Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn I (2010-2015), tỉnh ta có 96 xã, thị trấn thực hiện. Theo đó đến năm 2015, cả 96 xã, thị trấn xây dựng NTM giai đoạn I đều phải hoàn thành 19 tiêu chí NTM. Để đạt được mục tiêu đề ra, cần có nguồn kinh phí rất lớn. Ngoài nguồn lực đầu tư của Nhà nước, kinh phí đóng góp của cộng đồng, rất cần có sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp.
Thực tế những kết quả bước đầu đã đạt được qua hơn 2 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM ở cả 96 xã, thị trấn cho thấy đều có sự tham gia đóng góp tích cực của doanh nghiệp. Ngoài ủng hộ vật chất xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai các chương trình an sinh xã hội trị giá hàng chục tỷ đồng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội theo tiêu chí NTM, nhiều doanh nghiệp còn đầu tư phát triển sản xuất ở nông thôn và cam kết tuyển dụng lao động, giúp nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… Cùng với các doanh nghiệp lớn như Cty CP May Sông Hồng, Cty CP May Nam Định, Tổng Cty CP Dệt may Nam Định, Cty CP Dệt may Sơn Nam là doanh nghiệp đi đầu trong việc mở rộng đầu tư về địa bàn nông thôn với 10 xưởng may ở các địa phương như: Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường); các xã Hải Phương (Hải Hậu), Minh Tân (Vụ Bản); Trực Hưng, Phương Định (Trực Ninh), Yên Tân, Yên Phong (Ý Yên)… Với việc đầu tư xây dựng xưởng may công nghiệp tại các địa phương, Cty đã tạo việc làm cho trên 10 nghìn lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thúc đẩy thực hiện thành công nhóm các tiêu chí về kinh tế trong xây dựng NTM. Trong năm 2012, Cty Giày da Hồng Việt, Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường) tổ chức dạy nghề sản xuất giày da xuất khẩu cho lao động các xã, thị trấn trong huyện. Sau 3 tháng tổ chức dạy nghề theo cách “cầm tay chỉ việc”, hầu hết người học nghề đã thuần thục những kỹ thuật khó như cắt, may, dán thân giày, mũi giày theo yêu cầu của đối tác Hàn Quốc. Hiện tại, cả 600 lao động học nghề đều đã được tiếp nhận vào làm việc ở Cty với mức thu nhập 2,5-4 triệu đồng/người/tháng. Anh Bùi Hoàng Nam, xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) làm tại xưởng may mũi giày cho biết: Tôi đã từng đi làm thêm ở nhiều nơi nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Được biết Cty Giày da Hồng Việt mở lớp đào tạo nghề cho nông dân trong huyện, tôi đã đăng ký học nghề và được tuyển dụng vào làm việc ở Cty với mức lương ổn định và có đầy đủ chế độ nên cuộc sống đỡ vất vả hơn so với trước đây". Tại xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc), trong tháng 5-2012, Cty TNHH Thu Nguyên (TP Nam Định) đã tổ chức đào tạo nghề may xuất khẩu cho 120 lao động trong xã. Cùng với đào tạo các kỹ năng cơ bản cho người lao động như cách sử dụng máy may công nghiệp, các thao tác trong dây chuyền may và tác phong làm việc theo dây chuyền sản xuất công nghiệp, Cty còn nhận người lao động vào làm việc theo cơ chế khoán sản phẩm… Các doanh nghiệp thuộc ngành Nông nghiệp như Cty Giống cây trồng Nam Định, Cty Phân bón Bình Điền phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở NN và PTNT), Trạm Bảo vệ thực vật các địa phương tập trung hỗ trợ các xã, thị trấn xây dựng NTM đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản và hỗ trợ nông dân các địa phương về giống, phân bón, thuốc BVTV và kỹ thuật canh tác phù hợp với từng loại giống. Cty TNHH Bao bì kim loại CFC (CCN An Xá) chuyên xuất khẩu các mặt hàng nông sản đã ký hợp đồng xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu nông sản như cà chua, dưa chuột bao tử tại các xã Nghĩa Bình, Nghĩa Hồng, Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng). Cty đã hỗ trợ cho người trồng mỗi sào trên 100 nghìn đồng, tổ chức tập huấn kỹ thuật, cử cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở hướng dẫn nông dân xử lý sâu bệnh, cách thu hái hiệu quả. Mỗi năm, Cty thu mua trên 3.000 tấn nguyên liệu cho nông dân trong tỉnh.
Làm đường giao thông nội đồng từ một phần kinh phí do Cty TNHH Sông Giang hỗ trợ tại xã Hải Giang (Hải Hậu). |
Theo số liệu đã tổng hợp, đến nay, tổng nguồn vốn doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đạt 545,2 tỷ đồng, bằng 28,7% tổng nguồn vốn huy động đầu tư xây dựng NTM. Trong đó, huyện Ý Yên huy động vốn doanh nghiệp đạt 22 tỷ 252 triệu đồng, Vụ Bản gần 40 tỷ đồng, Trực Ninh 32,4 tỷ đồng… Để các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, tích cực tham gia xây dựng NTM, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích như: Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND quy định cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào các điểm công nghiệp trên địa bàn nông thôn với các chính sách ưu đãi về mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền sử dụng đất; hỗ trợ lãi suất đối với vốn vay đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, quảng cáo và xử lý ô nhiễm môi trường. Bên cạnh cơ chế khuyến khích của tỉnh, để huy động được nguồn vốn từ doanh nghiệp, các địa phương cũng đã xác định rõ phương thức huy động, mô hình liên kết và hiệu quả mang lại cho cả doanh nghiệp và địa phương. Xã Yên Tân (Ý Yên) là xã xa trung tâm huyện. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư về địa phương, ngoài cơ chế chính sách chung, Đảng ủy, UBND xã đã tạo điều kiện về đất đai, bảo đảm an ninh nông thôn… để doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Nhờ đó, sau một thời gian tổ chức dạy nghề cho nhân dân, xây dựng cơ sở vật chất, tháng 7-2011, xưởng may công nghiệp đầu tiên của Tổng Cty CP Dệt may Nam Định đã đi vào sản xuất tạo việc làm cho gần 200 lao động địa phương với mức thu nhập từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Đồng chí Nguyễn Văn Tín, Chủ tịch UBND xã Yên Tân cho biết: Với gần 200 lao động được đào tạo cơ bản về nghề may công nghiệp và có việc làm ổn định đã góp phần nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Tuy nhiên, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng NTM trong những năm qua còn chưa tương xứng với tiềm năng. Từ kinh nghiệm thực tế của xã Yên Tân cũng như của các xã đang triển khai xây dựng NTM cho thấy: Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các vùng nông thôn, các địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch, tổ chức khảo sát đánh giá đúng hiện trạng để xây dựng quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, đất sản xuất công nghiệp, dịch vụ và hạ tầng phục vụ sản xuất. Tập trung cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông, thủy lợi, vệ sinh môi trường tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp về đầu tư. Tăng cường công tác dạy nghề, đào tạo nghề để có đủ nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp tuyển dụng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mọi người dân hiểu rõ vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM; tích cực liên kết cùng doanh nghiệp, đồng thời làm tốt vai trò trung gian và kịp thời giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong quan hệ lao động./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương