Nghề sản xuất miến, bánh đa ở thôn Phượng

07:10, 09/10/2012

Thôn Phượng, xã Nam Dương (Nam Trực) nổi tiếng với nghề sản xuất miến, bánh đa. Hiện toàn thôn có gần 40 hộ sản xuất, trong đó có 10 hộ sản xuất miến dong, 10 hộ sản xuất miến gạo và gần 20 hộ sản xuất bánh đa, tạo việc làm cho gần 200 người có thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.

Mỗi năm, gia đình ông Phạm Văn Hùng, thôn Phượng, xã Nam Dương (Nam Trực) thu lãi 60-70 triệu đồng từ nghề làm miến gạo.
Mỗi năm, gia đình ông Phạm Văn Hùng, thôn Phượng, xã Nam Dương (Nam Trực) thu lãi 60-70 triệu đồng từ nghề làm miến gạo.

Với những bí quyết làm miến độc đáo, được truyền qua nhiều đời đã tạo nên sợi miến ngon đặc biệt, làm nên thương hiệu “miến thôn Phượng”. Việc làm miến trải qua nhiều công đoạn: Bột sau khi sơ chế, được tráng thành bánh, hấp chín rồi đem phơi dưới nắng mặt trời, sau đó thu về dùng máy cán thành sợi. Để sản phẩm được thơm ngon, giòn và dai, người làm miến thôn Phượng phải phơi thêm một nắng nữa. Cũng nhờ bí quyết ủ bột, trộn tỷ lệ hợp lý lại luôn khắt khe trong khâu chọn nguyên liệu, phơi miến nên khi ăn, sợi miến vừa mềm lại có độ giòn tự nhiên, mùi thơm, sợi đẹp, để vài tháng không bị mốc hỏng. Người dân thôn Phượng sản xuất hai loại miến là miến gạo và miến dong. Để làm ra 1 tấn miến gạo cần 1,2-1,3 tấn gạo; làm 1 tấn miến dong cần 1,6-1,8 tấn bột dong. Cách đây khoảng chục năm, do làm miến thủ công, sản xuất manh mún nên thu nhập của người làm miến thấp, nhiều hộ phải bỏ nghề. Những năm gần đây, một số hộ làm nghề đã chủ động đầu tư máy móc, thiết bị như: máy xay bột, tráng miến, cắt miến, năng suất cao hơn; mỗi cơ sở có thể sản xuất 200-300kg miến/ngày. Là một người gắn bó với nghề làm miến gạo lâu năm, ông Phạm Văn Hùng cho biết, năm 2005, ông đã đầu tư hơn 40 triệu đồng mua máy, trung bình mỗi ngày gia đình ông sản xuất được 200kg miến gạo, gấp 4 lần so với sản xuất thủ công, mỗi năm thu nhập 60-70 triệu đồng. Một trong những hộ sản xuất miến dong lớn nhất thôn là hộ ông Mai Văn Hựu, mỗi tháng, gia đình ông thu mua khoảng 15 tấn bột dong ở một số tỉnh miền núi như: Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang… Bột dong sau khi nhập về được chế biến, lọc lấy tinh bột và cho vào những bể ngâm để “rửa bột”. Công đoạn rửa bột cần cẩn thận và mất nhiều thời gian, bởi bột càng sạch thì miến càng dai và ngon. Ông Hựu cho biết, nghề làm miến dong không khó nhưng phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Những hộ làm miến tiêu biểu trong thôn như các ông: Ngô Văn Hùng, Phạm Văn Khánh, Phạm Văn Nhừ, Phạm Văn Long, Mai Văn Hiếu, Đoàn Văn Ước…

Không chỉ nổi tiếng với nghề làm miến, thôn Phượng còn được biết đến với nghề làm bánh đa. Khác với một số làng nghề, khi làm bánh thường pha các loại nguyên liệu khác và dùng bột nghệ cho đẹp màu, bánh đa thôn Phượng chỉ dùng bột gạo với vừng. Bánh làm bằng bột gạo, sau khi nướng sẽ giữ được độ giòn và thơm lâu. 5 năm trở lại đây, nhu cầu tiêu thụ bánh đa tăng mạnh, số hộ sản xuất bánh đa của thôn Phượng ngày càng tăng. Những hộ sản xuất bánh đa tiêu biểu của thôn như hộ các ông: Vũ Văn Hán, Vũ Văn Nhiệm, Phạm Văn Khang, Phạm Văn Hào…

Hiện nay, sản phẩm miến, bánh đa của thôn Phượng không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà còn được tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Ninh và một số tỉnh phía Nam. Từ khi nghề làm miến, bánh đa khởi sắc, bộ mặt thôn Phượng ngày càng được đổi mới. Nhà cao tầng ngày càng nhiều, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, hầu hết các gia đình đều sắm được đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.

Căn cứ vào tiêu chí của Bộ NN và PTNT, vừa qua, thôn Phượng đã được Hội đồng xét duyệt nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống của tỉnh xét duyệt và đề nghị UBND tỉnh ra quyết định và cấp giấy công nhận làng nghề truyền thống. Đây chính là động lực để người dân thôn Phượng tiếp tục xây dựng, phát triển làng nghề./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com