Xã Yên Nghĩa (Ý Yên) có 328ha đất canh tác, với 100% diện tích là đất 2 vụ lúa. Để nâng cao thu nhập cho nhân dân, Đảng uỷ, UBND xã đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và đa dạng ngành nghề.
Sản xuất đồng phục, bảo hộ lao động tại Cty TNHH May Bảo Lộc, xóm Thanh Khê, xã Yên Nghĩa (Ý Yên). |
Trong sản xuất nông nghiệp, xã đã chỉ đạo, khuyến khích nông dân thay đổi tập quán canh tác, đổi mới cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ và tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Những năm gần đây, năng suất lúa của xã thường đạt 100-105 tạ/ha/năm. Vụ xuân năm 2012 năng suất lúa của xã Yên Nghĩa đạt 55,5 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực đạt 2.111 tấn. Mỗi năm, xã tổ chức hàng chục lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, phổ biến kiến thức về các tiến bộ khoa học, kinh nghiệm sản xuất. Vụ xuân năm nay là năm thứ ba xã áp dụng phương pháp gieo sạ hàng với tổng diện tích được mở rộng lên 31,3ha, năng suất lúa vùng gieo sạ đạt 250-280kg/sào, cao hơn năng suất bình quân của toàn xã từ 50-80kg/sào. Ngoài cây lúa, rau màu, xã phát triển nuôi thuỷ sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình gia trại chăn nuôi tổng hợp. Để chủ động phòng tránh dịch bệnh, xã tổ chức tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc, gia cầm; xây dựng hầm biogas để đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh. Ngoài các đợt tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm do xã tổ chức, hầu hết các hộ chăn nuôi đều tự giác tiêm phòng mỗi khi nhập, tách đàn để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi. Đến nay, đàn lợn của xã có 1.170 con, đàn gia cầm có 21.500 con, đàn gà có 18.500 con… Toàn xã hiện có 40 hộ chăn nuôi theo hình thức gia trại tổng hợp với tổng diện tích trên 20ha. Nhiều hộ có kinh nghiệm, áp dụng quy trình chăn nuôi hiệu quả, có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm như hộ các ông: Phạm Văn Trào, Phạm Văn Kỷ (thôn Thanh Khê); Hoàng Văn Vịnh (thôn Nhân Nghĩa)… Ông Phạm Văn Trào cho biết: Năm 2002, được xã cho nhận thầu 7 sào ruộng trũng, cấy lúa kém hiệu quả ông đã đầu tư cải tạo để phát triển chăn nuôi. Ông xây dựng 540m2 chuồng trại để nuôi lợn, đào 1 ao với diện tích mặt nước trên 5 sào để nuôi cá giống. Đàn lợn thường xuyên được duy trì 120-150 con, trong đó có 20 con lợn nái, đàn gà ta mỗi năm 3 lứa, mỗi lứa từ 250-300 con. Năm 2012, sau khi xuất được 5 tấn thịt lợn hơi, ông đã giảm bớt đàn lợn thịt và đầu tư cho đàn lợn nái để bán con giống. Đến nay, ngoài 5 tấn thịt lợn hơi, trại chăn nuôi của ông đã xuất bán được 200 con lợn giống, gần 7 tạ gà thịt, 1,1 tấn cá giống… sau khi trừ chi phí, thu nhập đạt trên 100 triệu đồng.
Ngoài sản xuất nông nghiệp, để phát triển kinh tế hộ, xã Yên Nghĩa còn chú trọng phát triển đa dạng ngành nghề như: mộc, xây dựng dân dụng, may công nghiệp, thêu ren, đan móc sợi, đan tre nứa… Toàn xã có 4 cơ sở may công nghiệp tạo việc làm cho trên 150 lao động địa phương. Năm 2010, anh Bùi Xuân Thanh ở xóm Thanh Khê đầu tư gần 700 triệu đồng xây dựng nhà xưởng, thành lập Cty TNHH May Bảo Lộc chuyên sản xuất quần áo bảo hộ lao động, đồng phục. Hiện, Cty có tổng diện tích 320m2 nhà xưởng, 35 máy may công nghiệp và một số máy là, máy cắt… Bình quân mỗi tháng, Cty sản xuất trên 15 nghìn sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho gần 40 lao động với mức thu nhập từ 3 triệu đồng/người/tháng trở lên. Hiện xã có 5 xưởng mộc, 10 nhóm thợ xây thường xuyên nhận được nhiều hợp đồng tạo việc làm ổn định cho 130 lao động với mức thu nhập từ 100-200 nghìn đồng/người/ngày. Ngoài ra, xã còn phát triển nghề thêu ren, đan móc sợi, nghề đan tre nứa với sản phẩm chính là các loại thúng, rổ, rá… ở thôn Cổ Liêu thu hút hàng trăm lao động tham gia với thu nhập bình quân từ 35-50 nghìn đồng/người/ngày. Toàn xã có 56 hộ kinh doanh thương mại, làm dịch vụ trong đó có trên 20 hộ có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Trong thời gian tới, xã Yên Nghĩa tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa, khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ phát triển sản xuất kinh doanh, đưa nghề mới về xã để nâng cao thu nhập cho nhân dân./.
Bài và ảnh: Thành Trung