Nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu

07:10, 04/10/2012

Với gần 72km bờ biển, địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi dày đặc và nhiều vùng thấp trũng, trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh ta phải chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu với những biểu hiện như: đất đai bị bạc màu, xâm nhập mặn và diện tích đất bị nhiễm phèn ngày càng tăng; đa dạng sinh học giảm mạnh; nhiệt độ không khí ngày càng cao, kéo theo hạn hán, lũ lụt xảy ra bất thường; nhiều dịch bệnh mới xuất hiện…

Toàn tỉnh hiện có 85.643ha đất canh tác, trong đó có gần 38 nghìn ha đất canh tác thuộc các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường và Trực Ninh bị ảnh hưởng bởi hạn hán, triều cường và mặn xâm thực; trên 11 nghìn ha đất canh tác bị thiếu nước trầm trọng… Nhiều diện tích đất trồng lúa ở các vùng ven biển của tỉnh đang đứng trước nguy cơ “mặn hóa” và mất khả năng canh tác. Trung bình mỗi năm, diện tích cấy lúa giảm khoảng 635ha do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Việc canh tác lúa trên những diện tích bị nhiễm mặn, khô hạn và ngập úng gặp nhiều khó khăn do phải vận hành hệ thống các công trình thủy lợi để thau, rửa đồng ruộng, đảm bảo sản xuất. Cũng do ảnh hưởng của thời tiết bất thuận, nhiều đối tượng dịch, bệnh gây hại cho cây trồng phát sinh không theo quy luật như: sâu cuốn lá nhỏ, bệnh bạc lá, lùn sọc đen xuất hiện với mật độ cao gây hại trên diện rộng… Do đó chi phí thủy lợi, vật tư, lao động, thuốc bảo vệ thực vật lên đến trên 200 tỷ đồng mỗi năm, đồng thời làm gia tăng ô nhiễm môi trường và năng suất lúa giảm từ 20-30% so với các địa phương khác trong tỉnh.

Khảo nghiệm giống lúa lai chịu mặn thích ứng với BĐKH tại xã Giao Thiện (Giao Thủy).
Khảo nghiệm giống lúa lai chịu mặn thích ứng với BĐKH
tại xã Giao Thiện (Giao Thủy).

Trước thực trạng trên, Sở NN và PTNT đã nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp để chủ động ứng phó, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) như tăng cường biện pháp thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, sử dụng bộ giống lúa có khả năng chống chịu cao… Trong đó, giải pháp xây dựng các mô hình ứng phó với BĐKH ở các địa phương được chú trọng. Các huyện Nam Trực, Hải Hậu, Ý Yên, Vụ Bản những năm gần đây thường bị khô hạn trong vụ xuân và úng lụt trong vụ mùa. Để khắc phục tình trạng này, các địa phương đã chủ động chuyển đổi diện tích cấy lúa chân vàn cao sang trồng rau màu, chân ruộng thấp chuyển sang mô hình cấy lúa xuân - nuôi cá vụ hè thu và chân ruộng nhiễm mặn chuyển sang mô hình nuôi thủy sản mặn lợ. Hằng năm, trên địa bàn tỉnh có 300-400 ha chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau màu, cây nguyên liệu phục vụ xuất khẩu và khoảng gần 2.000ha diện tích lúa ở vùng úng trũng thuộc các huyện: Nam Trực, Vụ Bản, Ý Yên  chuyển sang  mô hình lúa - cá. Trong đó, tiêu biểu là mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng lạc, trồng khoai tây Đức trong vụ xuân ở các xã Yên Cường, Yên Đồng (Ý Yên) và Liên Bảo, Liên Minh (Vụ Bản). Các huyện phía nam tỉnh thành công với mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cà chua trong vụ xuân ở các xã Hải Hòa, Hải Tân (Hải Hậu); trồng khoai lang thay thế cây rau màu trên vùng đất bị nhiễm mặn tại Thị trấn Thịnh Long và xã Hải Hòa (Hải Hậu); chuyển đổi diện tích trồng lúa bị nhiễm mặn sang trồng cây màu, cây cảnh và nuôi thủy sản ở xã Nam Điền, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng); xã Hải Hòa (Hải Hậu)… Điển hình trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu là xã Giao Phong (Giao Thuỷ). Với đặc điểm chủ yếu là đất pha cát, đất thịt nhẹ nên tỷ lệ thất thoát nước khi khô hạn và giữ nước sau mưa úng cao. Hơn nữa, do mặn xâm thực nên năng suất cây trồng thấp, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác chỉ đạt gần 30 triệu đồng/ha/năm. Từ thực tế đó, xã Giao Phong đã chuyển đổi 100ha cấy 2 vụ lúa, 1 vụ màu sang mô hình vụ màu xuân - lúa mùa và màu đông để tránh nhiễm mặn trong vụ xuân. Cùng với chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, xã đã chọn nhóm cây màu vụ xuân và vụ đông phù hợp với cốt đất cát pha như khoai tây, củ cải đường, bắp cải và su hào, đưa vào canh tác. Đối với những nơi có trình độ thâm canh cao như HTX Hồng Phong, xã đã vận động nhân dân chuyển đổi toàn bộ diện tích đất canh tác sang cấy 1 vụ lúa, 2 vụ màu hoặc chỉ cấy 1 vụ lúa mùa sớm với 3 vụ màu. Với công thức luân canh chủ yếu là: lúa xuân - lúa mùa - cây vụ đông; lạc xuân - dưa hấu - lúa mùa - khoai tây đông; khoai tây xuân - dưa hấu hè thu - lúa mùa sớm - dưa hấu đông…, tỷ lệ quay vòng đất của xã Giao Phong đạt 3-4 vụ/năm, cá biệt có nơi đạt 5 vụ/năm. Chủ động ứng phó với những khó khăn do BĐKH gây ra, xã Giao Phong không chỉ thích nghi với điều kiện khó khăn mà còn nâng thu nhập bình quân trên 1ha đất canh tác lên từ 150-300 triệu đồng/năm. Bác Nguyễn Văn Thu, thôn Lâm Quan, HTXNN Hồng Phong cho biết: Với 2,5 sào ruộng từ cấy lúa năng suất thấp chuyển sang trồng màu với các loại rau cao cấp như súp lơ, cải bẹ, dưa lê… đồng thời  dành một phần đất trồng các giống rau màu để gối vụ nên gia đình bác có thu nhập gấp mấy lần so với cấy lúa. Bình quân mỗi vụ trồng màu gia đình bác Thu có thu nhập từ 5-7 triệu đồng/sào. Nhiều mô hình chuyển đổi ở các huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu cũng tạo hiệu quả cao. Đối với nuôi trồng thủy sản, ngoài việc nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi, tích cực chuyển giao KHKT và sản xuất, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu con nuôi cho phù hợp, trong đó đẩy mạnh việc đưa các con giống mặn lợ như tôm thẻ chân trắng, ngao, cua biển, cá song, cá bống bớp… trở thành con nuôi chủ lực thâm canh trên diện tích đất nhiễm mặn. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT hỗ trợ các xã ven biển xây dựng vùng nuôi thủy sản áp dụng tiêu chuẩn an toàn sinh học để giảm thiểu tác động của BĐKH đối với con nuôi. Cùng với việc xây dựng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với BĐKH, Sở NN và PTNT đã đẩy mạnh tuyên truyền khuyến cáo nhân dân thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất như hạn chế sử dụng phân hóa học, tiếp cận với các quy trình thâm canh hiện đại và nâng cao khả năng thích nghi với BĐKH.

Bằng những biện pháp đồng bộ, chủ động ứng phó với tác động của BĐKH, nên mặc dù diện tích đất canh tác hằng năm bị thu hẹp nhưng năng suất và sản lượng lương thực trên địa bàn tỉnh ta vẫn ngày một gia tăng. Đến nay, giá trị thu nhập trung bình trên 1ha đất canh tác đạt trên 75 triệu đồng/năm./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com