Thực hiện quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) là mục tiêu mà ngành nông nghiệp đang hướng đến nhằm cung ứng sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn cho người sản xuất và an toàn cho môi trường sống. Những năm qua, Sở NN và PTNT đã có quy hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng thực hành tốt; đồng thời cử cán bộ hướng dẫn nông dân về quy trình kỹ thuật và hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng mô hình, đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm một số máy móc thiết yếu xác định chỉ tiêu chất lượng phục vụ xây dựng mô hình. Các địa phương và nhiều nông dân đã tham gia triển khai thực hiện mô hình. Tuy nhiên, quá trình thực hiện mô hình này đã bộc lộ nhiều hạn chế khiến nông dân không mặn mà và dần quay trở lại với cách thức sản xuất truyền thống.
Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn chăn nuôi theo mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt tại trang trại chăn nuôi gà của hộ ông Triệu Tuấn Sơn, xã Hiển Khánh (Vụ Bản). |
Mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP đầu tiên được áp dụng tại tỉnh ta từ năm 2010 với 5ha rau màu vụ đông tại HTX Hồng Phong, xã Giao Phong (Giao Thủy). Đến nay, mô hình này đã mở rộng sang cả chăn nuôi và nuôi thủy hải sản. Mô hình chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP thí điểm ở trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Việt Hùng, thôn Phương Xá, xã Yên Lợi (Ý Yên) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi ngoài tiết kiệm chi phí công lao động, thuốc thú y, không gây ô nhiễm môi trường, đàn lợn của gia đình ông tăng trưởng nhanh, không bị dịch bệnh, chất lượng sản phẩm thịt lợn hơi xuất chuồng có tỷ lệ nạc cao, màu thịt tươi ngon, có xác nhận kiểm dịch nên được thương lái và các cơ sở giết mổ ưa chuộng. Bình quân mỗi năm, trang trại của ông xuất bán ra thị trường từ 30-40 tấn lợn hơi và hàng trăm con lợn giống cho các hộ dân, mang lại nguồn thu khoảng 300 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Hùng gặp không ít khó khăn mặc dù đã được tập huấn và có sự hướng dẫn các quy trình kỹ thuật của cán bộ khuyến nông cơ sở… Ông cho biết, trong bộ tiêu chí thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, trang trại đã đạt hơn 50% với các chỉ tiêu cơ bản như: chuồng trại cách ly với môi trường bên ngoài, cao ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm vào mùa đông, có hệ thống thoát nước thải qua hệ thống hầm biogas; nguồn nước, thức ăn, nước thải đều được qua xử lý và kiểm định chất lượng; không dùng thuốc tăng trọng và tiêm vắc-xin phòng bệnh theo đúng chu kỳ... Điều khó khăn trong quá trình nuôi là phải thực hiện ghi chép nhật ký những việc đã thực hiện trong quá trình chăn nuôi lợn để phục vụ việc kiểm soát nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để đầu tư chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP do thiếu vốn, quỹ đất và đầu ra cho sản phẩm... Mặt khác, ngay cả khi sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đạt các tiêu chuẩn VietGAP nhưng giá sản phẩm vẫn bị đánh đồng với những sản phẩm không thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP.
Nếu trong chăn nuôi, người dân vẫn còn chút “mặn mà” với việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP thì đối với trồng trọt người nông dân khá thờ ơ do có nhiều khó khăn hơn bởi đặc thù sản phẩm rau củ thu hoạch theo mùa vụ, thời gian bảo quản và tiêu thụ ngắn. Bên cạnh đó, nông dân thường có tâm lý ngại đầu tư và không tuân thủ các quy trình khắt khe về phân tích mẫu đất, mẫu nước, chọn địa điểm canh tác xa khu dân cư, xa nguồn nước thải và xa các khu, CCN; thủ tục chứng nhận kiểm định dư lượng thuốc BVTV tồn dư trên sản phẩm trước khi đưa ra thị trường… khá rườm rà. Hơn nữa, giá bán các loại rau, củ, quả ra thị trường không cao hơn so với phương pháp trồng truyền thống và chưa được người tiêu dùng tin tưởng… Vì vậy, mô hình trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP khó mở rộng.
Thực tế hiện nay, người tiêu dùng vẫn mong được sử dụng những sản phẩm an toàn, sẵn sàng trả giá cao hơn để mua được sản phẩm an toàn, nhất là rau, quả, thịt, trứng, sữa… nhưng việc nhân rộng mô hình VietGAP vẫn còn gặp khó khăn. Đây là một nghịch lý cần tháo gỡ để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững. Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh việc chỉ đạo các địa phương quy hoạch sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng sản xuất tập trung và hoàn thiện cơ sở hạ tầng như: giao thông, thủy lợi, trạm bơm, hệ thống điện phù hợp với tiêu chuẩn VietGAP của từng vùng và từng đối tượng cây trồng, vật nuôi, Sở NN và PTNT cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí tập huấn, thuê tư vấn lập dự án; phân tích mẫu đất, nước, chất lượng rau quả để được cấp chứng nhận vùng đất đủ điều kiện sản xuất và công bố sản phẩm an toàn phù hợp tiêu chuẩn VietGAP. Chủ động đăng ký thương hiệu, mẫu mã, bao bì và xúc tiến thương mại cho sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP, tạo lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm sản xuất đại trà. Các cơ quan quản lý cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, chỉ rõ cho người tiêu dùng những địa chỉ sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn, có nguồn gốc để người tiêu dùng biết và lựa chọn. Bên cạnh đó, các hộ nông dân cần kiên trì, nhất quán trong việc thực hiện mô hình VietGAP và liên kết giữa các hộ dân, các HTX để có sản phẩm quy mô đủ lớn, đa dạng về chủng loại, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đồng thời đăng ký với cơ quan Nhà nước và công bố với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chủ động tìm kiếm thị trường bằng cách trực tiếp đưa sản phẩm tới khách hàng hoặc hợp đồng liên kết với hệ thống bán lẻ, các đơn vị tiêu dùng với số lượng lớn như bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn hoặc các nhà máy chế biến, xuất khẩu./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương