Ý Yên xây dựng thương hiệu làng nghề

07:09, 29/09/2012

Từ năm 2009, huyện Ý Yên đã xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm rượu nếp Yên Phú (xã Yên Phú) và sản phẩm đúc của Hiệp hội Cơ khí đúc Ý Yên. Từ thành công ban đầu này, huyện Ý Yên đang tiếp tục hỗ trợ các làng nghề truyền thống xây dựng phát triển thương hiệu, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chương trình phát triển CN-TTCN, làng nghề của huyện giai đoạn 2011-2015.

Nghề nấu rượu ở xã Yên Phú có truyền thống từ hàng trăm năm nay với sản phẩm nổi tiếng thơm ngon khắp vùng bởi được chưng cất từ gạo nếp cái hoa vàng, ủ bằng men được làm từ 9 vị thuốc bắc. Được sự hỗ trợ của Sở KH và CN, UBND huyện Ý Yên, xã Yên Phú đã thành lập HTX sản xuất rượu nếp, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm rượu nếp Yên Phú, đồng thời xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cho sản phẩm làng nghề. Với 100% các chỉ tiêu chất lượng đảm bảo theo tiêu chuẩn Việt Nam, sản phẩm rượu nếp Yên Phú được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) công nhận và bảo hộ về kiểu dáng bao bì, tem nhãn. Việc xây dựng thành công thương hiệu “Rượu nếp Yên Phú” không chỉ giúp địa phương giữ được nghề mà còn giúp người dân làm giàu từ nghề truyền thống trên quê hương mình. Bên cạnh thương hiệu rượu nếp Yên Phú, Hiệp hội Cơ khí đúc Ý Yên cũng xúc tiến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đúc đồng truyền thống của mình. Hiệp hội đã xây dựng quy trình sản xuất, các chỉ tiêu kỹ thuật cơ bản, đăng ký chất lượng sản phẩm và đề nghị bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm đúc đồng truyền thống của hiệp hội. Bên cạnh đó, hiệp hội cũng ra quy chế bắt buộc để các doanh nghiệp sử dụng thương hiệu phải đảm bảo chất lượng hàng hoá theo chỉ tiêu kỹ thuật nhất định đối với từng nhóm sản phẩm; cam kết bảo vệ môi trường, xử lý phế thải, phế liệu, đảm bảo các điều kiện an toàn lao động cũng như các biện pháp phát triển và bảo hộ thương hiệu trên thị trường... Hiện tại ngoài việc chuẩn hóa quy trình công nghệ theo hệ thống tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001-2008, các doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ đúc kỹ thuật số và công nghệ đúc chân không; đưa máy phân tích quang phổ, máy đo độ cứng, máy kiểm tra khuyết tật bề mặt, đánh bóng sản phẩm… thay thế cho các công đoạn sản xuất thủ công trước đây. Do đó các doanh nghiệp trong làng nghề đã sản xuất thành công nhiều chi tiết máy có độ chính xác cao và nhiều chi tiết bằng đồng với các thông số kỹ thuật tiêu chuẩn châu Âu như bạc, trục, chân vịt trong ngành công nghiệp tàu thuỷ, giàn khoan dầu khí…, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Với việc bảo hộ và các kế hoạch chiến lược phát triển thương hiệu làng nghề, Hiệp hội Cơ khí đúc Ý Yên đang hướng đến việc phát triển bền vững nghề đúc truyền thống theo hướng tăng giá trị hàng xuất khẩu mang hàm lượng kỹ thuật cao.

Đóng chai sản phẩm rượu nếp Yên Phú trước khi xuất xưởng.
Đóng chai sản phẩm rượu nếp Yên Phú trước khi xuất xưởng.

Từ thành công của việc xây dựng thương hiệu rượu nếp Yên Phú, rồi sản phẩm đúc đồng truyền thống của Hiệp hội Cơ khí đúc Ý Yên, đến nay, nhiều làng nghề trong huyện cũng đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Hiện tại, được sự hỗ trợ của Sở KH và CN, UBND huyện Ý Yên, UBND xã Yên Ninh đang nỗ lực xúc tiến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ dưới hình thức xây dựng nhãn hiệu tập thể cho làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ La Xuyên. Hiện tại, xã Yên Ninh đang tiến hành điều tra, khảo sát các chỉ tiêu của sản phẩm và đặc trưng làng nghề, xây dựng quy trình chuẩn để tạo ra sản phẩm đảm bảo các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, vệ sinh môi trường, thiết kế tem nhãn, lô gô, mã vạch cho sản phẩm, xây dựng hồ sơ xác lập quyền nhãn hiệu tập thể và thực hiện các chương trình quảng cáo hỗ trợ phát triển thương hiệu.

Ngoài các làng nghề truyền thống, một số làng nghề mới như nghề may xã Yên Trị, nghề trồng cây cảnh xã Yên Phúc… cũng đang nỗ lực xúc tiến xây dựng thương hiệu làng nghề. Nghề may của xã Yên Trị được du nhập về địa phương từ những năm 1980 với các sản phẩm gia công may như găng tay, quần áo bảo hộ lao động. Khi đã nắm bắt được cách thức tổ chức sản xuất, nhu cầu thị trường, một số cơ sở sản xuất đã chuyển đổi phương thức sản xuất, đầu tư thiết bị máy móc, nhà xưởng để sản xuất sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của đối tác và người tiêu dùng. Đi đầu trong việc chuyển đổi hình thức sản xuất là Cty TNHH Vĩnh Oanh, Cty TNHH Phương Lan… Ngoài ra, các cơ sở sản xuất khác trong xã còn chủ động nghiên cứu, tìm hiểu học hỏi tại các doanh nghiệp ở các thành phố lớn để hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất các sản phẩm may thời trang và tiếp cận mặt hàng mới như quần áo mưa các loại. Cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp may ở Yên Trị còn đăng ký chất lượng sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và đang tiếp cận với các công cụ sở hữu trí tuệ như điều kiện phát triển nguồn nhân lực, các giải pháp kỹ thuật, các ý tưởng sáng tạo, kiểu dáng sáng tạo hàng dệt may (thông qua đăng ký kiểu dáng công nghiệp)… Những nỗ lực này đã góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược tổng thể của doanh nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh và giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững. Hiện tại, xã có 12 Cty, doanh nghiệp và hơn 200 cơ sở sản xuất hàng may mặc hoạt động, thu hút gần 6.000 lao động với mức thu nhập 2,5-4 triệu đồng/người/tháng. 6 tháng đầu năm 2012, doanh thu của các Cty, doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất của xã ước đạt gần 300 tỷ đồng.

Với 16 làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, trong đó có nhiều sản phẩm nổi tiếng cả nước và có giá trị xuất khẩu cao như: mây tre đan, sơn mài Yên Tiến, chạm khắc gỗ La Xuyên, đúc đồng Tống Xá, khảm trai Ninh Xá…, huyện Ý Yên cùng các địa phương, doanh nghiệp trong huyện đang nỗ lực xúc tiến xây dựng thành công các thương hiệu nghề truyền thống, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tạo tư cách pháp nhân để mở rộng giao thương hàng hóa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần đa dạng mẫu mã, đào tạo thợ giỏi để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tham gia các triển lãm, hội chợ thương mại trong nước và quốc tế nhằm nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề./.

Bài và ảnh: Hương Tú



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com