Chín tháng đầu năm 2012, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện Giao Thủy ước đạt 289 tỷ đồng (giá cố định năm 1994), bằng 80,3% so với kế hoạch, tăng 19% so với cùng kỳ. Đạt được kết quả trên, huyện đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao kiến thức quản lý, xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm… giúp các doanh nghiệp trên địa bàn vượt khó, ổn định sản xuất kinh doanh.
Sản xuất gạch tuynel tại Cty CP Công nghiệp tàu thuỷ An Đồng, Thị trấn Ngô Đồng. |
Toàn huyện hiện có 1.640 cơ sở sản xuất CN-TTCN và ngành nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 15.690 lao động. Các doanh nghiệp đã nỗ lực khắc phục hạn chế, đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cty CP May thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thuỷ chuyên may trang phục thi đấu thể thao xuất khẩu sang các thị trường: Mỹ, EU, Hàn Quốc với năng lực sản xuất mỗi năm trên 2 triệu sản phẩm. 8 tháng đầu năm 2012, Cty đạt doanh thu 73,1 tỷ đồng, dự kiến tổng doanh thu năm 2012 đạt 100 tỷ đồng. Những tháng cuối năm 2012, ngoài việc tìm kiếm bạn hàng, ký kết hợp đồng mới, Cty khẩn trương hoàn thiện dự án xây dựng thêm 1 xưởng may với tổng mức đầu tư dự kiến gần 100 tỷ đồng, tạo việc làm cho 500 lao động. Cty TNHH May và Thương mại Anh Đức (Giao Tân) chuyên gia công các sản phẩm áo giắc-két, quần âu… sản xuất được trên 10 nghìn sản phẩm/tháng, tạo việc làm cho gần 100 lao động với mức thu nhập bình quân 2-2,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2012, mặc dù gặp khó khăn do biến động thị trường nhưng đến thời điểm hiện tại Cty đã sản xuất được trên 60 nghìn sản phẩm, duy trì việc làm ổn định cho người lao động. Cty CP Công nghiệp tàu thủy An Đồng trước đây hoạt động trong lĩnh vực sửa chữa và đóng mới phương tiện vận tải thủy, nay đã chuyển đổi sang lĩnh vực sản xuất VLXD với dây chuyền công nghệ lò tuynel. Cty đã đầu tư gần 40 tỷ đồng xây dựng dây chuyền sản xuất gạch tuynel, công suất thiết kế 20 triệu viên/năm. Cùng với việc đầu tư các phương tiện phục vụ sản xuất, Cty cải tiến hệ thống lò đốt, hệ thống goòng xếp gạch mộc, tiết kiệm nguyên liệu; nhờ đó, năng suất nâng lên trên 30 triệu viên/năm, tỷ lệ sản phẩm A-B đạt trên 90%... Ngoài việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện còn chú trọng xây dựng uy tín, thương hiệu để mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác, tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm... Đồng thời, chia hướng đầu tư, vừa phát triển các ngành nghề truyền thống như cơ khí, xây dựng, dệt may, nhựa, hóa chất; vừa tập trung sản xuất các mặt hàng phụ trợ, phục vụ chế biến và tiêu dùng để có điều kiện hỗ trợ nhau trong sản xuất. Bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN, huyện Giao Thủy còn chú trọng phát triển ngành nghề nông thôn như: sản xuất nước mắm và chế biến thủy hải sản, may công nghiệp, móc sợi, thêu ren, mây giang đan… Nghề sản xuất nước mắm và chế biến thủy hải sản trên địa bàn huyện có 80 cơ sở với gần 2.000 lao động; nghề đan mây tre, móc sợi, thêu ren có 18 cơ sở với 1.640 lao động tham gia…
Những tháng cuối năm 2012, huyện Giao Thủy tiếp tục tạo điều kiện giúp các cơ sở, doanh nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, phấn đấu giá trị sản xuất CN-TTCN năm 2012 đạt 360 tỷ đồng. Tiếp tục thu hút đầu tư, ưu tiên cho đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thủy hải sản và các ngành sản xuất phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Vận dụng linh hoạt, hiệu quả các cơ chế khuyến khích và chính sách hỗ trợ của Nhà nước về vốn, đất đai, đào tạo nghề… để khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh./.
Bài và ảnh: Thành Trung