Những năm qua, với sự hỗ trợ, khuyến khích của chính quyền địa phương, nông dân xã Nam Tiến (Nam Trực) đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa vào nuôi trồng các giống mới có tiềm năng năng suất cao và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo hiệu quả kinh tế cao trên từng đơn vị diện tích canh tác. Nhiều năm qua, kinh tế của xã đạt tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2011 chỉ còn 9,1%.
Toàn xã hiện có hơn 70 hộ hội viên Hội Nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi, có mức thu nhập sau khi trừ chi phí trên 50 triệu đồng/năm. Các hộ dân trong xã đã chủ động đưa các giống lúa ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao, chống chịu khá với sâu bệnh, thời tiết như BC15, BT7, RVT… vào sản xuất. Để khuyến khích phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại, xã tạo thuận lợi về thủ tục cho nông dân vay vốn từ Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH; tổ chức các lớp đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, nuôi thủy sản. Đến nay, xã có gần 40 hộ chăn nuôi lợn với quy mô trung bình mỗi lứa 40-50 con, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Tiêu biểu như hộ các ông: Nguyễn Minh Hải, thôn Đồng Quỹ nuôi hơn 100 con lợn/lứa; Vũ Văn Cường, thôn Thạch Cầu nuôi hơn 50 con/lứa… Đàn dê của xã được phát triển lên hơn 200 con của hộ các ông Tạ Văn Mỹ, Đỗ Song Hào, thôn Đồng Quỹ; Ngô Văn Thức, thôn An Đông; Lê Văn Bính, thôn Nam Trực… Năm 2010, anh Vũ Văn Kết, thôn Thạch Cầu đã đầu tư mua 2 cặp nhím giống ở Ninh Bình và xây 5 chuồng nuôi, mỗi chuồng rộng 3-4m2, đến nay anh đã nhân ra được 15 con. Anh Kết cho biết, nhím là loài động vật dễ nuôi, ít bị bệnh, thức ăn đơn giản chủ yếu là ngô, rau, khoai… và không mất nhiều công chăm sóc. Hộ anh Đỗ Văn Tá, thôn Đồng Quỹ cũng nuôi gần 30 con nhím. Để phát triển kinh tế, nhiều hộ dân trong xã đã tích cực cải tạo vườn tạp, đầu tư đào ao thả cá, trồng cây cảnh đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như hộ các ông: Đỗ Văn Hùng, Đỗ Trọng Phấn thôn Đồng Quỹ… đều có thu nhập cao từ nghề trồng cây cảnh.
Cửa hàng bán sản phẩm đúc đồng của anh Đỗ Văn Tiên, thôn Đồng Quỹ, xã Nam Tiến. |
Cùng với phát triển kinh tế nông nghiệp, người dân xã Nam Tiến còn phát huy lợi thế từ các ngành nghề truyền thống. Thôn Đồng Quỹ từ lâu đã có nghề đúc đồng truyền thống với sản phẩm chủ yếu là các sản phẩm đồ thờ tự hoặc vật dụng sinh hoạt hằng ngày như nồi, mâm, chảo… Hiện nay, thôn Đồng Quỹ có hơn 10 hộ tham gia nghề đúc đồng, mỗi hộ tiêu thụ từ 2,5-3 tạ đồng nguyên liệu/tháng, thu hút từ 6-10 lao động với thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động thời vụ. Ngoài ra, nghề đúc đồng còn tạo việc làm, thu nhập cho trên 300 lao động thu gom nguyên liệu cho các lò đúc. Tiêu biểu là hộ các ông: Đỗ Văn Toan, Đỗ Văn Viết, Đỗ Văn Tiên, Đỗ Văn Hiền, Đỗ Văn Nam… Sản phẩm của làng nghề hiện nay cũng được đa dạng hoá, các loại đồ thờ như hạc, rùa, cuốn thư, đỉnh, lư hương, hoành phi, câu đối, tượng, khánh, chuông… được chạm trổ công phu, tinh xảo, đáp ứng nhu cầu thị trường, được tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên... Ngoài nghề đúc đồng ở thôn Đồng Quỹ, xã phát triển nghề mây, tre đan ở thôn Thạch Cầu. Hiện có hơn 20 hộ của thôn tham gia nghề đan lát với nguyên liệu là mây, tre. Các sản phẩm truyền thống của thôn là các dụng cụ phục vụ cho sản xuất và đời sống như: Thúng, mẹt, nia, rổ rá, dần sàng... Đây là nghề sản xuất thủ công nên có thể tận dụng được nhiều lao động ở mọi lứa tuổi và sản xuất trong lúc nông nhàn, mỗi tháng cũng cho thu nhập từ 1,2-2 triệu đồng/người.
Sự thành công của các mô hình sản xuất đã tác động tích cực đến tư duy phát triển kinh tế hộ gia đình của người dân xã Nam Tiến và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhờ đó đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh, các thiết chế giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao từng bước được đầu tư đồng bộ. Đây là nền tảng để Nam Tiến tiếp tục thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh