Năm 2012, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp của tỉnh vẫn nỗ lực thực hiện các phương thức để hội nhập, phát triển. Để đưa Trung tâm Thương mại Micom vào hoạt động, trong giai đoạn đầu Cty CP Micom chưa đề cao giá trị lợi nhuận trong kinh doanh. Trước hết, Cty đưa Trung tâm thương mại Micom vào vận hành thử nghiệm để tham khảo ý kiến đóng góp của khách hàng, sau đó mới chính thức khai trương Trung tâm khi đã sửa đổi, khắc phục các điểm yếu. Đối với 40 nghìn chủng loại sản phẩm cùng hàng trăm trò chơi hấp dẫn tại Trung tâm đã được Cty cam kết cung cấp, phục vụ với giá rẻ nhất, chất lượng tốt. Cty còn phối hợp với Sở Công thương thực hiện chương trình “Mang hàng Việt đến với người Việt” về các vùng nông thôn. Chương trình hiện đã được tổ chức tại Thị trấn Ngô Đồng và sẽ tiếp tục được tổ chức tại các huyện trong tỉnh, tạo cơ hội cho nhân dân được sử dụng các sản phẩm chất lượng, an toàn, chính hãng. Từ đầu năm 2012 đến nay, Cty CP May Sông Hồng đã di dời nhà xưởng từ nội thành Nam Định ra KCN Mỹ Trung, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) và đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống nhà xưởng, thiết bị máy móc theo hướng hiện đại với tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng. Cty tiếp tục xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO và hệ thống trách nhiệm xã hội theo tiêu chuẩn SA-8000 và WRAP, hệ thống an ninh nhà máy theo tiêu chuẩn của C-TPAT Mỹ. Chủ động hướng đến mục tiêu đạt thẻ xanh quốc tế về môi trường xanh - sạch trong sản xuất để hội nhập bền vững, Cty đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt và xử lý nước thải sản xuất tại Nhà máy May Sông Hồng 4, Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường). Hiện nay, Cty đang đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại khu sản xuất xã Hải Phương (Hải Hậu), sau đó tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải ở tất cả các khu vực sản xuất với mục tiêu tạo môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp. Ngoài ra, Cty còn triển khai chiến lược hội nhập toàn diện với chương trình mở rộng thị trường nội địa bằng các mặt hàng bông tấm chất lượng cao và đa dạng hoá các sản phẩm chăn, ga, gối, đệm.
Đại diện các doanh nghiệp trong chương trình "Giao lưu doanh nhân, doanh nghiệp hội nhập và phát triển". |
Bên cạnh những nỗ lực của doanh nghiệp, các cấp chính quyền, các ngành chức năng cũng tổ chức nhiều hoạt động giúp các doanh nghiệp hội nhập như: huy động, kêu gọi các nguồn kinh phí, hỗ trợ đầu tư, các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại… Tháng 9 vừa qua, Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã tổ chức chương trình kêu gọi đầu tư tại Nhật Bản. Trong 4 ngày làm việc tại Nhật Bản, Đoàn công tác của tỉnh đã tổ chức thành công 3 hội nghị xúc tiến đầu tư lớn tại Thủ đô Tokyo và các Thành phố Nagoya, Osaka, thu hút hơn 240 tập đoàn kinh tế, các đơn vị tư vấn, các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư hạ tầng uy tín của Nhật Bản tham dự. Ngay trong chuyến công tác này, đoàn công tác của tỉnh đã nhận được cam kết và mong muốn sớm hợp tác làm ăn lâu dài của các doanh nghiệp Nhật Bản. Chương trình “Hội chợ triển lãm làng nghề Việt Nam 2012” được UBND tỉnh phối hợp với Bộ NN và PTNT, Bộ Công thương tổ chức từ ngày 25 đến 30-9-2012, tại Quảng trường Hòa Bình (TP Nam Định) đã không chỉ giúp cho các doanh nghiệp làng nghề quảng bá thương hiệu sản phẩm chủ lực của tỉnh mà còn được trực tiếp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Nhiều doanh nghiệp đã có cơ hội khẳng định với người tiêu dùng và các bạn hàng. Tiêu biểu như Cty CP Dệt Nam Định với sản phẩm vải dệt thoi, khăn bông, quần áo các loại; Cty XNK Thủ công mỹ nghệ Nam Định với sản phẩm thảm len, áo len, rau củ quả xuất khẩu; Cty TNHH Thương mại và dịch vụ Bình Minh (Nam Trực) với các loại tranh thêu thủ công cao cấp; doanh nghiệp tư nhân Cửu Dung với sản phẩm ngao sạch; các doanh nghiệp làng nghề huyện Ý Yên với các sản phẩm đúc đồng mỹ nghệ, mây tre đan, sơn mài truyền thống… Đặc biệt, thành công nổi bật hơn cả của hội chợ là đã giúp doanh nghiệp khẳng định được công sức, nỗ lực hội nhập thông qua hơn 500 hợp đồng được ký kết tại hội chợ. Hơn 90% mặt hàng nhu yếu phẩm của các làng nghề truyền thống nổi tiếng như nước mắm Ninh Cơ, ngao sạch Giao Thủy đã được tiêu thụ hết ngay trong 2 ngày đầu diễn ra hội chợ. Hơn 30% mặt hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề đã được xuất bán trong ngày đầu tiên. Chương trình “Giao lưu doanh nhân, doanh nghiệp hội nhập và phát triển” do UBND tỉnh phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức vào ngày 28-9-2012 đã giúp cho nhiều doanh nghiệp trong tỉnh cũng như 8 tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Hồng được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm vượt khó, hội nhập, phát triển. Qua buổi giao lưu, đối thoại, các doanh nghiệp tỉnh ta đã chuyển tải đến các doanh nghiệp tỉnh bạn nhiều thông tin về mình; đồng thời các ngành chức năng của tỉnh cũng giới thiệu đến các doanh nghiệp về định hướng và cơ chế, chính sách thu hút, hỗ trợ đầu tư của tỉnh. Chương trình còn là cơ hội để các doanh nghiệp giao lưu, tìm hiểu, ký kết các chương trình hợp tác đầu tư, phát triển sản xuất trong giai đoạn hiện nay.
Thời gian tới, để doanh nghiệp tiếp tục hội nhập sâu rộng trong sản xuất, kinh doanh, các cấp chính quyền cùng các ngành chức năng cần tiếp tục duy trì việc tiếp sức cho doanh nghiệp; tích cực kêu gọi các nguồn đầu tư, đồng thời có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp chủ động thực hiện các chương trình hội nhập mới./.
Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy