện tham gia xây dựng 0,36ha trồng khoai tây giống Đức, Hà Lan với phương pháp làm đất tối thiểu phủ rơm rạ. Đến nay, cả 9 huyện đều có diện tích trồng khoai tây đông theo phương pháp làm đất tối thiểu phủ rơm rạ, huyện thấp nhất có 0,36ha, nhiều huyện với diện tích 1-5ha. Đặc biệt huyện Hải Hậu, ngoài 0,36ha xây dựng mô hình của tỉnh còn hỗ trợ toàn bộ giống và một phần vật tư khác cho mỗi xã, thị trấn trồng 3-7 sào khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu phủ rơm rạ. Đến nay toàn huyện đã trồng trên 10ha khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu. Hiện tại, các mô hình trồng khoai tây theo phương pháp này sinh trưởng, phát triển tốt, nhiều diện tích tốt hơn hẳn trồng trên đất màu. Thực tế 2 năm 2010-2011, các mô hình trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu phủ rơm rạ ở tỉnh ta cho năng suất cao hơn 100-160kg/sào so với  cách trồng truyền thống, hiệu quả cao hơn từ 680 nghìn đến 1,3 triệu đồng/sào (19-37 triệu đồng/ha) so với cách trồng truyền thống. Với cách làm mới trồng khoai tây đông theo phương pháp làm đất tối thiểu kể cả chân đất thịt nặng vẫn đạt hiệu quả kinh tế cao thực sự là một lợi thế để mở rộng diện tích trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa. Đây là hướng đi mới để tỉnh ta phấn đấu trồng 20-30% tổng diện tích canh tác trong vụ đông và tiến tới thâm canh cả 3 vụ trong năm đạt hiệu quả kinh tế cao, bền vững./.

Bài và ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com