Bám biển làm giàu, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc

04:11, 24/11/2012

Ngày 14-11-2012, tại Thành phố Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ NN và PTNT, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến, nhân tố mới về phát triển kinh tế biển, đảo Việt Nam năm 2012 (Tỉnh ta là 1 trong 28 tỉnh, thành phố có biển tham dự hội nghị). Hội nghị một lần nữa đã khẳng định tầm quan trọng của biển, đảo, qua đó cần tiếp tục tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa các địa phương có biển, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các nhân tố mới nhằm xây dựng vùng biển, hải đảo ngày càng giàu mạnh, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng Tổ quốc.

Nước ta được thiên nhiên ưu đãi về biển, đảo với bờ biển dài 3.260km, có 28/63 tỉnh, thành ven biển với số dân hơn 44,2 triệu người, chiếm 50,34% tổng dân số cả nước. Vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam có diện tích trên 1 triệu km2, gấp hơn 3 lần vùng lãnh thổ trên đất liền với nguồn lợi hải sản phong phú, đa dạng gồm hơn 2.000 loài cá, 225 loài tôm, 663 loài tảo, rong biển và nhiều loài hải sản quý như bào ngư, trai ngọc, sò huyết, san hô đỏ... Trong vùng biển có hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, 2 quần đảo là Trường Sa (Khánh Hòa) và Hoàng Sa (Đà Nẵng), nhiều vịnh, vũng, eo ngách, các dòng hải lưu, vừa là ngư trường khai thác hải sản thuận lợi, vừa là nơi có nhiều điều kiện tự nhiên để phát triển nuôi trồng thủy sản và xây dựng các khu căn cứ hậu cần nghề cá. Bên cạnh đó, biển nước ta còn có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên dồi dào, nằm trong tuyến đường giao thông vận tải biển huyết mạch của thế giới. Từ bao đời nay, biển, đảo luôn giữ một vị trí quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với nguồn lợi từ biển vô cùng to lớn, những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm an ninh chủ quyền. Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 21-6-2012, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Biển Việt Nam làm cơ sở để đưa nền kinh tế biển phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua, các địa phương có biển đã ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch cụ thể để khuyến khích phát triển kinh tế biển, đảo như xây dựng hạ tầng giao thông, viễn thông và cơ sở nghề cá như cảng cá, bến cá, khu trú bão cho tàu, thuyền, nuôi trồng thủy sản, du lịch biển... Hiện tại, gần như tất cả các ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta đều gắn với biển như dầu khí, du lịch, thủy sản, giao thông vận tải, đóng tàu... đưa tổng giá trị thu được từ kinh tế biển chiếm hơn 40% GDP của cả nước. Tiêu biểu là ngành thủy sản được phát triển mạnh mẽ ở 28 tỉnh, thành ven biển. Từ chỗ chỉ là một nghề phụ trong sản xuất nông nghiệp, ngành thủy sản đã trở thành ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khối nông, lâm, thủy sản cả về sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Tổng sản lượng thủy sản năm 2011 đạt 5,45 triệu tấn, mức cao nhất từ trước tới nay, trong đó sản lượng khai thác hải sản đạt 2,3 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 2,93 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 6,12 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với năm 2010. Ngành thủy sản nước ta hiện có vị trí cao trong cộng đồng nghề cá thế giới: đứng thứ 11 về khai thác thủy sản, thứ 3 về nuôi thủy sản và thứ 4 về giá trị xuất khẩu thủy sản. Sự phát triển của ngành thủy sản qua việc thu hút lực lượng dân sự đông đảo hiện diện thường xuyên trên biển còn đóng góp quan trọng vào công cuộc giữ gìn an ninh, chủ quyền trên vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của đất nước.

Một góc Thành phố Đà Nẵng.
Một góc Thành phố Đà Nẵng.

Thành tựu đổi mới đất nước trong những năm qua, có sự đóng góp không nhỏ của kinh tế biển và ven biển, trong đó không thể thiếu vai trò của các điển hình tiên tiến, nhân tố mới. Trong những năm gần đây, mặc dù tình hình kinh tế trong nước và thế giới diễn biến phức tạp, giá cả biến động ảnh hưởng không nhỏ đến quy mô sản xuất của các doanh nghiệp khai thác, chế biến thủy sản, nhưng nhiều doanh nghiệp đã tự tìm cho mình những hướng đi riêng, chủ động đầu tư mạnh mẽ, mở rộng mô hình hợp tác, cùng nhau phát triển đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong 28 điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong phát triển kinh tế biển, đảo năm 2012, dù đến từ những nơi khác nhau, từ địa đầu Tổ quốc Quảng Ninh đến mũi Cà Mau đều có cách làm riêng, sáng tạo trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy, hải sản đồng thời bảo đảm an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển Tổ quốc. Cty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tiêu chí “chuyên nghiệp - năng động - phát triển” đã không ngừng cải tiến công nghệ, lấy chất lượng là sự sống còn của doanh nghiệp, tích cực chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu ra nước ngoài… Sản phẩm của Cty với thương hiệu Baseafood từng bước chiếm lĩnh được niềm tin của khách hàng, trong 6 tháng đầu năm 2012 doanh thu đạt 400 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch năm. Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) được thành lập tháng 9-2011 là nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên trong cả nước. Hiện nghiệp đoàn có 58 tàu với 687 ngư dân. Với mục đích đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình đánh bắt trên 2 ngư trường truyền thống của Tổ quốc là Hoàng Sa, Trường Sa, đến nay sản lượng khai thác hải sản của nghiệp đoàn đạt 14.230 tấn, đạt giá trị sản lượng trên 108 tỷ đồng, trong đó 7 tháng năm 2012 sản lượng cá tăng 9% so với cùng kỳ năm 2011. Không chỉ bám biển, giải quyết việc làm và tăng thu nhập, tham gia nghiệp đoàn còn là cơ hội để các đoàn viên nâng cao kiến thức về vùng biển, thềm lục địa, đặc quyền kinh tế, ý thức bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Cùng cách thức hoạt động, Hội nghề cá Thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) có tổng số 116 hội viên (chủ yếu là chủ tàu) với 680 phương tiện khai thác hải sản và tàu hậu cần dịch vụ nghề cá có công suất máy từ 450CV trở lên. Trong năm 2011 và 6 tháng năm 2012, hội đã khai thác được trên 160 nghìn tấn thủy sản, giải quyết việc làm ổn định cho trên 2.300 lao động, đồng thời thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản pháp luật của Nhà nước về bảo vệ lãnh hải trong quá trình khai thác hải sản, tích cực tham gia các hoạt động xã hội và đào tạo nghề cho ngư dân. Bám biển để làm giàu, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động cũng đã xuất hiện ở nhiều doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân Cửu Dung, xã Giao Xuân (Giao Thủy) là đại diện duy nhất của tỉnh Nam Định nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương về phát triển kinh tế biển. Được thành lập năm 2005 với ngành nghề kinh doanh là nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh thủy sản biển và nước ngọt, dưới tầm nhìn chiến lược và nhanh nhạy của CCB Nguyễn Văn Cửu, đến nay doanh nghiệp tư nhân Cửu Dung đã phát triển mạnh mẽ trở thành một địa chỉ uy tín với bạn hàng trong và ngoài nước với thương hiệu “Ngao Giao Thủy” được Cục Sở hữu Công nghiệp cấp giấy chứng nhận. Hiện tại, doanh nghiệp có trên 20ha trại sản xuất giống, nuôi giống các loại thủy sản nước mặn, 60ha nuôi ngao và 10ha nuôi thủy sản nước ngọt tạo việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động. Năm 2011, nuôi ngao thương phẩm của doanh nghiệp đạt 1.700 tấn ngao chất lượng cao và 500 tấn ngao loại II, được thị trường mua với giá cao hơn các loại ngao khác từ 1.500 đồng -7.000 đồng/kg. Trong sản xuất ngao giống, doanh nghiệp là đơn vị đầu tiên trong cả nước hoàn thiện quy trình sản xuất bằng phương pháp thân thiện với môi trường đem lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó năm 2011 sản xuất 2,4 tỷ con ngao giống, 30 triệu con hàu, 1,7 triệu con cá bống bớp cho nhân dân nuôi thả. Hằng năm, doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách Nhà nước từ 160-170 triệu đồng, ủng hộ các Quỹ Khuyến học, Quỹ chất độc da cam trong tỉnh hàng trăm triệu đồng, đầu tư hàng tỷ đồng kè đá bờ bao từ đê Quốc gia đến khu vực nuôi ngao… Với những thành tích đã đạt được, giám đốc doanh nghiệp Nguyễn Văn Cửu được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chiến sỹ thi đua ngành Thủy sản… Cũng tư duy nhanh nhạy bám biển để làm giàu, anh Lê Mến (SN 1970) ở phường Thuận Phước, quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) đã tổ chức mô hình dịch vụ hậu cần nghề cá chuyên cung cấp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nước ngọt, thông tin các ngư trường có sản lượng cao cho các tàu cá lân cận, thu mua hải sản… Mỗi năm, gia đình anh có thu nhập trên 700 triệu đồng, tạo việc làm cho 40 lao động với mỗi người có thu nhập từ 40-60 triệu đồng/năm. Phát triển nhanh chóng, hiện gia đình anh đã đóng thêm một chiếc tàu cá làm dịch vụ hậu cần thu mua hải sản và cung cấp nhiên liệu cho tàu cá khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, mua ô tô chở thủy sản tiêu thụ…

Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 khẳng định: “Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo góp phần quan trọng trong sự nghiệp CNH-HĐH, làm cho đất nước giàu mạnh”, trong đó “phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước”. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, tại hội nghị, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đã đề nghị trong thời gian tới, các bộ, ban, ngành và địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ phát triển kinh tế biển, đảo, đặc biệt các ngành, lĩnh vực gắn với cuộc sống, việc làm và thu nhập của người dân ven biển, hải đảo; tiếp tục giữ gìn, phát huy và nhân rộng điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong phát triển kinh tế biển, đảo ở mỗi địa phương cũng như trên phạm vi cả nước; gắn phát triển kinh tế biển, đảo với đảm bảo an ninh, quốc phòng trên biển; xây dựng “tổ tàu, thuyền an toàn trên biển”, đấu tranh các hiện tượng tiêu cực, sai trái trên biển… góp phần xây dựng biển, đảo Việt Nam ngày càng vững mạnh./.

Bài và ảnh: Đức Thiện



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com