Xã Giao Hương (Giao Thủy) ở vùng sát biển nên đồng đất bị nhiễm chua mặn, cốt đất không đồng đều, không có nghề truyền thống nên đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình trên, những năm qua, Đảng uỷ, UBND xã đã tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống, cây trồng, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, nâng cao hệ số sử dụng đất nông nghiệp, phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm theo mô hình gia trại, trang trại tổng hợp... Ban Nông nghiệp xã phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn, giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời tích cực khảo nghiệm, thay thế các giống lúa kém chất lượng bằng những giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất như: Nhị ưu 838, Thiên ưu 1025, BC15 và các giống tám nếp đặc sản… Nhờ đó, nhiều năm liền năng suất lúa của xã thường đạt từ 125-130 tạ/ha, vụ xuân năm 2012, năng suất lúa bình quân của xã đạt gần 77 tạ/ha; giá trị canh tác đạt trên 80 triệu đồng/ha/năm. Với 78ha đất bãi ngoài đê sông Hồng, xã khuyến khích, tạo điều kiện cho 25 hộ phát triển nuôi thủy sản theo mô hình: nuôi tôm rảo, các loại cá truyền thống trong vụ xuân, vụ mùa trồng lúa (các loại tám nếp đặc sản) cho hiệu quả kinh tế cao. Một số hộ có diện tích lớn có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm như gia đình các ông: Lại Văn Quang (xóm 9); Lại Văn Sáng (xóm 10); Nguyễn Văn Bích, Nguyễn Văn Khuê (xóm 6)…
Gia trại chăn nuôi lợn của hộ ông Trần Văn Tuyến, xóm 13, xã Giao Hương (Giao Thuỷ). |
Để chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, xã thường xuyên tổ chức tiêm phòng; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi cho các chủ trang trại, gia trại... Đến nay, tổng đàn lợn của xã là trên 1.125 con, trong đó đàn lợn nái sinh sản có gần 200 con, đàn gia cầm 48,8 nghìn con. Toàn xã hiện có gần 50 hộ phát triển chăn nuôi gia trại quy mô bình quân từ 50-80 con lợn; 200-1.000 con vịt, ngan, 200 con ngỗng…, cho thu nhập 80-100 triệu đồng/năm như hộ các ông: Trần Văn Tuyến (xóm 13); Trần Văn Vọng (xóm 7); Đinh Văn Ngô (xóm 12); Mai Văn Viễn (xóm 6). Ông Trần Văn Tuyến đầu tư xây dựng gần 500m2 chuồng trại, chia thành 4 dãy nuôi lợn con, lợn nhỡ, lợn thịt và lợn nái sinh sản. Nhờ bảo đảm vệ sinh và được tiêm phòng, đàn lợn của ông sinh trưởng, phát triển tốt, an toàn dịch bệnh. Mỗi năm, trại chăn nuôi của ông xuất bán được 55-70 tấn thịt lợn hơi, sau khi trừ chi phí, thu nhập thực tế đạt trên 100 triệu đồng. Năm nay, do thị trường bất ổn nên gia trại của ông mới xuất bán gần 40 tấn thịt lợn hơi, doanh thu đạt gần 60 triệu đồng. Ngoài chăn nuôi gia súc, gia cầm, những năm gần đây, ở Giao Hương còn phát triển nuôi con nuôi đặc sản như ba ba với gần 20 hộ tham gia. Ông Nguyễn Xuân Thủy, xóm 13 cho biết: Từ năm 2005, ông tiến hành kè bê tông 2 sào ao nhà để nuôi rắn bùn. Năm 2011, sau khi đi tham quan mô hình ở một số địa phương, ông nhận thầu 7,5 sào ruộng trồng lúa kém hiệu quả, đầu tư kinh phí đào ao, kè bờ bằng các tấm phi-prô xi măng để nuôi ba ba. Hiện tại ao ba ba của ông có 2.000 con, trọng lượng 0,4-0,5 kg/con.
Để tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, xã khuyến khích các hộ dân phát triển các nghề phụ như: mộc dân dụng, đan móc sợi, trồng nấm, cơ khí…, đồng thời tạo điều kiện về thủ tục cho các hộ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ gần 20 tỷ đồng. Hiện nay, nghề sản xuất nấm thu hút 10 hộ trong xã tham gia, bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá, tận dụng được một phần nguồn rơm rạ sau thu hoạch. Cơ sở đan móc sợi của chị Đặng Thị Hoa, xóm 6 tạo việc làm cho gần 700 lao động trong đó có trên 400 lao động địa phương, bình quân thu nhập đạt từ 40-50 nghìn đồng/người/ngày.
Trong thời gian tới, xã Giao Hương tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển mô hình nuôi xen canh lúa + cá kết hợp khai thác các nguồn lợi tự nhiên trên bãi bồi ven sông Hồng. Khuyến khích, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp, cá nhân đưa nghề mới về xã, tạo việc làm cho nhiều lao động./.
Bài và ảnh: Thành Trung