Hướng đi nào cho các HTX sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ?

07:11, 27/11/2012

Trong tổng số 44 HTX hoạt động trong lĩnh vực CN-TTCN của tỉnh với các ngành nghề chủ yếu là dệt, may, sản xuất đồ mộc, chế biến nông lâm sản, đan bẹ chuối, bèo tây khô, cói, mây tre…, hiện có 15 HTX đã ngừng hoạt động. Đặc điểm chung của các HTX sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) ở tỉnh ta hiện nay là quy mô hoạt động nhỏ; số lượng xã viên ít (nhiều HTX chỉ có 15-25 xã viên); công nghệ sản xuất lạc hậu; khả năng tiếp cận thị trường yếu, sức cạnh tranh kém; sự liên kết giữa các HTX với doanh nghiệp thiếu bền vững.

Đồng chí Dương Văn Sỹ, Chủ nhiệm HTX mộc Đồng Tâm, thôn La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) cho biết, việc phát triển HTX trong giai đoạn này gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù HTX có chức năng đào tạo nghề nhưng do bị bó hẹp trong khâu tuyển sinh nên từ năm 2005 đến nay, HTX mới chỉ liên kết đào tạo được 3 lớp dạy nghề mộc mỹ nghệ với gần 90 học viên. Đối tượng tuyển sinh là những học sinh đã tốt nghiệp THCS trở lên, chủ yếu tập trung ở 2 huyện Ý Yên và Vụ Bản. Thuận lợi của HTX là học viên học xong có thể làm việc tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tại làng nghề. Cái khó của HTX là thiết bị dạy và học đều quá cũ, lạc hậu, nguyên liệu thực hành hạn chế do không có vốn đầu tư. Tháng 10-2012, HTX đã được Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - Mỹ thuật (Liên minh HTX Việt Nam) hỗ trợ đầu tư một dàn máy bào, đục, tiện, làm mộng… trị giá gần 1 tỷ đồng để phục vụ công tác đào tạo. Đối với HTX sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên), những năm 1990 trở về trước, “thương hiệu” HTX là niềm tự hào của nhân dân làng nghề sơn mài với hàng nghìn lao động. Sản phẩm của HTX có mặt ở các nước châu Âu, Mỹ và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho xã viên.

Sản xuất sản phẩm ốc mỹ nghệ ở cơ sở gia đình ông Phan Văn Thuận, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).
Sản xuất sản phẩm ốc mỹ nghệ ở cơ sở gia đình ông Phan Văn Thuận, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).

Bước vào cơ chế thị trường, hoạt động của HTX ngày càng đi vào bế tắc do không tìm được đầu ra cho sản phẩm... Còn HTX chiếu cói Xuân Trung, xã Xuân Trung (Xuân Trường) thành lập từ những năm 1960 và một thời là điển hình trong sản xuất hàng TCMN, nhưng khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX cũng không thể tiếp tục hoạt động do sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Đến nay, HTX đã không còn hoạt động nhưng vẫn còn tên do không thể chuyển đổi, không thể phá sản. Một số HTX sản xuất hàng TCMN khác cũng nằm trong tình trạng tương tự. Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, giá các loại nguyên liệu tăng, mẫu mã, kiểu dáng các mặt hàng TCMN lại đơn điệu... đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng TCMN trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, sản phẩm chưa có thương hiệu, nhãn mác các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm hầu như không có dẫn đến sức cạnh tranh kém. Mặt khác, để vay vốn đầu tư phát triển sản xuất thì HTX phải có tài sản thế chấp, trong khi trụ sở, đất đai của HTX là của Nhà nước, một phần là tài sản chung của xã viên đóng góp khi tham gia HTX. Các nguồn vốn góp, vốn của các chương trình... thì hạn hẹp, thậm chí không có nên hoạt động của HTX ngày càng khó khăn. Từ năm 2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 7-7-2006 về khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn nhưng đến nay các HTX sản xuất hàng TCMN vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Theo kiến nghị của nhiều địa phương, HTX, hiện đang có sự chồng chéo về quản lý ngành nghề nông thôn giữa các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Một số nội dung quy định tại Nghị định 66 như quản lý chất lượng sản phẩm, đào tạo nhân lực làng nghề chưa có hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành có liên quan. Chưa có chính sách phát huy sự tham gia, liên kết giữa cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn với các nhà đầu tư và thị trường. Theo quy định, công tác quản lý Nhà nước về môi trường làng nghề là Phòng TN và MT huyện, nhưng lực lượng lại quá mỏng cho nên vấn đề quản lý môi trường làng nghề chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, các chính sách về vốn tín dụng cho phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề theo quy định trong Nghị định 66 và các chính sách có liên quan còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho các HTX, doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Để các HTX sản xuất hàng TCMN phát triển, ngoài sự cố gắng của các Ban quản trị HTX trong việc thay đổi mẫu mã sản phẩm, tiếp cận và nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường…, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ vốn, tín dụng và thuế… đối với các HTX truyền thống để HTX yên tâm phát triển sản xuất. Cần có giải thưởng hằng năm về tạo mẫu sản phẩm mới do Nhà nước tổ chức, nhằm khuyến khích các nghệ nhân cũng như tìm kiếm thợ giỏi để tôn vinh và tạo cơ hội cho hàng TCMN có thể xuất khẩu sang thị trường quốc tế. Các chính sách tín dụng cho ngành nghề nông thôn cũng phải được xây dựng trên cơ sở phù hợp với thực tế của các HTX nói chung và HTX sản xuất hàng TCMN nói riêng. Các HTX phải chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xác lập hồ sơ đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, nhãn mác hàng hoá, xây dựng tiêu chí chung, tiến tới đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền để xây dựng thành công thương hiệu cho các sản phẩm hàng TCMN./.

Bài và ảnh: Thanh Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com