Các doanh nghiệp chủ động liên kết nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh

07:11, 29/11/2012

Trong điều kiện khủng hoảng kinh tế, giá cả nguyên vật liệu liên tục biến động nhưng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì sản xuất và giữ mức tăng trưởng ổn định so với khu vực. Có được kết quả trên, là do các doanh nghiệp đã chủ động liên kết sản xuất kinh doanh, mỗi doanh nghiệp hợp đồng sản xuất từng khâu hoặc bộ phận sản phẩm giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, nhân công lao động, nguyên liệu và nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời huy động được vốn nhàn rỗi, tạo thêm việc làm cho lao động. Ở các làng nghề cơ khí Xuân Kiên, Xuân Tiến (Xuân Trường) các hộ làm nghề đều liên kết với các doanh nghiệp như: Cty TNHH Cơ khí Nhật Hoàng, Cty TNHH Thanh Bằng, Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc, doanh nghiệp tư nhân Tân Việt, Cty TNHH Cơ khí năng lượng… để sản xuất các chi tiết máy. Anh Trịnh Năng Lượng, Giám đốc Cty TNHH Cơ khí Năng Lượng cho biết: "Cty liên kết với Cty CP Thanh Bằng và doanh nghiệp tư nhân Tân Việt sản xuất các chi tiết máy, gồm khung, trục máy, hệ thống phay trục đứng của máy chế biến gỗ và máy trộn bê tông các loại giúp hạ giá thành sản phẩm xuống từ 5-10% mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm; thời gian hoàn thiện sản phẩm được rút ngắn nên Cty đáp ứng được các đơn đặt hàng, hợp đồng lớn với số lượng hàng trăm chiếc. Hiện, Cty tạo việc làm cho hơn 200 lao động với thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Hằng năm, Cty xuất bán hàng nghìn sản phẩm máy tuốt lúa, máy đập lúa, máy trộn bê tông, máy cưa vành đứng, máy bào cuốn các loại phục vụ ngành xây dựng và sản xuất nông nghiệp.

Gia công chi tiết máy chế biến gỗ tại Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc ở xã Xuân Kiên (Xuân Trường).
Gia công chi tiết máy chế biến gỗ tại Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc ở xã Xuân Kiên (Xuân Trường).

Hiện trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng sản xuất một loại sản phẩm cũng liên kết sản xuất hoặc đặt hàng gia công tại các hộ trong làng nghề, góp phần tạo thêm việc làm, đồng thời tận dụng được nguồn vốn nhàn rỗi và công nhân tại các hộ sản xuất, đảm bảo thời gian giao hàng. Cty Chế tạo điện cơ AXUZU là đơn vị chế tạo động cơ điện, máy phát điện nhận gia công cho nhiều đơn vị sản xuất trong và ngoài tỉnh. Các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh như: Cty CP Dệt may Sơn Nam, Cty Thúy Đạt cũng tăng cường liên kết với các làng nghề truyền thống như: Nam Hồng, Nam Thanh sản xuất gia công các sản phẩm dệt. Các Cty có nhiều chính sách hỗ trợ cho các hộ sản xuất như tăng giá sản phẩm, hỗ trợ vốn cho các hộ mở xưởng, phối hợp với xã mở các lớp đào tạo nghề dệt. Hiện tại, xã Nam Hồng có hơn 1.000 lao động sản xuất gia công dệt khăn cho các doanh nghiệp tại Thành phố Nam Định. Phát triển công nghiệp ở các làng nghề giúp Cty tiết kiệm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản phẩm nên có điều kiện tích lũy vốn mở rộng sản xuất. Hiện Cty CP Dệt may Sơn Nam đang vận hành 3 nhà máy dệt sợi OE với công suất 6.000 tấn/năm. Dự kiến mức tăng trưởng năm 2012 của Cty đạt hơn 20% so với năm 2011. Hiệp hội làng nghề cơ khí đúc Ý Yên không những đẩy mạnh liên kết các doanh nghiệp trong hiệp hội về sản xuất kinh doanh mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Đến nay, mô hình “xây lò nhiệt bằng điện” đã được triển khai ở hầu hết các doanh nghiệp trong hiệp hội. Các doanh nghiệp còn chủ động liên kết với các làng nghề cơ khí như: Quang Trung (Vụ Bản), Đồng Côi (Nam Trực) để gia công các chi tiết máy chân vịt, đồng thời liên kết với Cty TNHH Cơ khí đúc Toàn Thắng (Ý Yên), doanh nghiệp tư nhân cơ khí Sơn Tùng (Vụ Bản) để tạo nguồn cung cấp phôi thép cán nguyên liệu các loại giúp giảm chi phí cán dập thép.

Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất, các doanh nghiệp kinh doanh cũng đẩy mạnh liên kết. Siêu thị BigC Nam Định đã liên kết với Cty CP Xuân Thiệu vận hành 8 tuyến xe buýt 2 chiều tới các huyện trong tỉnh và các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam để phục vụ khách đến mua sắm tại siêu thị. Hiện nay, siêu thị có hàng nghìn lượt khách mua sắm mỗi ngày, doanh thu trung bình mỗi tháng đạt hơn 30 tỷ đồng.

Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp không những giảm chi phí sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn là đòn bẩy đẩy mạnh liên kết vùng về kinh tế, sản xuất, thúc đẩy chuyên môn hóa sản xuất ở mỗi làng nghề, mỗi địa phương tạo thành chuỗi liên hoàn trong sản xuất kinh doanh. Để nâng cao hơn nữa liên kết giữa các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, đồng thời hỗ trợ về vốn đối với các doanh nghiệp đầu tư về địa bàn nông thôn./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com