Theo Bộ Công thương, bảy tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc cả nước ước đạt 8,2 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ; xơ, sợi dệt các loại ước đạt một tỷ USD, giảm 5,7% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu không lạc quan đối với ngành dệt may Việt Nam, khi mà nhiều năm qua ngành luôn có mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao, dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu và đứng vào TOP 10 nước xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới.
Sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu dệt may được lý giải chủ yếu do thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Những thị trường nhập khẩu lớn hàng dệt may Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản... đều bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công, thất nghiệp gia tăng, người tiêu dùng dè sẻn trong chi tiêu, khiến nhu cầu hàng dệt may có xu hướng giảm. Thị trường Mỹ chỉ tăng trưởng 3%, EU tăng 2,7%, Nhật Bản tăng 8,9%, Hàn Quốc giảm 2% so cùng kỳ. Đồng thời, các nước cung cấp hàng dệt may lớn trên thế giới một mặt phải đối phó khó khăn trong nước, một mặt phải điều chỉnh hạ giá bán để cạnh tranh cả về chính sách mặt hàng, cho nên đơn giá làm hàng xuất khẩu giảm từ 5 đến 7%.
Bên cạnh sự nỗ lực của DN, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để hàng dệt may tiếp tục là sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Ảnh: Internet |
Bên cạnh những bất lợi nêu trên, các DN dệt may Việt Nam còn gặp khó khăn về chi phí đầu vào tăng như giá điện, xăng, dầu, chi phí vận chuyển, tiền lương, bảo hiểm người lao động... tăng từ 5 đến 15% so cùng kỳ năm trước. Mặt khác, việc thực hiện thu thuế bảo vệ môi trường áp dụng cho túi ni-lông (dùng cho bao gói sản phẩm) từ ngày 1-1-2012 đã làm giá thành túi tăng gấp hai lần; ngân hàng giảm lãi suất cho vay nhưng DN khó tiếp cận vốn vay để phát triển sản xuất, nhất là đối với việc vay vốn dài hạn và trung hạn để đầu tư chiều sâu và mở rộng sản xuất.
Ngoài ra, các DN dệt may còn bị phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu như bông, xơ, máy móc thiết bị; trình độ quản lý, năng suất lao động còn thấp, thiếu sự kết nối trực tiếp với thị trường. Chi phí vốn quá cao, cụ thể, ngành sợi phải nhập khẩu gần 97% bông, xơ, hóa chất... trình độ sản xuất và quản lý chưa thật sự chuyên nghiệp, ngành may vẫn chủ yếu làm gia công. Lao động giá rẻ không còn là lợi thế của ngành dệt may, lợi thế này đang dần mất đi khi các quốc gia khác cũng đang cố gắng cạnh tranh bằng việc cung cấp lao động giá rẻ hơn hoặc thông qua các biện pháp nâng cao năng suất tích cực hơn.
Trong bối cảnh khó khăn chung, để ngành thực hiện mục tiêu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu từ 17 đến 17,5 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu thì những tháng cuối năm, ngoài việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh thì các DN cần tập trung công tác thị trường, xúc tiến thương mại. Đây là khâu quan trọng, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay để bù đắp lại những thị trường đang bị giảm đơn hàng. Bên cạnh việc duy trì thị trường chính, các DN cần chủ động tìm kiếm, mở thêm thị trường mới mà tại đó Việt Nam và những nước nhập khẩu hàng may mặc Việt Nam đã ký Hiệp định tự do thương mại để được hưởng lợi từ giảm thuế nhập khẩu như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Các DN dệt may cần tiếp tục sắp xếp sản xuất hợp lý để tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, như áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến, tích cực chủ động tham gia vào chuỗi liên kết giữa các đơn vị trong Hiệp hội Dệt may Việt Nam để nâng cao giá trị gia tăng hàng dệt may. Đồng thời, cùng tăng cường hợp tác trong ngành để chia sẻ thông tin, hạn chế sự cạnh tranh lẫn nhau, tránh bị khách hàng lợi dụng ép giảm giá, cùng hợp tác chống bán phá giá, đồng thời cam kết tăng cường sử dụng tối đa nguyên phụ liệu của DN trong nước và chuyển hướng sang thị trường mới giá rẻ và ổn định hơn, nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu; cố gắng giảm thiểu gia công xuất khẩu, các DN cần tăng cường làm hàng FOB, thậm chí là mạnh dạn làm các đơn hàng tự thiết kế ODM để tăng thêm giá trị của sản phẩm.
Bên cạnh sự nỗ lực của DN, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước như sớm ban hành Chiến lược phát triển ngành dệt may, có chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành; tăng cường đàm phán và ký kết các Hiệp định tự do thương mại và Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP); có chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất ra ngoại thành, đầu tư sản xuất sạch; xây dựng hệ thống giao dịch nguyên phụ liệu dệt may và phát triển công nghiệp phụ trợ cho xuất khẩu và tăng cường kinh phí hỗ trợ xúc tiến thương mại...
Theo nhandan.com.vn