Xã Xuân Châu (Xuân Trường) có 170ha đất 2 vụ lúa. Những năm gần đây, năng suất lúa của xã thường đạt 120-125tạ/ha với các giống lúa có giá trị kinh tế cao như: Bắc thơm số 7, NĐ5, TH3-3… chiếm 50-60% diện tích canh tác. Nhằm khai thác tiềm năng đất đai và truyền thống thâm canh của người dân, Đảng uỷ, UBND xã đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức các lớp tập huấn và khuyến khích các hộ từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Trang trại tổng hợp của gia đình ông Phạm Văn Hải, xóm 2, xã Xuân Châu có thu nhập thực tế trên 120 triệu đồng/năm. |
Đến nay, xã Xuân Châu có trên 30 hộ mua sắm các loại máy móc, công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp như: máy tuốt lúa, máy cày - bừa…, 20 hộ có máy nghiền thức ăn gia súc. Toàn xã hiện có 2 máy gặt đập liên hợp, 2 máy cày công suất lớn, 15 máy cày tay, 6 máy tuốt lúa và hàng chục máy xay xát nông sản... Trong sản xuất nông nghiệp, phần lớn các khâu từ làm đất đến thu hoạch đã được cơ giới hóa, riêng khâu thu hoạch đã có 70% diện tích được cơ giới hóa nên đã hạn chế được tình trạng đốt rơm rạ. Phong trào cải tạo vườn tạp trồng rau màu theo mùa vụ, phát triển kinh tế sinh vật cảnh được nhân rộng ở các xóm, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp của xã đã có sự chuyển đổi tích cực. Ngoài cây lúa, rau màu, xã phát triển nuôi thuỷ sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Năm 2011, tổng đàn lợn của xã là 5.904 con, đàn trâu bò gần 1.000 con, đàn gia cầm 16 nghìn con. Hiện xã có trên 30 hộ phát triển chăn nuôi quy mô gia trại, bình quân từ 50-60 con lợn, 200-500 con vịt, 300-400 con gà/gia trại, cho thu nhập khoảng 80 triệu đồng/năm. Các hộ trong xã tận dụng ao, hồ với tổng diện tích gần 20ha nuôi thủy sản bằng các giống cá truyền thống với mức thu nhập đạt 80 triệu đồng/ha. Ngoài ra, vùng chuyển đổi ngoài bãi sông Hồng rộng 15ha cũng thu hút 10 hộ tham gia phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản, trồng các loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế trên 100 triệu đồng/ha/năm. Một số hộ đạt mức thu nhập thực tế từ 120-150 triệu đồng/năm như hộ các ông: Phạm Văn Hải, Nguyễn Văn Dũng (xóm 2); Nguyễn Văn Sinh (xóm 4). Năm 2005, được sự tạo điều kiện của xã, ông Phạm Văn Hải đã đấu thầu 4ha đất bãi đào 4 ao thả cá truyền thống với tổng diện tích mặt nước gần 4 mẫu. Trên bờ ông xây 2 dãy chuồng nuôi 100 con lợn thịt, 20 con lợn nái. Diện tích 1,5ha còn lại ông trồng chuối tiêu hồng. Ngoài chăn nuôi lợn, trồng chuối, ông còn duy trì đàn gia cầm 50 con gà ta, 60 con ngan, mỗi năm xuất bán từ 3-4 lứa. Năm 2012, ông Hải đã xuất bán được trên 6 tấn cá, hơn 1 tấn gà và ngan, 25 tấn thịt lợn hơi. Cũng ở trong khu chuyển đổi, gia trại của hộ ông Nguyễn Văn Sinh có diện tích 2,3ha, ngoài 1 mẫu mặt nước thả cá, ông xây chuồng trại nuôi đàn ngan 500 con theo hình thức gối sóng, tháng nào cũng xuất bán từ 3,5-4 tạ ngan thịt; đàn lợn 100 con trong đó có 13 lợn nái, đàn bò 42 con; trồng gần 4,5 mẫu chuối tiêu hồng; 5 sào trồng cỏ Gi-nê làm thức ăn cho bò; mỗi năm gia đình ông Sinh thu nhập từ gia trại hơn 300 triệu đồng.
Trong thời gian tới, xã Xuân Châu tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa, khuyến khích tạo điều kiện cho các hộ phát triển chăn nuôi theo các mô hình trang trại, gia trại tổng hợp. Từ phát triển kinh tế, Xuân Châu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã xuống dưới 8%, số hộ cận nghèo giảm xuống dưới 6%./.
Bài và ảnh: Thành Trung