Một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sức mạnh của doanh nghiệp là tài sản, bao gồm tài sản vật chất và tài sản trí tuệ. Cả hai loại tài sản này đều được Nhà nước ghi nhận và bảo hộ. Bởi vậy, trong điều kiện hoạt động cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường hiện nay, các doanh nghiệp phải chú ý đến việc bảo hộ các tài sản trí tuệ liên quan đến các sản phẩm của mình. Từ khi Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) có hiệu lực (tháng 7-2006) đến nay, công tác quản lý SHTT của tỉnh ta đã được thực hiện bằng nhiều biện pháp nhằm đưa Luật SHTT đi vào cuộc sống, nhất là đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể: từ năm 2006 đến nay, Sở KH và CN đã phối hợp với Cục SHTT (Bộ KH và CN) tổ chức nhiều lớp tập huấn, phổ biến thông tin cho các doanh nghiệp, đội ngũ quản lý của các cơ quan Nhà nước. Đến cuối năm 2009, toàn tỉnh đã có 1.129 đơn nhãn hiệu hàng hoá, 56 kiểu dáng công nghiệp, 16 sáng chế, 10 giải pháp hữu ích, 1 chỉ dẫn địa lý và 3 nhãn hiệu tập thể đăng ký bảo hộ. Tuy nhiên, trên thực tế triển khai công tác đào tạo, tập huấn về SHTT tại tỉnh ta còn nhiều tồn tại như: một số lớp tập huấn, hội thảo do các địa phương tổ chức với nội dung tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về SHTT vẫn còn dàn trải; đối tượng tham dự không được chọn lọc nên hiệu quả không cao. Số lượng, thời gian tập huấn hạn chế; số cán bộ, doanh nghiệp tham gia còn ít; quy mô tổ chức hẹp, chủ yếu doanh nghiệp ở thành phố; nội dung tuyên truyền chưa sâu rộng; chưa tổ chức đào tạo cho cán bộ chuyên trách của doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp KHCN. Chính vì vậy, để nâng cao năng lực và lợi thế của doanh nghiệp của tỉnh trong nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về SHTT cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh là hết sức cần thiết, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Gạo tám xoan Hải Hậu là sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền về chỉ dẫn địa lý trên toàn lãnh thổ Việt Nam. |
Để tạo điều kiện pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ trong thời kỳ đổi mới, ngày 4-4-2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp giai đoạn 2005-2010 (gọi tắt là Chương trình 68) nhằm tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam bước đầu xây dựng, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ một cách hữu hiệu. Tham gia cùng Chương trình 68, giai đoạn 2005-2010, tỉnh ta đã tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ xác lập, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp như: Thực hiện 3 dự án: Dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và làng nghề có sản phẩm hàng hóa truyền thống đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp”; Dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Hải Hậu cho sản phẩm gạo tám xoan”; Dự án “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT phát sóng trên Đài Truyền hình tỉnh Nam Định”; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm (trung bình 3 đơn vị/năm), hỗ trợ được 30 doanh nghiệp xác lập quyền SHTT… Tuy nhiên, so với các tỉnh, thành trong cả nước thì tốc độ phát triển của tỉnh ta vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được với tình hình SHTT đang diễn ra ngày càng cao hiện nay. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu chưa biết và chưa tìm đến các cơ quan quản lý SHTT để yêu cầu được hỗ trợ; hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước nhằm xúc tiến thương mại cho sản phẩm được bảo hộ SHTT còn hạn chế về số lượng và kinh phí, chưa đáp ứng được đông đảo nhu cầu của doanh nghiệp; việc tổ chức xây dựng nhãn hiệu tập thể tại địa phương vẫn cần có sự tư vấn và hỗ trợ chuyên môn của các cơ quan Trung ương; các doanh nghiệp của tỉnh chưa nhận được nhiều sự giúp đỡ từ các cơ quan Nhà nước để họ có thể có điều kiện đứng vững và phát triển; cơ chế và nhân sự cho hoạt động phát triển tài sản trí tuệ hạn chế; hoạt động hỗ trợ xác lập, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp chưa nhận được sự quan tâm từ phía doanh nghiệp. Để giải quyết những tồn tại này, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 760/QĐ-UBND, ngày 19-5-2011 phê duyệt Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015. Theo đó, Sở KH và CN đã tổ chức thực hiện dự án "Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2012-2013". Mục tiêu chung của dự án là nhằm hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại Nam Định giai đoạn 2012-2013. Tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức về SHTT cho cộng đồng trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại Nam Định phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2012-2013. Thay đổi nhận thức về SHTT cho đa dạng đối tượng trên địa bàn tỉnh, tạo lập và bảo vệ tài sản trí tuệ góp phần phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức tại địa phương.
Để đẩy mạnh hơn nữa công tác SHTT tại tỉnh ta, đồng thời thực hiện nội dung Chương trình 68 giai đoạn 2011-2015, Sở KH và CN sẽ tập trung tham mưu cho UBND tỉnh rà soát các loại đặc sản được sản xuất tại địa phương để hướng dẫn các cá nhân, tổ chức liên quan xúc tiến việc đăng ký tên gọi xuất xứ hàng hoá thuộc địa phương. Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực về SHTT nhằm nâng cao năng lực và khả năng giải quyết công việc chuyên môn. Đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao hiểu biết về SHTT trong các trường đại học, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và cho toàn xã hội. Tích cực phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật về SHTT, thường xuyên đưa tin về kết quả xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT, sản xuất, buôn bán hàng hoá giả mạo qua các kênh thông tin khác nhau. Xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan thực thi quyền trong quá trình xử lý các xâm phạm về quyền sở hữu công nghiệp. Tăng cường mối quan hệ với Cục SHTT để xây dựng cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu hàng hoá đã được bảo hộ trong nước; nhãn hiệu đăng ký quốc tế thuận tiện cho việc tra cứu giúp các cơ quan thực thi xử lý những vụ việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được thuận lợi và nhanh chóng. Nếu có thể nối mạng với Cục SHTT. Kiện toàn hoạt động sở hữu công nghiệp... Đẩy mạnh các hoạt động trao đổi và cung cấp thông tin SHTT, nâng cao hiệu suất và chất lượng cung cấp thông tin. Triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đến các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh./.
Khôi Nguyên