Đặc sắc dấu ấn kinh tế, văn hóa truyền thống qua “Hội chợ triển lãm làng nghề Việt Nam 2012”

07:10, 09/10/2012

 Nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định, đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và Quyết định công nhận Thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, trong các ngày từ 25-9 đến 30-9-2012, tại Quảng trường Hòa Bình (TP Nam Định), Bộ NN và PTNT phối hợp với UBND tỉnh, Bộ Công thương, tổ chức “Hội chợ triển lãm làng nghề Việt Nam 2012”. Hội chợ nhằm tôn vinh và giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của các làng nghề truyền thống, đồng thời tạo điều kiện cho các làng nghề quảng bá thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Bộ NN và PTNT tham quan gian hàng làng nghề tơ tằm Cổ Chất (Trực Ninh) tại Hội chợ triển lãm làng nghề Việt Nam 2012. Ảnh: Việt Thắng
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Bộ NN và PTNT tham quan gian hàng làng nghề tơ tằm Cổ Chất (Trực Ninh) tại Hội chợ triển lãm làng nghề Việt Nam 2012. Ảnh: Việt Thắng

“Hội chợ triển lãm làng nghề Việt Nam 2012” trưng bày, giới thiệu 350-400 gian hàng của các làng nghề trên toàn quốc và sản phẩm thương mại - du lịch của 9 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng, gồm: Nam Định, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng. Toàn bộ khu vực trưng bày, giới thiệu sản phẩm được thiết kế thành 5 khu riêng biệt gồm: Khu trưng bày, giới thiệu văn hóa làng nghề và thao diễn tay nghề của các nghệ nhân các làng nghề: ươm tơ, dệt lụa thôn Cổ Chất, xã Phương Định (Trực Ninh), nghề làm đèn ông sao thôn Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực), nghề gốm sứ Bát Tràng, mây tre đan, nặn tò he và ẩm thực của các làng nghề của Thành phố Hà Nội. Khu triển lãm làng nghề xưa và nay, giới thiệu không gian văn hóa nghề; nghệ nhân làng nghề và lễ hội làng nghề truyền thống thông qua các tác phẩm tranh, ảnh… Khu trưng bày và tôn vinh 250 sản phẩm các làng nghề truyền thống tham gia Hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam lần thứ IX. Khu trưng bày giới thiệu sản phẩm của ngành thương mại, du lịch của 9 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng và khu ẩm thực, giới thiệu không gian chợ quê với các sản phẩm làng nghề, nghệ thuật ẩm thực và biểu diễn nghệ thuật múa rối nước…

Các gian hàng: Sản phẩm gốm, sứ Bát Tràng, Hà Nội
Các gian hàng: Sản phẩm gốm, sứ Bát Tràng, Hà Nội.

Ngoài ra, hội chợ còn dành không gian cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật khác. Với cách bố trí khoa học, 5 khu vực của hội chợ được tiếp nối liên hoàn trong khuôn viên của Quảng trường Hòa Bình, khu Giàn Leo và NVH Thiếu nhi và sử dụng đa phần sản phẩm làng nghề  như nón, đèn ông sao, tơ lụa… làm nguyên liệu trang trí, quảng bá thương hiệu sản phẩm hàng hóa có uy tín, chất lượng cao đã giúp cho người tham gia hội chợ có cái nhìn tổng quan về tinh hoa của làng nghề Việt Nam và quá trình phát triển, hội nhập với nền kinh tế quốc tế và thực sự được hòa mình vào không gian văn hóa lễ hội. Khu trưng bày các sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam và các sản phẩm của ngành thương mại, du lịch của 9 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng được thiết kế đẹp, bố trí theo nhóm hàng hoặc theo đơn vị địa phương đã giúp khách tham quan hội chợ có điều kiện cảm nhận tinh hoa của sản phẩm làng nghề và lựa chọn sản phẩm phù hợp cho riêng mình. Đặc biệt với cơ chế hỗ trợ 100% chi phí gian hàng cho các doanh nghiệp của tỉnh và 50% đối với các doanh nghiệp tỉnh bạn khi tham gia, hội chợ đã thu hút hơn 200 doanh nghiệp hàng đầu trong ngành thủ công mỹ nghệ của tỉnh và các tỉnh, thành trong cả nước. Với các sản phẩm chủ lực như: các sản phẩm từ tơ tằm, thêu ren, đúc đồng, sơn mài, mây tre đan, gốm sứ, đất nung, cây cảnh, chế tác vàng bạc, mỹ nghệ kim hoàn, chế biến thực phẩm… và các mặt hàng tiêu dùng khác mang đặc trưng phong cách vùng miền đã tạo nên sự phong phú của hội chợ. Tỉnh Nam Định có 67 doanh nghiệp tiêu biểu tham gia hội chợ với gần 150 gian hàng ở tất cả các nhóm ngành chủ lực của tỉnh, đã thể hiện được sự năng động, nhạy bén của các ngành, các đơn vị, địa phương trong cơ chế thị trường. Cty CP Dệt Nam Định với các sản phẩm truyền thống vải dệt thoi, khăn bông, quần áo các loại; Cty XNK Thủ công mỹ nghệ Nam Định với sản phẩm thảm len, áo len, rau củ quả xuất khẩu…; Cty TNHH Thương mại và dịch vụ Bình Minh (Nam Trực) giới thiệu các loại tranh thêu thủ công cao cấp; doanh nghiệp tư nhân Cửu Dung với sản phẩm ngao sạch và giới thiệu công nghệ sản xuất ngao giống; nhóm các doanh nghiệp của làng nghề huyện Ý Yên với các sản phẩm đúc đồng mỹ nghệ, mây tre đan, sơn mài truyền thống…

sản phẩm đúc đồng của Thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ảnh Khánh Ngọc
Sản phẩm đúc đồng của Thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Ảnh: Khánh Ngọc

Với sự nỗ lực cả về kinh tế và sự hưởng ứng các hoạt động xã hội đã góp phần tạo nên thành công của hội chợ, ngoài mục tiêu giới thiệu tới cộng đồng doanh nghiệp quốc tế và trong khu vực về một vùng kinh tế năng động giàu tiềm năng với các làng nghề truyền thống nổi tiếng như: dệt may, đúc đồng Tống Xá, đồ gỗ La Xuyên, mây tre đan Yên Tiến (Ý Yên); ươm tơ Cổ Chất (Trực Ninh)… các doanh nhân trong tỉnh đã thể hiện được sự năng động, nhạy bén trong kinh doanh. Ông Hoàng Thọ Diệu, Giám đốc Cty CP Lương thực Nam Định cho biết: Cty mang đến hội chợ các sản phẩm gạo đặc sản của địa phương như gạo tám xoan Hải Hậu, nếp Quần Liêu (Nghĩa Hưng), dự hương Nam Mỹ (Nam Trực)… và các sản phẩm lương thực thực phẩm mang thương hiệu VNF1 để giới thiệu với du khách trong nước sản phẩm nông sản quý của địa phương. Ngoài các sản phẩm mang tính thương mại, các nghệ nhân của tỉnh ta còn mang đến hội chợ những nét văn hoá tinh thần như trình diễn nghệ thuật rối nước của các nghệ nhân xã Hồng Quang (Nam Trực) và nghệ thuật làm đèn ông sao của các nghệ nhân thôn Báo Đáp... Các trò diễn đặc sắc mang tính chất sử thi phản ánh cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của các vị anh hùng dân tộc như các vở khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Trần Hưng Đạo 3 lần đánh tan quân Nguyên - Mông và phản ánh những nét sinh hoạt văn hoá của nền văn minh lúa nước và cư dân khu vực đồng bằng sông Hồng.

Sản phẩm mộc, mỹ nghệ của tỉnh Thừa - Thiên Huế (ảnh bên phải). Ảnh: Khánh Ngọc
Sản phẩm mộc, mỹ nghệ của tỉnh Thừa - Thiên Huế.  Ảnh: Khánh Ngọc

Tham gia hội chợ lần này, 9 tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Hồng đã mang đến hội chợ các sản phẩm đặc trưng của vùng miền nổi tiếng cả nước như: Đồ gỗ Đồng Kỵ, tranh Đông Hồ, gốm Phù Lãng, tương Đình Tổ của tỉnh Bắc Ninh; sản phẩm bạc mỹ nghệ Đồng Xâm, Chiếu Hới, đũi Nam Cao và thêu Minh Lãng của tỉnh Thái Bình; sản phẩm gốm Chu Đậu, nón lá Mao Điền, chạm khắc bạc Châu Khê của tỉnh Hải Dương; hay sản phẩm đá Ninh Vân, cói Kim Sơn, thêu ren Văn Lâm của tỉnh Ninh Bình… hay các sản phẩm trống Đọi Tam, lụa Nha Xá của Hà Nam… Trong đó, Thành phố Hà Nội tham gia hội chợ làng nghề với 16 gian hàng và 12 doanh nghiệp tham gia trưng bày các sản phẩm đặc trưng văn hoá của làng nghề, phố nghề xưa như lụa Hà Đông, gốm sứ Bát Tràng, khảm trai Chuông Ngọ, hương trầm Vân Hạ… Các sản phẩm làng nghề mô hình giới thiệu chiến lược phát triển công nghiệp - thương mại - du lịch của Thành phố Hà Nội đã khắc họa rõ nét hình ảnh tổng quan về tiềm năng, lợi thế của làng nghề truyền thống và chiến lược phát triển làng nghề gắn với thương mại du lịch tại hội chợ làng nghề Việt Nam. Cùng với các sản phẩm thủ công truyền thống, Thành phố Hà Nội còn mang đến gian hàng ẩm thực với các sản phẩm đặc trưng của Hà Nội như bánh tẻ Phú Nhi, bánh chưng Tranh Khúc, ô mai Hàng Đường. Các nghệ nhân của các làng nghề truyền thống thực hiện trình diễn thao tác làm gốm sứ, nặn tò he, làm bánh tẻ và bánh chưng phục vụ du khách ngay tại không gian hội chợ. Đại diện cho khu vực miền Tây Nam Bộ, Trung tâm Xúc tiến thương mại Tiền Giang đã mang đến “Hội chợ triển lãm sản phẩm làng nghề Việt Nam năm 2012” hơn 10 sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu như tủ thờ, mắm tôm chà, bánh tráng, bánh phồng, trái cây tươi Gò Công; nón lá Bàng Buông và các sản phẩm CN-TTCN từ cói, lục bình… Đồng chí Lê Quang Ninh, Trưởng đoàn công tác tỉnh Tiền Giang cho biết: Mặc dù gặp nhiều khó khăn về địa lý nhưng với mong muốn quảng bá thương hiệu của các làng nghề truyền thống của tỉnh nhà đến với du khách và cũng muốn tạo được mối liên kết vùng miền trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm truyền thống của địa phương. Do đó, ngoài những sản phẩm làng nghề truyền thống, chúng tôi còn mang theo lộ trình thực hiện những dự án đầu tư trọng điểm về thương mại du lịch của tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2012-2015 và các chương trình du lịch miệt vườn hấp dẫn.

Ngay trong đêm khai mạc hội chợ, Ban tổ chức đã trao giải thưởng cho 16 tác phẩm đạt giải tại Hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam lần thứ IX năm 2012. Cũng trong chương trình “Hội chợ triển lãm sản phẩm làng nghề Việt Nam 2012” đã diễn ra Hội thảo “Phát triển làng nghề gắn với du lịch” do Bộ NN và PTNT phối hợp với UBND tỉnh tổ chức. Với 37 đơn vị đại diện cho các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành trong cả nước và các tổ chức quốc tế, hội thảo đã khẳng định chiến lược phát triển làng nghề gắn với du lịch là cơ hội để quảng bá tinh hoa văn hóa Việt, thúc đẩy giao thương và vinh danh nghệ nhân làng nghề Việt Nam. Với góc nhìn toàn cảnh về không gian văn hoá làng nghề Việt Nam, “Hội chợ triển lãm sản phẩm làng nghề Việt Nam 2012” đã  thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ngành nghề nông thôn, đồng thời tôn vinh các nghệ nhân, thợ thủ công, tạo điều kiện phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần thúc đẩy sản xuất và giao thương phát triển./.

Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com