Nâng cao hiệu quả hoạt động chợ nông thôn

07:11, 30/11/2012

Thời gian qua, sự mở rộng khá nhanh của mạng lưới chợ như một bộ phận của hạ tầng thương mại góp phần quan trọng phát triển thị trường trong nước. Nghị định số 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP đã tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho mạng lưới chợ ngày càng phát triển với quy mô rộng khắp cả nước.

Theo Bộ Công thương, trong giai đoạn 2008-2011, cả nước đã xây mới 804 chợ, cải tạo và nâng cấp 1.747 chợ, nâng tổng số chợ cả nước vào thời điểm tháng 12-2011 lên khoảng 8.645 chợ. Trong đó chợ hạng I có 228, chợ hạng II có 951, chợ hạng III có 7.466, riêng chợ nông thôn chiếm khoảng 78% tổng số chợ cả nước.

Bộ Công thương đánh giá, số chợ hoạt động hiệu quả chiếm khoảng 97%, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như phục vụ sản xuất và đời sống của người dân, nhất là ở địa bàn nông thôn, miền núi. Qua tổng hợp từ các Sở Công thương, tổng số nguồn vốn đầu tư xây dựng, cải tạo chợ trong giai đoạn 2003-2007 là 6.270,8 tỷ đồng (trung bình mỗi năm là 1.237,48 tỷ đồng), giai đoạn 2010 và 2011 là 5.026,76 tỷ đồng (trung bình mỗi năm là 2.513,38 tỷ đồng).

Trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư chợ giai đoạn 2003-2007, ngân sách TW chiếm tỷ lệ 10,3%; ngân sách địa phương 30,4%; vốn huy động từ doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh và dân 51%; nguồn vốn khác (chủ yếu là vốn vay) 8,3%. Giai đoạn 2010 và 2011, ngân sách TW chiếm 3,09%; ngân sách địa phương 23,41%; vốn huy động từ DN, hộ kinh doanh và dân 68,43%; nguồn vốn khác 5,07%. Tỷ lệ vốn đầu tư từ ngân sách TW giai đoạn 2010-2011 giảm so thời kỳ 2003-2007 và tỷ lệ vốn huy động từ DN, hộ kinh doanh và người dân giai đoạn sau tăng so giai đoạn trước. Với chủ trương xã hội hóa xây dựng, cải tạo, nâng cấp các chợ ở địa phương, nhiều chợ đã huy động được nguồn lực của các chủ thể sản xuất, kinh doanh và của dân trên địa bàn để phát triển. Ngoài ngân sách Nhà nước hỗ trợ hằng năm, một số tỉnh thông qua cơ chế, chính sách đặc thù, đã khuyến khích, tạo điều kiện để DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh bỏ vốn đầu tư xây dựng, khai thác và quản lý chợ. Nhờ vậy, đã góp phần tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng thương mại của địa phương.

Chợ Viềng, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc). Ảnh: Viết Dư
Chợ Viềng, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc). Ảnh: Viết Dư

Tuy nhiên, quá trình đầu tư phát triển chợ còn nhiều hạn chế. Đó là chất lượng của một số quy hoạch chợ chưa tốt, khi xác định địa điểm xây dựng chưa khảo sát kỹ quy mô thị trường, tập quán tiêu dùng, thói quen mua bán của dân cư trên địa bàn. Số lượng chợ tăng nhanh nhưng phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở thành phố, thị xã, thị trấn; khu vực nông thôn, miền núi mạng lưới chợ rất thưa thớt. Hệ thống chợ chủ yếu bán lẻ, phần lớn chợ có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất - kỹ thuật còn sơ sài, lạc hậu. Chợ đầu mối, chợ tổng hợp quy mô lớn có chức năng bán buôn, thu gom và phát luồng hàng hóa còn ít.

Nguồn vốn đầu tư phát triển chợ hạn chế do sự eo hẹp ngân sách của Nhà nước, do khó khăn huy động các nguồn khác. Thực tế hiện nay các DN chủ yếu đầu tư phát triển chợ tại các thành phố, thị xã lớn, vào các vị trí đắc địa có khả năng sinh lời. Một số DN bỏ vốn đầu tư xây dựng và quản lý, kinh doanh, khai thác chợ tại nội thành của một số thành phố, thị xã lớn (ở những vị trí thuận lợi trên nền chợ cũ) nhưng hoạt động không hiệu quả. Còn tại vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, kinh tế - xã hội chậm phát triển, các DN chưa dám đầu tư xây dựng chợ, do khó có khả năng thu hồi vốn. Phương thức kinh doanh và các hình thức giao dịch tại chợ truyền thống lạc hậu, các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và dịch vụ cho khách mua hàng chưa được quan tâm đúng mức. Điều đó đặt ra nhiều thách thức cho phát triển mạng lưới chợ trong giai đoạn tới, nhất là khi nhiều loại hình thương mại hiện đại đang xuất hiện và mở rộng nhanh chóng. Đội ngũ thương nhân hoạt động thường xuyên ở chợ còn nhỏ bé và hạn chế về nhiều mặt, đòi hỏi phải nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh để qua đó phát huy được vai trò tích cực của mạng lưới chợ đến sản xuất và đời sống nhân dân trên địa bàn.

Nhằm phát triển hạ tầng thương mại tại các trung tâm sản xuất và tiêu thụ hàng hóa lớn tại các cảng cửa ngõ, các khu kinh tế cửa khẩu, phát triển các chợ đầu mối nông sản, các trung tâm phân phối lớn, trung tâm bán buôn... theo tinh thần Nghị quyết TW 4 (khóa XI) về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa vào năm 2020, thời gian tới đầu tư phát triển chợ nông thôn cần tuân thủ một số định hướng cơ bản. Đó là, tập trung cải tạo, di dời và xây mới để bảo đảm có đủ chợ dân sinh có quy mô thuộc chợ hạng III ở các xã, cụm xã. Tại các địa bàn miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và vùng kinh tế chậm phát triển gắn hoạt động trao đổi hàng hóa qua chợ với hoạt động văn hóa - xã hội và du lịch. Cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới các chợ thị trấn, thị tứ, chợ cửa khẩu thành các chợ lớn hơn, có quy mô chợ hạng II, trở thành chợ trung tâm của huyện hoặc của một tiểu vùng gồm nhiều xã trong huyện, làm hạt nhân phát triển mạng lưới các chợ dân sinh vệ tinh. Hình thành và phát triển mạng lưới các chợ đầu mối tổng hợp hoặc chợ chuyên doanh phát luồng bán buôn lớn tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ổn định và đủ lớn, có vị trí và điều kiện giao thông thuận tiện, gần các trung tâm tiêu thụ, đầu mối xuất khẩu. Tích cực chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ Ban quản lý, tổ quản lý chợ sang mô hình HTX hoặc DN, tạo điều kiện để chợ nông thôn phát triển, Nhà nước không phải chi ngân sách để duy trì bộ máy quản lý chợ mà vẫn bảo đảm tăng thu cho ngân sách. Cần tăng nguồn vốn của ngân sách TW trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, trong đó chú trọng phân bổ nguồn vốn cho việc đầu tư xây dựng chợ tại địa bàn nông thôn. Ngoài các chính sách thu hút vốn đầu tư của TW, các địa phương cần có những chính sách, đặc thù nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư, với sự đa dạng các hình thức tạo vốn, nhất là nguồn vốn của các DN thuộc các thành phần kinh tế.

Từng địa phương xây dựng kế hoạch ngân sách dành cho phát triển chợ, trước hết là mạng lưới chợ trên địa bàn, ngân sách địa phương dành tỷ lệ thỏa đáng cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, xây dựng hạ tầng giao thông, điện nước... chủ yếu đối với các chợ trung tâm thị xã, thị trấn, chợ ở các cụm xã, vùng sâu, vùng xa, chợ chuyên doanh ngành nông sản, thực phẩm, thủy sản. Các huyện chủ động tạo nguồn thu để xây dựng, nâng cấp, mở rộng hệ thống chợ trên địa bàn theo quy hoạch và kế hoạch được duyệt. Nguồn thu từ chợ (ngoài thuế) cần được quản lý thống nhất, sau khi chi trả các khoản chi phí quản lý, phần còn lại đầu tư nâng cấp, mở rộng hoặc xây chợ mới.

Riêng với các tỉnh miền núi, cần đặc biệt chú trọng những giải pháp tạo nguồn và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư phát triển chợ vùng sâu, vùng xa, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư thuộc các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có Chương trình 135./.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com