Những năm qua, các làng nghề trong tỉnh đã góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn. Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của các làng nghề luôn làm cho các đơn vị quản lý môi trường và nhân dân địa phương lo ngại.
Trước thực trạng trên, các ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường thực hiện các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường đối với một số làng nghề như: tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức môi trường và pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) đối với làng nghề; hình thành và đưa vào hoạt động có hiệu quả một số mô hình xã hội hóa công tác thu gom chất thải rắn. Tích cực nghiên cứu, xây dựng, chuyển giao và có biện pháp nhân rộng một số mô hình quản lý, xử lý chất thải làng nghề, góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số địa phương như: mô hình quản lý chất thải nguy hại làng nghề; mô hình thu gom và xử lý rác thải áp dụng quy mô thôn hoặc xã; từng bước di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nằm xen kẽ trong khu dân cư vào các khu, CCN… Tuy nhiên, việc thực hiện các giải pháp này chỉ mới mang tính mô hình thí điểm và tập trung tại một số làng nghề, chưa được triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh và chưa mang lại hiệu quả triệt để trong công tác khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề. Hiện toàn tỉnh có trên 90 làng nghề, nhưng có gần 50% số làng nghề thải ra môi trường các chất thải dạng ô nhiễm điển hình, trong đó có nước thải chưa qua xử lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người dân. Tại một số làng nghề sản xuất cơ khí, dệt may, tẩy nhuộm, thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, chế biến lương thực, thực phẩm được xác định là gây ảnh hưởng nhiều nhất đến môi trường, kết quả quan trắc cho thấy có những thông số gây ô nhiễm môi trường nước, không khí, tiếng ồn tại nhiều làng nghề đều vượt ngưỡng cho phép từ 1,5 đến hơn 13 lần. Làng nghề tái chế nhựa Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực) bình quân mỗi tháng sử dụng 140 tấn dầu, gần 100kg hoá chất các loại nhưng hiện vẫn chưa có bể chứa, bãi chôn lấp chất thải rắn, trong khi ô nhiễm nguồn nước đang ở mức báo động. Làng nghề La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, dù đã được quan tâm đầu tư bể chứa chất thải tập trung, nhưng môi trường nơi đây đang ô nhiễm nghiêm trọng, với một số thông số vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,15 đến 11,9 lần. Việc không thực hiện tốt công tác BVMT đã ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người dân ở chính các làng nghề. Tại làng nghề Vân Chàng, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) ô nhiễm môi trường đang đe dọa sức khỏe người dân; hiện mức độ tuổi thọ trung bình của người dân chưa được 55 tuổi. Tại làng nghề Yên Tiến (Ý Yên) chuyên sản xuất hàng sơn mài, đồ thờ, mây tre đan xuất khẩu, tỷ lệ người dân mắc các bệnh về phổi, bệnh tiêu hóa, mắt, bệnh ngoài da tăng cao. Năm 2011, tỷ lệ bệnh mắt hột hoạt tính trong học sinh là 1,28%; đặc biệt, xã có tới 11 người chết do bị bệnh ung thư… Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN và MT), nguyên nhân của những tồn tại trong công tác BVMT làng nghề là do ý thức BVMT của các hộ sản xuất còn nhiều hạn chế; nguồn vốn đầu tư cho công tác BVMT, nhất là môi trường làng nghề còn ít; sự vào cuộc của các cấp, các ngành còn chưa quyết liệt.
Sản xuất hàng tre nứa ghép xuất khẩu tại Cty Nam Hải, Thị trấn Lâm (Ý Yên). |
Để tiếp tục phát triển, đưa thêm nghề mới về các địa phương theo hướng phát triển bền vững gắn với BVMT, về lâu dài, tỉnh sẽ tiến hành tái cơ cấu làng nghề và từng doanh nghiệp trong làng nghề; tổ chức tổng điều tra, đánh giá thực trạng làng nghề; qua đó phân loại, đánh giá từng làng nghề theo tiêu chí rõ ràng, làng nghề nào gây ô nhiễm nghiêm trọng thì kiên quyết xóa bỏ, những làng nghề gây ô nhiễm ít phải có lộ trình khắc phục cụ thể. Trước mắt cần tập trung xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề; ngăn chặn không để phát sinh các điểm ô nhiễm mới theo quy định về BVMT làng nghề của Thông tư số 46/2011/TT-BTNMT ngày 26-12-2011 có hiệu lực từ ngày 1-3-2012. Theo đó, phân loại các cơ sở sản xuất trong làng nghề thành 3 nhóm, gồm nhóm A: được phép hoạt động trong khu vực dân cư; nhóm B và nhóm C: không được phép thành lập mới, nếu đang hoạt động phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Nếu không phải di chuyển vào khu, CCN hoặc khu sản xuất tập trung cách xa khu dân cư hoặc chấm dứt hoạt động trước ngày 1-1-2017. Tại tất cả các làng nghề đang hoạt động sẽ triển khai rà soát xem làng nghề nào có gây ô nhiễm và sẽ khắc phục, xử lý ô nhiễm từng bước theo hướng vừa phù hợp với nguồn lực hiện có, vừa tránh xáo trộn quá lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân. Hiện, Sở TN và MT đang thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại làng nghề; sàng lọc và lựa chọn các làng nghề điển hình để ưu tiên đầu tư xử lý. Trước mắt, ưu tiên khắc phục, xử lý ô nhiễm môi trường tại 4 làng nghề là: làng nghề làm bún Phong Lộc, phường Cửa Nam (TP Nam Định); làng nghề ươm tơ Cổ Chất, xã Phương Định (Trực Ninh); làng nghề sản xuất miến Nam Dương (Nam Trực); làng nghề chế biến hải sản Văn Lâm, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng). Sở TN và MT sẽ tăng cường các biện pháp nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả cộng đồng trong việc chung tay BVMT; trong đó, nhấn mạnh việc xử lý ô nhiễm môi trường là trách nhiệm của người gây ra ô nhiễm. Tập trung xác định rõ ràng làng nghề nào cần được xã hội hoá và Nhà nước hỗ trợ, làng nghề nào các doanh nghiệp cần phải chịu trách nhiệm theo nguyên tắc ai gây ô nhiễm người đó phải khắc phục; không để xảy ra tình trạng đầu tư ngân sách Nhà nước để xử lý ô nhiễm môi trường lại phục vụ lợi ích của cá nhân doanh nghiệp. Tập trung nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền từ tỉnh đến địa phương, cùng vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ để đạt được kết quả cao trong gắn BVMT với phát triển làng nghề./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý