Nghịch lý và hệ luỵ trong chăn nuôi

08:10, 13/10/2012

Giá thức ăn tăng cao vẫn chưa có điểm dừng, giá thịt hơi xuất chuồng giảm tới “đáy”, người chăn nuôi không có lãi, thậm chí lỗ, nhưng người tiêu dùng vẫn phải chịu mua giá cao, ngành chăn nuôi đi về đâu, nghịch lý này ai giải?

I - Nghịch lý trong chăn nuôi

Những năm gần đây chăn nuôi ở tỉnh ta phát triển khá mạnh, đang có xu hướng chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại và sản lượng thịt hơi xuất chuồng không ngừng tăng lên, nhất là 2 con nuôi chính là lợn và gia cầm. Nếu năm 2006 sản lượng thịt lợn của toàn tỉnh là 80.283 tấn thì năm 2011 đạt 115.030 tấn, tăng gần gấp rưỡi năm 2006. Số lượng và sản lượng gia cầm tăng đáng kể: nếu năm 2006 số lượng gia cầm toàn tỉnh đạt trên 5 triệu con với sản lượng 7,7 nghìn tấn, thì năm 2011 số lượng đã tăng lên đạt 6,7 nghìn con và sản lượng đạt 14.511 tấn, tăng 88,3% so với sản lượng năm 2006… chăn nuôi đã tạo ra nguồn thực phẩm phong phú đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tạo nguồn thu đáng kể cho người chăn nuôi. Song ngành chăn nuôi, người chăn nuôi đang đối mặt với nhiều cản trở, thách thức như quy mô chăn nuôi chủ yếu trong nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, kỹ thuật hạn chế, dịch bệnh liên tục xảy ra. Từ năm 2007 trở lại đây chưa một năm nào tỉnh ta không phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Chỉ riêng trong năm 2012, dịch lở mồm long móng đã xảy ra ở 15 xã, thuộc 7 huyện với tổng số 224 con lợn mắc bệnh, số lợn chết và tiêu huỷ là 25 con; dịch tai xanh ở lợn bùng phát tại 147 hộ, thuộc 2 huyện làm 768 con bị mắc, trong đó phải tiêu huỷ 270 con; dịch cúm gia cầm xảy ra ở 49 hộ, tại 21 xã, thuộc 6 huyện đã phải tiêu huỷ 27.697 con gia cầm… Dịch bệnh như vậy song người chăn nuôi đang phải gánh chịu “thiệt đơn, thiệt kép” đó là giá thức ăn chăn nuôi không ngừng tăng cao, nhưng giá thịt xuất chuồng giảm xuống quá thấp và bấp bênh. Theo chị Phạm Thị Khanh, đại lý cấp I thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y ở xóm Tây, xã Hải Hưng (Hải Hậu) thì: “Từ đầu năm đến nay, thức ăn chăn nuôi nhiều lần tăng giá. Tổng cộng tăng 0,8-1 nghìn đồng cho mỗi kg thức ăn dạng đậm đặc, tuỳ theo từng Cty thức ăn chăn nuôi. Khả năng từ nay đến cuối năm còn tiếp tục tăng ít nhất cũng bằng số tăng vừa rồi…” 1kg thức ăn đậm đặc tăng 0,8-1 nghìn đồng, tương đương với tỷ lệ tăng 5%. Lại tiếp tục tăng tiếp 5% nữa, như vậy 1kg thức ăn tăng 10% trong năm. Đợt tăng giá thức ăn chăn nuôi đã được các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi khẳng định là đúng vì các nguyên liệu chính cho sản xuất là ngô, đậu tương và bột cá nhạt… trên thế giới đang hiếm và tăng cao. Anh Vũ Hồng Kỳ, chủ trang trại chăn nuôi 24 nghìn gà đẻ ở xã Minh Tân (Vụ Bản) cũng phải thốt lên: “Mặc dù tỷ lệ gà đẻ đạt 95-97% nhưng càng nuôi càng lỗ…”. Đúng thôi, nếu đầu tháng 8-2011 giá lợn hơi xuất chuồng: lợn ngoại 69-70 nghìn đồng/kg, lợn lai là 62 nghìn đồng/kg; giá gà công nghiệp (lông trắng) là 50 nghìn đồng/kg, gà lông màu là 60 nghìn đồng/kg. Đến ngày 5-9-2012, giá lợn hơi xuất chuồng đối với lợn lai F1 chỉ còn 37 nghìn đồng/kg, chỉ bằng 59,7% giá đầu tháng 8-2011; giá lợn ngoại xuất chuồng là 45 nghìn đồng/kg, chỉ bằng 64,3% so với đầu tháng 8-2011. Tương tự giá gà cũng giảm quá thấp. Cũng lấy thời điểm giá ngày 5-9-2012 giá gà thịt chỉ còn 33 nghìn đồng/kg, giảm 17 nghìn đồng/kg so với đầu tháng 8-2011. Theo hạch toán kinh tế của Phòng Chăn nuôi (Sở NN và PTNT) tại thời điểm ngày 5-9-2012 thì nuôi lợn lai F1 lỗ 1.178 đồng/kg. Với 1 con lợn lai F1 nuôi 3 tháng đạt 85kg thì người nuôi lỗ 100,2 nghìn đồng, đây mới chỉ tính chi phí vật chất (thức ăn, thuốc thú y, điện nước và công 60 nghìn đồng/ngày) mà chưa tính khấu hao chuồng trại.

Nuôi gà đẻ trứng giống Ai Cập tại Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh.
Nuôi gà đẻ trứng giống Ai Cập tại Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh.

Nếu nuôi 1 lứa 100 con thì sau 90 ngày lỗ 10 triệu đồng (?). Tương tự với con gà thịt cũng tại thời điểm ngày 5-9 thì chi phí cho tăng trọng 1kg gà là 30,1 nghìn đồng, trong khi giá bán 33 nghìn đồng, lãi 2,9 nghìn đồng/kg. Nếu nuôi 100 con tỷ lệ sống 92% và trong 45 ngày người nuôi lãi 812 nghìn đồng, không đủ khấu hao chuồng trại. Nếu dịch bệnh xảy ra thì lỗ không lường trước được.

II - Những hệ luỵ

Theo hạch toán chăn nuôi hiện tại thực sự người chăn nuôi đang thua lỗ. Càng nuôi càng lỗ và giải pháp cuối cùng của các hộ nuôi là nuôi cầm chừng hoặc bỏ trống chuồng. Như gia đình anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Nam Cường (Nam Trực) những năm trước lúc nào trong chuồng cũng có đàn lợn thịt 100 con và hàng nghìn gà thịt công nghiệp. Cuối tháng 7-2012 trong chuồng không có lợn thịt, gà cũng không, chỉ còn vài chục con nhím và ít lợn rừng. Đi các hộ chăn nuôi khác cũng không hơn gì dù là ở Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng hay Mỹ Lộc, Ý Yên… tình trạng trống chuồng là phổ biến. Không nuôi, chuồng trại để không thật lãng phí, đấy là chưa kể không có hơi ấm của vật nuôi, chuồng trại xuống cấp nhanh. Kèm theo người chăn nuôi chán nản không thiết tha gì chăn nuôi nữa, thậm chí nhiều hộ đã toan tính chuyển nghề. Số hộ chí thú với chăn nuôi thì thở dài không biết bao giờ mới tái đàn và tiền đâu để tái đàn chăn nuôi trong khi lỗ chồng lỗ (?). Theo thống kê của Chi cục Thú y trong đợt tiêm phòng vụ thu năm 2012, tổng đàn lợn của tỉnh chỉ còn 320 nghìn con, so với thống kê ngày 1-4-2012, đàn lợn giảm 389.932 con, giảm 55% tổng đàn và giảm 57% (424.134 con) so với năm 2011 - một con số đáng báo động.

Giá thịt xuất chuồng quá rẻ, người chăn nuôi lỗ, nhưng người tiêu dùng nào có mua được rẻ. Hiện tại giá thịt lợn nhiều tháng nay hầu như không giảm, so với năm 2011 không khác là bao. Giá thịt nạc luôn giữ mức trăm hơn, trăm kém, giá thịt sấn cũng 80-85 nghìn đồng/kg, sườn thậm chí còn tăng… và giá thịt gà công nghiệp vẫn “đứng” ở mức 55-60 nghìn đồng/kg. Các bà nội trợ kêu trời vì giá cả, không biết mua gì, ăn gì vì cái gì cũng đắt đỏ. Một câu hỏi đặt ra người tiêu dùng chịu giá đắt (đấy là chưa kể cân điêu, cân sai…), người chăn nuôi thua thiệt, lỗ; phong trào chăn nuôi giảm sút… nhưng ai được lợi nhất. Cứ tạm công nhận với các Cty sản xuất thức ăn chăn nuôi do giá nguyên liệu nhập ngoại đầu vào tăng (cả ngô, cả đậu nành, cả bột cá nhạt… đều tăng) và tiếp tục còn tăng. Song những sản phẩm chính được sản xuất trong nước như bột cá nhạt, bột can xi… lại rẻ như bèo, thậm chí không bán được lại tìm cách “xuất ngoại” với giá cực thấp để đóng nhãn mác lại quay về với giá nhập ngoại. Hiện tượng này các dây chuyền chế biến bột cá nhạt ở tỉnh ta nhiều năm nay kêu nhưng chưa “thấu”. Tương tự các sản phẩm khác như ngô, đậu tương… phục vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi đâu phải nông dân tỉnh ta, nông dân trong nước không sản xuất được nhưng các Cty, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi cứ phải nhập ngoại để “đội giá” đối với người chăn nuôi. Suy cho cùng với các Cty, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn là lợi nhuận, song các nhà sản xuất đã nghĩ đến sự khó khăn của chăn nuôi chưa, đã san sẻ khó khăn, san sẻ lợi ích đối với người chăn nuôi chưa? Bởi vì từ khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi đến chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi… là một chuỗi giá trị kinh tế khép kín, gắn kết để cùng tồn tại. Các nhà sản xuất thức ăn liệu có tồn tại khi chăn nuôi đình đốn, khi người chăn nuôi quay lưng lại với nghề chăn nuôi. Bài toán “nhỡn tiền” nhiều năm nay do chỉ nghĩ đến lợi nhuận của các cơ sở chế biến nên định giá “bèo” với nông dân trồng cây xuất khẩu dưa chuột bao tử, dưa chuột trung tử… Đã gần chục năm nông dân các HTX Minh Tân, Duy Tân, Minh Thành (Vụ Bản)… háo hức và tưởng đã trở thành một nghề trồng cây vụ đông phục vụ chế biến xuất khẩu nhưng 2 năm nay những địa phương này không trồng nữa vì thu nhập không xứng với công sức bỏ ra (!). Cũng vậy với chăn nuôi hiện nay tổng đàn lợn ở tỉnh ta đã giảm quá nửa so với tháng 4-2012, và còn sẽ giảm tiếp nữa không khi Tết Nguyên đán đến gần.

Theo tính toán của Phòng Chăn nuôi (Sở NN và PTNT) tại thời giá ngày 5-9-2012, người chăn nuôi nuôi một con lợn lai F1 sau 3 tháng lỗ trên 100 nghìn đồng nhưng với đội ngũ thu mua giết mổ và tiêu thụ bỏ rẻ giết 1 con lợn cũng lãi trên 500 nghìn đồng, đấy là chưa kể đến lòng và một số phụ phẩm khác. Nếu tính đủ, số lãi lên trên 600 nghìn đồng/con. Một điều đáng nói là người tiêu thụ chưa bao giờ được mua thịt lợn, thịt gà giá rẻ. Bởi vì đã 5-7 tháng nay giá thịt nạc chưa bao giờ xuống dưới 90 nghìn đồng/kg, thịt ba chỉ (thịt bụng) thấp nhất cũng 65-80 nghìn đồng/kg… Hoá ra chỉ có các hộ giết mổ, tiêu thụ được hưởng lợi mà lợi nhuận cao. Thực tế người tiêu dùng đang bị “móc túi”, người chăn nuôi đang bị ép giá để tạo lợi nhuận cho một nhóm người giết mổ và tiêu thụ. Điều lạ là ai cũng thấy nhưng trách nhiệm quản lý giá cả này là ai? Đấy là chưa kể cái cân trong tay người bán, thậm chí có người mua 1kg thịt về cân lại “hao” một vài lạng!

Chăn nuôi sẽ đi về đâu nếu nghịch lý và những hệ luỵ này không được hoá giải. Đặc biệt tỉnh ta đang xác định chăn nuôi là ngành chính trong sản xuất nông nghiệp./.

Bài và ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com