Hướng dẫn phòng, chống dịch lở mồm long móng gia súc

08:11, 23/11/2012

1. Phòng bệnh:

a. Về chuồng trại:

Chuồng trại phải được xây cao ráo, chắc chắn, tránh nắng, tránh gió lùa, đảm bảo ấm về mùa đông và thoáng mát về mùa hè. Nền chuồng, tường chuồng phải phẳng để dễ quét dọn, cọ rửa, không đọng nước, trước cửa chuồng có hố sát trùng. Có khu vực riêng để nuôi nhốt cách ly động vật mới mua về hoặc con vật ốm để theo dõi, điều trị.

b. Về con giống:

Con giống nhập vào nuôi phải khoẻ mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, xuất phát từ vùng an toàn dịch, được cơ quan thú y cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.

c. Về chăm sóc, nuôi dưỡng:

Cho vật nuôi ăn, uống đầy đủ, đúng khẩu phần đảm bảo chất lượng. Thường xuyên bổ sung vitamin, điện giải, men tiêu hoá để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi.

d. Về vệ sinh, tiêu độc, khử trùng:

Hằng ngày phải quét dọn chuồng nuôi, thu gom phân, rác để ủ, đốt hoặc chôn. Định kỳ tiêu độc khử trùng chuồng trại, nơi chăn thả, dụng cụ chăn nuôi bằng vôi bột và các loại hoá chất sát trùng như Benkocid, Haniodine, Virkon,... Khi không có dịch thực hiện 1 lần/tuần, khi có dịch 2 lần/tuần. Sau mỗi đợt nuôi phải tiến hành tổng vệ sinh chuồng trại, rửa nền chuồng bằng nước sạch, để khô, sau đó phun thuốc sát trùng toàn bộ tường, trần, nền chuồng. Dùng nước vôi 10% quét nền và tường chuồng. Để trống chuồng ít nhất 2 tuần trước khi nhập nuôi lứa mới.

e. Tiêm phòng:

Chỉ sử dụng vắc xin LMLM Aftopor type O, đối với gia súc lần đầu mới tiêm thì sau khi tiêm mũi 1 được 21 ngày phải tiêm nhắc lại mũi 2, sau đó cứ 6 tháng tiêm 1 lần. Trâu, bò, lợn tiêm 2 ml/con; dê, cừu tiêm 1 ml/con. Chỉ sử dụng vắc xin còn hạn sử dụng, không biến màu và được Chi cục Thú y tỉnh dán tem. Tiêm đúng liều lượng, đúng đối tượng, đúng đường tiêm và chỉ tiêm phòng vắc xin cho những gia súc khoẻ mạnh.

Chuồng trại cần phải vệ sinh hàng ngày. Ảnh minh họa: Internet
Chuồng trại cần phải vệ sinh hàng ngày. Ảnh minh họa: Internet

2. Chống dịch:

Phải thường xuyên theo dõi quan sát đàn vật nuôi, khi thấy gia súc có hiện tượng ốm, sốt, bỏ ăn, chảy nước dãi, què chân, có mụn nước ở vùng miệng, vành móng chân hoặc chết bất thường phải tiến hành cách ly ngay những con ốm ra khu vực riêng. Thực hiện nuôi nhốt không được chăn thả, không bán chạy, không vứt xác súc vật chết ra môi trường, không giết mổ, không sử dụng sản phẩm gia súc ốm chết làm thực phẩm. Báo ngay cho thú y hoặc chính quyền địa phương để được hướng dẫn biện pháp xử lý thích hợp. Thực hiện tiêu hủy những con chết, những con ốm nặng không có khả năng hồi phục theo đúng quy trình kỹ thuật có sự giám sát của thú y, không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường. Lập chốt gác kiểm dịch để ngăn chặn việc vận chuyển gia súc ra khỏi vùng dịch, tạm dừng việc giết mổ, buôn bán sản phẩm gia súc trong thời gian có dịch. Thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc: đối với hộ có dịch phun hóa chất ngày 1 lần, xã có dịch 2 ngày 1 lần, thực hiện liên tục trong suốt thời gian có dịch. Tiêm phòng vắc xin bao vây ổ dịch, tiêm từ ngoài vào trong, người tiêm phòng phải thực hiện tốt an toàn sinh học không làm lây lan dịch. Bệnh lở mồm long móng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp chủ yếu là nâng cao sức đề kháng tự nhiên cho con vật bằng cách tăng cường công tác chăm sóc nuôi. Xử lý các vết loét bằng cách bôi các loại thuốc sát trùng như xanh Mê-ty-len, cồn iod hoặc nước chanh, khế, tiêm kháng sinh để chống bội nhiễm.

Theo quy định hiện nay, nếu gia súc bị bệnh lở mồm long móng bắt buộc phải tiêu hủy sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí khoảng 70% giá trị của gia súc thương phẩm tại thời điểm xảy ra dịch./.

Ngọc Ánh
(Theo Chi cục Thú y tỉnh)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com