Xã Yên Nhân (Ý Yên) có 510ha đất canh tác, trong đó có 55% diện tích đất chuyên màu. Năm 2011, thu nhập từ ngành nông nghiệp của xã ước đạt gần 100 tỷ đồng, chiếm 76% tổng giá trị thu nhập toàn xã. Vụ đông năm 2011, nông dân trong xã đã trồng 130ha khoai tây giống Đức và Hà Lan, tổng sản lượng đạt 216 tấn; 54ha ngô, tổng sản lượng đạt 75 tấn; bí đỏ 5ha, tổng sản lượng đạt 30 tấn; rau các loại 60ha, tổng sản lượng đạt 780 tấn. Vụ xuân năm 2012, xã gieo trồng 100% diện tích, trong đó diện tích cấy lúa 245ha, năng suất đạt 62 tạ/ha; diện tích trồng lạc 265ha, năng suất đạt 42 tạ/ha. Vụ mùa năm 2012, xã đã đưa các giống lúa mới vào sản xuất như: BC15 chiếm 40% tổng diện tích gieo cấy, RVT chiếm 10% tổng diện tích, còn lại là các giống lúa thuần như: Khang dân 18, Nếp 97… Vụ lạc hè thu, xã đã kết hợp với Trung tâm Giống cây trồng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng thí điểm mô hình giống L18, L23 trên diện tích 8ha. Vụ đông năm nay, Ban nông nghiệp xã xây dựng kế hoạch trồng cây vụ đông với tổng diện tích 256ha trên đất màu và mở rộng diện tích trồng khoai tây trên đất hai vụ lúa. Xã đã liên kết với Trường Đại học Lương Thế Vinh và Cty Thảo mộc Lệ Chi (Hà Nội) thực hiện trồng thử nghiệm 1ha cây dâm bụt giấm trên đất canh tác kém hiệu quả để làm nguyên liệu sản xuất rượu vang, si rô, làm mứt.
Mô hình trồng thử nghiệm cây dâm bụt giấm ở xã Yên Nhân. |
Đây sẽ là hướng đi mới nhằm tăng thu nhập cho nông dân trong xã. Mặc dù năm nay, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do giá trị xuất chuồng thấp nhưng trong 6 tháng đầu năm, xã đã duy trì và giữ vững tổng đàn lợn gần 5.000 con, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 320 tấn, sản lượng thịt lợn sữa xuất chuồng đạt hơn 100 tấn; tổng đàn gia cầm 9.000 con; đàn trâu bò duy trì 850 con, xuất chuồng trâu bò thịt, giống đạt gần 300 con. Công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn được xã quan tâm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, không để dịch bệnh xảy ra. Những năm trước, xã đã quy hoạch hơn 10ha đất xa khu dân cư chuyển đổi thành khu chăn nuôi tập trung và đã có 15 hộ nhận thầu xây dựng trang trại, gia trại chăn nuôi. Các trang trại, gia trại đều được đầu tư xây dựng khép kín, có khu chăn nuôi riêng, cách nhau bằng không gian cây xanh, mặt nước…; vừa hạn chế được nguy cơ lây lan dịch bệnh, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế. Được xã tạo điều kiệu cho đấu thầu 1ha, năm 2009, anh Chu Văn Thành, xóm 12 đã đầu tư xây dựng chuồng nuôi lợn, duy trì mỗi lứa 200 con. Anh Thành cho biết năm 2011, gia đình anh thu lãi gần 400 triệu đồng từ bán lợn thịt thương phẩm. Những hộ chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao trong xã còn có hộ các ông: Trịnh Văn Ngoãn, xóm 1 nuôi 300 con lợn; Bùi Văn Thị, xóm 10 nuôi 150 con lợn, 300 con gà; Phạm Ngọc Sơn, xóm 12 nuôi 150 con lợn; Phạm Văn Dụng, xóm 14 hơn 600 con vịt… Để khuyến khích, động viên nhân dân phát triển các ngành nghề mới, xã đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện mở lớp học nghề mây tre đan thu hút 45 học viên tham gia, hiện có 40 hộ tham gia làm nghề, có thêm nguồn thu. Xã mở lớp may công nghiệp, với 35 học viên tham gia; lớp dạy nuôi cá nước ngọt, ếch, ba ba, cua đồng… với hơn 30 người tham gia.
Để phát huy tiềm năng đất đai, xã đã xây dựng kế hoạch đẩy mạnh diện tích cây màu vụ xuân và mở rộng diện tích cây vụ đông trong các vụ tiếp theo. Quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất cây hàng hóa xuất khẩu như ngô ngọt, bí đỏ… Bên cạnh đó, xã tập trung chỉ đạo, nhân rộng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ phát triển sản xuất kinh doanh, đưa nghề mới về xã, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh