Để phong trào sinh vật cảnh các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng phát triển bền vững

05:10, 06/10/2012

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định, đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và Quyết định công nhận Thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, Triển lãm sinh vật cảnh (SVC) các tỉnh đồng bằng sông Hồng diễn ra từ ngày 1 đến ngày 7-10-2012 tại Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp, quy tụ hơn 5.000 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật, đá, gỗ lũa, chim cảnh của các nghệ nhân, người chơi SVC ở 10 tỉnh, thành phố trong khu vực. Triển lãm nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa SVC, những làng nghề, nghệ nhân đồng thời là dịp để Hội SVC các tỉnh, thành phố cùng nhau thảo luận tìm hướng đưa SVC ngày càng phát triển bền vững.

Nam Định không chỉ “nổi danh” với quê hương nhà Trần đỉnh cao “võ công, văn trị” hiển hách bậc nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam mà còn là “đất trăm nghề” sinh sôi nảy nở, trong đó nổi tiếng khắp cả nước có nghề trồng hoa, cây cảnh. Quá trình 750 năm hình thành, phát triển rực rỡ của mảnh đất Thiên Trường - Nam Định gắn liền với sự phát triển của nghề truyền thống trồng hoa, cây cảnh bắt nguồn từ mảnh đất Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) nơi Thái úy Tô Trung Tự có công truyền dạy người dân trồng hoa, cây cảnh làm kế sinh nhai vào thế kỷ XIII. Dưới bàn tay cần cù, trí tưởng tượng phong phú, tình yêu thiên nhiên sâu đậm, những cây, hoa đã vươn mình trở thành những tác phẩm nghệ thuật, thành thú chơi tao nhã, thanh cao của biết bao thế hệ người dân quê hương Nam Định, đem lại không gian xanh mát, tạo việc làm cho hàng vạn lao động. Đến cuối năm 2011, ở 10 huyện, thành phố trong tỉnh đều thành lập huyện hội, 225 hội cơ sở, 1.486 chi hội với tổng số gần 18 nghìn hội viên SVC. Các cấp Hội SVC trong tỉnh đã phối hợp với các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương mở hàng trăm các lớp dạy nghề, các lớp tập huấn, các hội nghị, hội thảo chuyên đề tạo hình, uốn tỉa thành cây cảnh nghệ thuật... Từ phong trào “người người, nhà nhà làm SVC”, đến nay, toàn tỉnh có hàng trăm miền quê, ngoài nông nghiệp đã phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh với tổng diện tích trên 3.000ha, trong đó có trên 200ha được tận dụng từ bờ mương, ven hồ, dong ngõ xóm, vườn, thậm chí trên sân nhà, sân thượng. Cây cảnh đã góp phần phủ xanh các mảnh đất hoang hóa, cằn cỗi, tỏa bóng mát trong khuôn viên các trường học, trụ sở cơ quan, đơn vị và khoe sắc, khoe dáng trong mỗi dịp Tết đến Xuân về, trong các lễ hội truyền thống ở các làng quê, tại các sự kiện lớn của quốc gia, qua đó thể hiện một nét đẹp văn hóa mang bản sắc riêng, đặc trưng của quê hương Thiên Trường - Nam Định. Triển lãm SVC các tỉnh đồng bằng sông Hồng là sự khẳng định vị thế của SVC, qua đó tôn vinh các làng nghề, các nghệ nhân, đồng thời đẩy mạnh việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa. Để chuẩn bị cho sự kiện lớn này, ở khắp các làng nghề cây cảnh giàu truyền thống trong tỉnh đã sôi nổi tổ chức tuyển chọn các tác phẩm cây cảnh nghệ thuật đặc biệt xuất sắc. Trên 2.500 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật, đá cảnh, gỗ lũa, trong đó có 2.150 cây cảnh nghệ thuật được tuyển chọn từ 10 huyện, thành phố và CLB cây cảnh nghệ thuật tỉnh. Huyện Nam Trực là đơn vị có số lượng cây cảnh tham dự nhiều nhất với 450 tác phẩm, trong đó riêng làng nghề hoa, cây cảnh Vị Khê của xã Điền Xá đã “cử tuyển” 150 cây cảnh do nhiều nghệ nhân nổi tiếng uốn tỉa với đủ các yếu tố “cổ, kỳ, mỹ”. Thành phố Nam Định, các huyện  và CLB cây cảnh nghệ thuật tỉnh tuyển chọn từ 100-300 cây. Góp sức tham dự triển lãm, các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Hồng cũng tuyển chọn những tác phẩm cây cảnh, gỗ lũa, đá nghệ thuật xuất sắc. Thành phố Hải Phòng tham dự với khoảng 1.500 tác phẩm đá, gỗ lũa và 50 cây cảnh nghệ thuật. Thành phố Hà Nội, tỉnh Hải Dương mỗi đơn vị có 150 tác phẩm. Các tỉnh: Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình mỗi tỉnh có 100 tác phẩm. Các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh mỗi tỉnh có 90 tác phẩm. Mặc dù đến ngày 1-10-2012 triển lãm mới chính thức khai mạc nhưng từ cuối tháng 9-2012 đã có hàng ngàn tác phẩm của các tỉnh, thành phố đã ùn ùn kéo về khoe dáng, khoe sắc tại Khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần - chùa Tháp (TP Nam Định). Ban tổ chức đã bố trí hợp lý, khoa học các địa điểm để các tỉnh, thành phố trưng bày tác phẩm, tạo thuận lợi cho nghệ nhân, người yêu cây cảnh và du khách thập phương thưởng lãm khi về dự lễ kỷ niệm. Khu trung tâm triển lãm được trưng bày 75 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật của tỉnh Nam Định có kích cỡ đại, cỡ trung và có thế, dáng đa dạng, có tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao, độc đáo thể hiện rõ nét văn hóa SVC đất Nam Định biểu trưng cho 750 năm Thiên Trường - Nam Định. Tham gia Triển lãm SVC, du khách thập phương còn được tham dự cuộc thi ảnh nghệ thuật SVC với 220 tác phẩm dự thi; cuộc thi chim hót các tỉnh đồng bằng sông Hồng, qua đó người xem được thưởng lãm những nét đẹp văn hóa giàu truyền thống của vùng đồng bằng sông Hồng.

Cây cảnh làng Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) được trưng bày tại Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.  Ảnh: PV
Cây cảnh làng Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) được trưng bày tại Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Internet

Một hoạt động quan trọng của triển lãm SVC thu hút sự quan tâm của các đại biểu là làm cách nào để đưa SVC tiếp tục thành ngành kinh tế phát triển góp phần xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn được giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo đảm quỹ đất cho nông nghiệp. Những năm qua ngành SVC đã phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu lao động nông thôn, từng bước đóng vai trò như một ngành kinh tế hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập cho nhiều người lao động. Đến cuối năm 2011, cả nước có khoảng 1,5 triệu lao động SVC và 2 triệu lao động SVC làm thời vụ đưa lại thu nhập gấp nhiều lần so với trồng lúa. Tại tỉnh ta, từ năm 2006, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 16/CT-UBND về việc đẩy mạnh phong trào SVC thành một ngành kinh tế phát triển nhờ vậy SVC ngày càng chiếm vị trí kinh tế quan trọng ở nhiều làng quê, góp phần thay đổi cuộc sống của nhiều gia đình. Nếu năm 2007, thu nhập kinh tế từ SVC trong tỉnh đạt trên 400 tỷ đồng thì đến năm 2011 đã lên trên 1.000 tỷ đồng, bình quân thu 250 triệu đồng/ha. Theo ước tính, tổng giá trị các tác phẩm SVC trên địa bàn tỉnh khoảng 12.000 tỷ đồng, thuộc địa phương có phong trào phát triển SVC hàng đầu của cả nước. Huyện Hải Hậu có phong trào SVC phát triển mạnh mẽ, năm 2011 toàn huyện đạt doanh thu 542 tỷ đồng, bình quân đạt 700 triệu đồng/ha, là đơn vị cao nhất tỉnh, 6 tháng đầu năm 2012, doanh thu từ bán SVC đạt 45 tỷ đồng. Huyện Xuân Trường hiện có khoảng 2.000 cây cảnh nghệ thuật lớn nhỏ, bình quân một gia đình có 3 cây cảnh. Ở cấp xã, phong trào trồng hoa, cây cảnh cũng đã tạo việc làm cho nhiều người, tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình thoát nghèo. Làng nghề Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) đã vận động cán bộ, hội viên đăng ký làm dịch vụ SVC, từ năm 2008-2012 đem lại thu nhập khoảng 200 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 10 tỷ đồng. Xã Nam Thắng (Nam Trực) chuyển đổi 60ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây cảnh thu nhập gấp 3-4 lần trồng lúa, trị giá 120 triệu đồng/ha; nhiều hội viên có tác phẩm trị giá 300-500 triệu đồng. Xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) hiện phát triển mạnh SVC ở tất cả 15 đội sản xuất trong xã với thu nhập từ SVC thu hàng tỷ đồng mỗi năm...

Phong trào trồng cây cảnh, cây bóng mát ở những nơi công cộng tại các trường học, công sở, bệnh viện, nghĩa trang, đường giao thông… đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, làm cân bằng hệ sinh thái. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, phong trào SVC  của các tỉnh đồng bằng sông Hồng còn bộc lộ một số hạn chế: sản xuất còn thiếu quy hoạch, mang tính phong trào, chưa coi trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế không cao, thiếu tính bền vững; chưa gắn kết SVC với chương trình xây dựng NTM; một số nơi người dân chạy theo phong trào và lợi nhuận trước mắt đã tự ý chuyển đổi đất trồng lúa sang đất trồng cây cảnh, phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, ảnh hưởng đến quỹ đất trồng lúa của địa phương, chiến lược an ninh lương thực quốc gia. Ngày 11-5-2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/NĐ-CP quy định rõ nguyên tắc, trách nhiệm của người trồng lúa, trách nhiệm của các cơ quan, địa phương trong quản lý, sử dụng đất trồng lúa, trong đó tỉnh Nam Định được Chính phủ giao chỉ tiêu quỹ đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt là 75.000ha đến năm 2020. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát huy những lợi thế về truyền thống, thương hiệu, bản sắc và nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm để tiếp tục phát triển SVC thành ngành kinh tế sinh thái mang lại thu nhập, hiệu quả cao và bền vững song vẫn bảo đảm quản lý nghiêm ngặt quỹ đất trồng lúa. Theo ý kiến chung của nhiều chuyên gia các ngành, các địa phương thì trong thời gian tới, các tỉnh, thành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích SVC, ứng dụng tiến bộ KHKT trong nhân giống, trồng, chăm sóc; thường xuyên tổ chức các hội thảo, triển lãm về SVC đồng thời đổi mới phương pháp hoạt động của các cấp Hội SVC hiệu quả và quan trọng nhất là phải rà soát, xây dựng quy hoạch phát triển SVC phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp. Hy vọng với những giải pháp trên sẽ tiếp tục đưa SVC ngày càng phát triển thành ngành kinh tế sinh thái có hiệu quả cao, giàu nét văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương./.

Đức Thiện
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com